Tết về gói bánh chưng xanh
Trong Tết xưa của người Việt, ở mỗi gia đình dù giàu hay nghèo, sang hay hèn cũng không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh. Và có lẽ mong chờ Tết hơn cả vẫn là những cô bé, cậu bé học trò đêm 30 'trông bánh chưng chờ trời sáng' với tâm trạng háo hức khó tả.
Tết nay nhớ bánh chưng xưa
Thế hệ đầu 7X chúng tôi sinh ra và lớn lên trong thời kì khó khăn vất vả, thiếu thốn đủ đường. Vì thế đứa nào cũng mong Tết về. Bởi chỉ có Tết mới được mặc quần áo mới, tung tăng đi chơi, được ăn các món ngon hơn ngày thường, nhất là bánh chưng.
Để gói được nồi bánh, nhà nhà phải rục rịch chuẩn bị cả tháng trời. Nào là tích trữ củi phơi khô. Củi càng to càng cháy đượm, than hồng âm ỉ. Gạo nếp, đỗ xanh phải để dành. Lợn trong chuồng vỗ béo còn cho đánh đụng.
Từ 27, 28 trở đi, sau khi ruộng nương, đồng áng cơ bản đã cấy xong, nhà nhà mới đi chợ sắm sửa. Nào là măng miến, vàng hương, quần áo, giầy dép cho lũ trẻ, và không quên mua vài mớ lá dong xanh tươi, đoạn giang về chẻ lạt để gói bánh.
Đến 29 Tết, nhà nào nhà ấy nhộn nhịp, tấp nập hẳn lên. Tiếng gà kêu quang quác, tiếng lợn eng éc từ tinh mơ sáng sớm. Không khí Tết rộn rực khắp làng trên xóm dưới. Trẻ con háo hức bật dậy rất sớm, trực chờ để theo người lớn đi đụng lợn, để được nếm thử miếng lòng nóng hổi, thơm ngậy.
Trong các gia đình, trẻ con được phân công mỗi đứa mỗi việc. Đứa thì rửa lá và lau khô, phụ giúp mẹ vo gạo, đãi đỗ. Đứa thì bê củi vào bếp để chiều tối luộc bánh. Đứa thì quét dọn nhà cửa. Vui không kể xiết! Đứa nào cũng mong ngóng chuẩn bị cho việc gói và luộc bánh.
Để có được những chiếc bánh thơm ngon, xanh ngắt thì việc chọn nguyên liệu là rất quan trọng, sau là tẩm ướp gia vị, nữa là kĩ thuật gói và luộc. Công đoạn nào cũng cần thiết. Gạo nếp phải tròn mẩy, được loại nếp cái hoa vàng là ngon nhất, ngâm vài tiếng, vo sạch, để ráo nước, cho lượng muối vừa đủ để bánh được đậm đà. Đỗ xanh cũng phải đều hạt, lòng vàng, xay vỡ ra, ngâm và đãi kĩ cho sạch vỏ, rồi đồ lên, đánh nhuyễn, viên thành từng nắm tròn làm nhân. Thịt lợn là những miếng ba chỉ rửa sạch, thái miếng to bản, đều nhau, được ướp hạt tiêu xay rang thơm nức mũi cùng nước mắm, mì chính, trộn đều…
Sau khi tất cả nguyên liệu đã được chuẩn bị đầy đủ cho việc gói bánh, chiếc chiếu đỏ được trải ra giữa sân, cả nhà ngồi quây quần, vừa học cách bố gói bánh chưng, vừa phụ giúp những việc lặt vặt.
Bố gấp những chiếc lá dong to đều thành bốn góc và cho gạo, nhân đỗ, thịt vào giữa, dàn đều, rồi gập lá lại, buộc bằng những chiếc lạt giang trắng phau mềm mại bền dai thành từng chiếc bánh vuông vức, chặt chẽ. Cứ như vậy, bố gói rất nhanh, không cần khuôn mà chiếc nào chiếc ấy cũng đều chằn chặn, trông rất đẹp mắt.
Trẻ con vui nhất là được bố gói cho một chiếc bánh nhỏ xinh, đánh dấu bằng những chiếc lạt buộc khác nhau. Bánh sau khi gói xong được xếp lần lượt vào nồi gang lớn. Củi đã có sẵn, chỉ việc nổi lửa. Nồi bánh chẳng mấy sôi sùng sục, ấm sực cả gian bếp, không đứa nào muốn dời đi. Siêu nước cũng được đặt bên cạnh cho nóng để chế thêm vào khi nồi bánh cạn. Đứa nào cũng thủ một vài củ khoai, bắp ngô để nướng trên bếp than hồng rực và ăn rí rách với nhau, mặt mũi đen nhẻm.
Mâm cơm tối được dọn ngay ở gian bếp cho ấm áp. Quá nửa đêm, bố mẹ trực để vớt bánh ra xếp thành hàng rồi ép cho thật chặt bằng vật nặng đặt lên thanh gỗ cho đều. Sáng dậy, trẻ con mỗi đứa đã có chiếc bánh xinh để dành, ngắm nghía rồi mới ăn. Những chiếc bánh chưng xanh mướt được bố trịnh trọng đặt trên ban thờ gia tiên hòa quyện trong mùi hương trầm thơm ngát tạo nên hương vị đặc trưng của ngày Tết cổ truyền. Mâm cơm trong mấy ngày Tết đều có đĩa bánh chưng dẻo dền, thơm ngậy, đậm đà...
Miếng bánh đầy ắp kỷ niệm
Trong những dịp Tết Nguyên đán, có một kỉ niệm mà suốt đời tôi không thể quên, đó là năm lớp 7 cả nhóm khoảng chục đứa trong làng rủ nhau đi chúc Tết cô chủ nhiệm, đồng thời cũng là cô giáo dạy Văn. Nhà cô cách xa trường nên phải ở khu tập thể, nhưng mấy ngày trước Tết, cô đã về quê chồng để sum họp cùng gia đình. Dù đường xa đến hơn chục cây số nhưng tất cả cùng đi bộ. Đứa nào cũng háo hức dậy sớm, mặc quần áo mới rồi kéo nhau đi. Quà dành cho cô chỉ có gói mứt Tết.
Hỏi thăm mãi, đến gần trưa cả nhóm mới tìm được nhà cô. Nhìn cả lũ học trò mặt mũi phờ phạc vì đói và rét, cô mang kẹo, bánh chưng mời học trò. Với tôi, chưa bao giờ có miếng bánh chưng nào ngon đến thế. Món ăn ngon cùng tình cảm yêu thương chan chứa của cô chủ nhiệm mãi khắc ghi trong tâm trí tôi và nhiều bạn bè cùng lứa, mà mỗi dịp Tết đến Xuân về, khi nhớ lại kỷ niệm này, tôi luôn cảm thấy thật xúc động và ấm áp…
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tet-ve-goi-banh-chung-xanh-post602170.antd