Thạch An nỗ lực phòng trừ châu chấu gây hại cây trồng

Những ngày đầu tháng 6/2024, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch An thường xuyên bám sát đồng ruộng kiểm tra, nắm bắt diễn biến tình hình châu chấu gây hại cây trồng và cỏ dại, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ đối với diện tích có mật độ châu chấu cao, không để bùng phát mạnh trên diện rộng.

Minh Khai là một trong những xã bị châu chấu gây hại nhiều nhất. Hiện nay 5 ha ngô, 4,5 ha lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh, 16 ha đồi vầu và 13,7 ha cỏ dại bị châu chấu gây hại, tập trung chủ yếu tại các xóm: Pác Nặm, Nà Đoỏng, Nà Sèn, Nà Kẻ, Nặm Tàn. Chủ tịch UBND xã Minh Khai Lương Trung Kiên cho biết: Sau khi nhận được thông tin châu chấu xuất hiện trên địa bàn, chính quyền xã báo cáo với các cơ quan chức năng có biện pháp phòng trừ dịch hại phát tán. Tuyên truyền, vận động, bà con thường xuyên thăm đồng và rừng để phát hiện các ổ dịch, báo chính quyền xã, cơ quan chuyên môn có biện pháp phòng trừ. Chính quyền địa phương tạm ứng tiền mua thuốc, hóa chất phát cho người dân phun, vừa phòng ngừa, vừa tiêu diệt châu chấu nhưng không đem lại kết quả như mong muốn. Châu chấu ở trong rừng có mật độ quá lớn, trong khi thuốc và hóa chất chỉ phun cho các diện tích sản xuất nông nghiệp, đàn châu chấu này chết đàn khác lại kéo về nên một số diện tích ngô, lúa trên địa bàn vẫn bị châu chấu gây hại. Chúng tôi vừa chống dịch, vừa tổ chức thống kê thiệt hại để đề nghị cấp trên hỗ trợ cho bà con.

Diện tích ngô huyện Thạch An bị châu chấu gây hại.

Diện tích ngô huyện Thạch An bị châu chấu gây hại.

Vụ xuân năm nay gia đình bà Long Thị Dự, xóm Nà Sèn, xã Minh Khai trồng hơn 1.400 m2 ngô, gần 1.000 m2 lúa. Đến giai đoạn lúa trỗ bông, phơi màu, ngậm sữa, cây ngô đang giai đoạn thâm râu, chín sáp thì bị châu chấu gây hại. Bà Dự chia sẻ: Khi ngô bắt đầu bị châu chấu gây hại, tôi báo với chính quyền xã và được UBND xã cấp thuốc phun diệt nhưng không hiệu quả vì đàn châu chấu quá nhiều đành phải nhìn ruộng ngô bị châu chấu cắn trụi hết lá, năng suất ngô giảm gần một nửa so với năm trước. Đối với diện tích lúa, tôi thường xuyên thăm ruộng và phun thuốc diệt trừ ngay khi phát hiện, đến nay cơ bản khống chế được dịch châu chấu.

Cũng như xã Minh Khai, nông dân xã Canh Tân cũng "đứng ngồi không yên" khi châu chấu sinh sản quá nhanh. Hiện 2,5 ha ngô, 0,5 ha lúa, 12 ha đồi vầu và 4 ha cỏ dại bị châu chấu gây hại. Dù nông dân phun thuốc diệt trừ ngay khi phát hiện nhưng một số diện tích lúa đang giai đoạn trỗ bông, ngô giai đoạn thâm râu, chín sáp bị châu chấu ăn trụi lá, chỉ còn trơ lại ngọn.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Huyền, xóm Tân Tiến, xã Canh Tân cho biết: Năm nay gia đình tôi trồng 1.000 m2 ngô, tôi phun thuốc nhưng không có kết quả, đành bất lực nhìn ruộng ngô bị châu chấu ăn trụi lá chỉ còn trơ lại thân và ngọn. Hiện nay, châu chấu bắt đầu xuất hiện trên 2.000 m2 lúa của gia đình. Ngay sau khi phát hiện châu chấu, tôi phun thuốc diệt trừ sớm từ khi châu chấu còn nhỏ, đồng thời dọn dẹp sạch bờ cỏ ruộng để hạn chế các điểm châu chấu có thể sinh sản, đảm bảo an toàn cho cây lúa phát triển.

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch An, hiện nay, châu chấu đang gây hại hơn 87 ha ngô, lúa, đồi vầu và một số cây cỏ dại ven sông, suối tại các xã: Minh Khai, Canh Tân, Quang Trọng, Kim Đồng. Trên cây ngô, châu chấu gây hại với mật độ trung bình từ 80 - 100 con/m2, cục bộ 200 - 300 con/m2; cây lúa, mật độ trung bình 1,8 con/m2 (con non), 4,2 con/m2 (trưởng thành); trên đồi vầu và cỏ dại, châu chấu phát sinh gây hại với mật độ trung bình 300 - 400 con/m2, nơi cao 500 - 600 con/m2. Châu chấu trưởng thành có khả năng di chuyển nhanh thành từng đàn, sức phá hại lớn và khó kiểm soát. Nếu không phòng trừ kịp thời, chúng sẽ ăn trụi lá làm cho cây trơ cành, khô héo và chết.

Nông dân xã Minh Khai (Thạch An) phun thuốc hạn chế châu chấu gây hại trên cây trồng.

Nông dân xã Minh Khai (Thạch An) phun thuốc hạn chế châu chấu gây hại trên cây trồng.

Đồng chí Luân Việt Quân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch An nhận định: Vòng đời châu chấu dài, thời gian sống và phá hại khoảng 5 - 6 tháng trong năm, châu chấu trưởng thành có thể bay xa 40 - 60 km, di chuyển nhanh thành từng đàn và sức tàn phá lớn, rất khó kiểm soát. Khi hết thức ăn trên rừng chúng có thể di chuyển đến phá hại trên các cây trồng khác gần bìa rừng như ngô, lúa, cỏ chăn nuôi... hoặc bay sang các rừng khác. Bà con cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm ổ châu chấu mới nở, còn co cụm mật độ thấp. Dùng vợt bắt châu chấu để làm giảm mật độ trên vùng gieo trồng ngô, lúa... Châu chấu có xu hướng bay vào ánh lửa vào ban đêm, những vùng có mật độ cao có thể đốt lửa vào ban đêm để tiêu diệt nhằm giảm mật độ châu chấu. Khi châu chấu đã phát triển mạnh, bắt đầu gây hại trên diện rộng, sử dụng thuốc Wavotox, Vc86, Thanatox 5ec… với liều lượng từ 100 - 150 ml/50 lít nước/1.000 m2 bằng máy phun thuốc chuyên dùng để khoanh vùng, phun cuốn chiếu từng khu vực để tiêu diệt, tránh chúng phát tán gây hại trên diện rộng. Nên phun vào sáng sớm hoặc chiều mát và phun từ cao xuống thấp. Khi phun thuốc cần theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc và tuân thủ đúng kỹ thuật.

Thời gian tới, châu chấu có thể hoạt động rộng, gây hại mạnh trên cây ngô, lúa, đồi vầu và cỏ dại, vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tiếp tục theo dõi, phát hiện kịp thời các ổ dịch, chủ động phun trừ dập dịch kịp thời để bảo vệ cây trồng, hạn chế thiệt hại do châu chấu gây ra.

Ngọc Dung

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thach-an-no-luc-phong-tru-chau-chau-gay-hai-cay-trong-3169717.html