Thách thức của OPEC
Cuộc họp trực tuyến của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ (JMMC) vừa qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, OPEC+, một liên minh gồm các thành viên của OPEC và 10 nước đối tác do Nga dẫn đầu, sẽ tiếp tục lộ trình cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu đã được thống nhất hồi tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, thống nhất đã khó, thực hiện cam kết mới là thách thức lớn đối với các thành viên OPEC+.
Cuộc họp trực tuyến của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ (JMMC) vừa qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, OPEC+, một liên minh gồm các thành viên của OPEC và 10 nước đối tác do Nga dẫn đầu, sẽ tiếp tục lộ trình cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu đã được thống nhất hồi tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, thống nhất đã khó, thực hiện cam kết mới là thách thức lớn đối với các thành viên OPEC+.
Vào tháng 4 vừa qua, trong cơn hoảng loạn của khủng hoảng giá dầu, các nước OPEC+ đã “ghi điểm” với cộng đồng quốc tế khi các thành viên chấp nhận vì lợi ích chung, cam kết cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19. Các nhà sản xuất dầu mỏ đã nhất trí mức cắt giảm sâu sản lượng khai thác trong mấy tháng qua và mức giảm cho tháng 9-2020 theo kế hoạch của OPEC+ là 7,7 triệu thùng/ngày.
Nỗ lực ổn định thị trường của các nước OPEC+ thời gian qua đã có kết quả. Sau khi giảm xuống dưới 20 USD/thùng hồi tháng 4, giá dầu thô Brent Biển Bắc giờ lại ngấp nghé mức 42 đến 45 USD/thùng trong tháng 7 vừa qua, mặc dù nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu vẫn rất thấp do dịch bệnh tiếp tục “phủ bóng đen” lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Sau khi tránh được cuộc khủng hoảng giá xảy ra, các nước OPEC+ giờ đây đã nhanh chóng lấy lại vị thế của mình, nhất trí cùng nhau hợp tác duy trì cắt giảm sản lượng ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, việc OPEC+ “nói lời giữ lời” là không hề đơn giản và việc thực hiện cam kết đang đối mặt nhiều thách thức. Trước hết, một số thành viên trong “đại gia đình OPEC+” có thể sẽ không tuân thủ cam kết. Thực tế thời gian qua, một số nước thành viên chưa thực hiện đúng cam kết của mình. Theo phân tích thị trường của S&P Global, trong khi JMMC đặt mức tuân thủ hạn ngạch sản lượng nói chung của các thành viên OPEC+ là 97%, thì tỷ lệ tuân thủ của I-rắc trong tháng 7-2020 chỉ là 83% và của Ni-giê-ri-a là 65%. Đây là lý do tại cuộc họp hôm 19-8 vừa qua, Bộ trưởng Năng lượng A-rập Xê-út, Hoàng tử A.Xan-man đã nêu rõ mục tiêu của cuộc họp trong bài phát biểu khai mạc, nhấn mạnh ba vấn đề “cắt giảm, tuân thủ và bù đắp” chính là nền tảng của nỗ lực tái cân bằng thị trường dầu mỏ.
Một thách thức lớn nữa là kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn khiến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ không tăng. Hiện nay, dù lượng dầu tồn kho đã giảm bớt và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay, nhưng viễn cảnh chung vẫn u ám và tiềm ẩn những yếu tố khó đoán định. IEA mới đây đã điều chỉnh hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thêm 140.000 thùng/ngày trong năm 2020 và thêm 240.000 thùng/ngày cho năm 2021. Nhu cầu dầu có thể giảm mạnh hơn dự báo trong bối cảnh nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở các “đầu tàu” như Mỹ, Nhật Bản, Liên hiệp châu Âu (EU) đang chậm lại. Tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ đã trở lại mức trước đại dịch, nhưng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể làm xói mòn triển vọng thị trường. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế vốn phụ thuộc dầu mỏ của OPEC lại lâm cảnh khó khăn buộc họ phải “xé rào” điều chỉnh hạn ngạch xuất khẩu dầu mỏ. Chẳng hạn, A-rập Xê-út cũng phải đối mặt với rất nhiều thử thách trong thời gian sắp tới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã điều chỉnh khá nhiều dự báo về GDP năm 2020 của A-rập Xê-út, giảm tới 6,8% chứ không phải giảm 2,3% như tổ chức này đưa ra hồi tháng 4.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, dầu khí đá phiến của Mỹ cũng sẽ là một nhân tố có thể “cản bước” nỗ lực giảm sản lượng, tăng giá dầu của OPEC+. Mặc dù, thời gian qua, sản lượng dầu đá phiến đã giảm 2 triệu thùng/ngày so với mức 13,1 triệu thùng/ngày hồi giữa tháng 3, nhưng giá dầu đá phiến Mỹ WTI trong tháng 7 vẫn duy trì ở mức hơn 40 USD/thùng. Thêm vào đó, các công ty năng lượng của Mỹ cũng không có trách nhiệm phải tuân thủ quy định cắt giảm sản lượng của OPEC+, do đó, các công ty dầu đá phiến rất có thể sẽ làm phá sản kế hoạch giảm sản lượng của OPEC+.
Với sự nhất trí tại hội nghị trực tuyến vừa qua, OPEC+ đã khẳng định quyết tâm sẽ tiếp tục kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng, vốn được bắt đầu tiến hành kể từ năm 2017 cho tới tận năm 2022. Kế hoạch này dựa trên cơ sở hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng thị trường toàn cầu sẽ chuyển từ thừa cung sang thiếu cung do chính sách cắt giảm sản lượng và sau đó nhu cầu tiêu thụ sẽ phục hồi. Tuy nhiên, trong bối cảnh các thách thức nhiều như trên và kinh tế thế giới còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch Covid-19, OPEC+ sẽ không dễ thực hiện cam kết của mình.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/thach-thuc-cua-opec-613862/