Thách thức đối với các chương trình liên kết đào tạo giữa Vương quốc Anh và Đông Nam Á

Ở Đông Nam Á, có một cụm từ tiếng Anh được sử dụng phổ biến 'same same, but different', nghĩa là thứ nhìn bề ngoài na ná nhưng thực ra khác biệt. Hàm ý của cụm từ này rất đúng với tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các chương trình liên kết giáo dục đại học giữa Vương quốc Anh và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang đối mặt.

Một buổi làm việc nhóm của sinh viên quốc tế Đại học Coventry, Vương quốc Anh. Ảnh tư liệu: Đại học Coventry

Một buổi làm việc nhóm của sinh viên quốc tế Đại học Coventry, Vương quốc Anh. Ảnh tư liệu: Đại học Coventry

Chương trình liên kết đào tạo với Vương quốc Anh được hiểu là các chương trình giáo dục đại học được giảng dạy toàn bộ hoặc một phần bên ngoài Vương quốc Anh nhưng sinh viên tốt nghiệp được nhận bằng của trường Anh quốc hoặc song bằng của trường nội địa và Anh quốc. Liên kết đào tạo có nhiều hình thức khác nhau, bao gồm chương trình đào tạo từ xa, nhượng quyền thương mại (franchise), phối hợp giảng dạy (collaborative), chương trình chuyển tiếp sang Anh (top-up) và các chi nhánh hay phân hiệu của trường Anh quốc đặt tại nước chủ nhà (branch campus).

Các chương trình này, còn được gọi là "giáo dục xuyên quốc gia" (Transnational Education - TNE), thường được quảng bá không chỉ đạt tiêu chuẩn "quốc tế" và "giống” với chương trình gốc ở Vương quốc Anh, mà còn mang tính "quốc gia” và "khác biệt".

Một dự án mới đây, có tên PEER (Partnerships and Exchanges baselinE Research), do Hội đồng Anh tài trợ và Đại học Coventry chủ trì, đã nghiên cứu những mâu thuẫn của sự "giống nhau" này ở các chương trình liên kết giữa Vương quốc Anh và các quốc gia ở Đông Nam Á, khu vực đã trở thành chủ nhà có tiếng của các chương trình liên kết do Vương quốc Anh cung cấp với tổng số gần 1,4 triệu sinh viên từ ASEAN được đào tạo, cao gấp 3,5 lần so với số sinh viên từ ASEAN sang học tại Anh trong thập kỷ qua. Nghiên cứu của PEER tập trung vào hình thức phối hợp giảng dạy (collaborative), theo đó các trường của Anh và các đối tác châu Á cùng biên soạn và phát triển giáo trình, cùng trực tiếp giảng dạy các khóa học, và phối hợp thực hiện các quy trình đảm bảo chất lượng nội bộ và bên ngoài.

Kết quả nghiên cứu của PEER cho thấy mặc dù các chương trình liên kết được quảng bá là giống hệt các chương trình dạy tại trường đại học "mẹ" ở Vương quốc Anh về nội dung khóa học, tiêu chuẩn học thuật và bằng cấp cuối khóa, trên thực tế, việc công nhận bằng cấp của các khóa liên kết và trải nghiệm của sinh viên lại rất khác nhau tại các nước khác nhau.

Từ giữa những năm 2000, nhiều nước ASEAN đã đưa ra các quy định chặt chẽ về chương trình liên kết nhằm khuyến khích hoặc yêu cầu các trường trong nước và Vương quốc Anh phát triển chương trình phối hợp giảng dạy để tăng sự tương thích và phù hợp của chương trình đào tạo với hoàn cảnh địa phương. Đây chính là thách thức lớn đối với các chương trình liên kết đào tạo, bởi các giáo viên phát triển và biên soạn chương trình phải đáp ứng không chỉ yêu cầu của các cơ quan kiểm định chất lượng trong nước mà còn của các đối tác và cơ quan kiểm định chất lượng của Anh, và đồng thời đáp ứng kỳ vọng "giống hệt" với chương trình gốc của sinh viên và phụ huynh.

Tại Việt Nam, quốc gia có số sinh viên theo học các chương trình liên kết đào tạo với Vương quốc Anh tăng nhanh nhất ở Đông Nam Á (khoảng 35% mỗi năm kể từ 2019), đa số sinh viên, phụ huynh và công chúng nhìn nhận "giáo dục Anh quốc" có chất lượng tốt, vì vậy những người sở hữu bằng cấp của nền giáo dục này có cơ hội tăng tính cạnh tranh và vị thế cá nhân.

Vì lẽ này, yếu tố “giống” đóng vai trò quan trọng trong các chương trình liên kết giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, song cũng đặt ra câu hỏi liệu các chương trình với lý thuyết và nội dung xa rời thực tế địa phương có thực sự ý nghĩa đối với sinh viên bản địa hay không.

Một mặt, các chương trình liên kết đào tạo tính đến sự phù hợp về văn hóa và bối cảnh địa phương góp phần thúc đẩy sự thành công của sinh viên (như khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp) sẽ tăng sự hấp dẫn của các chương trình này. Mặt khác, chính điều này làm giảm sự "giống" với chương trình gốc, khiến mức độ "hấp dẫn" giảm so với thị hiếu của người học, đồng thời buộc các đối tác Vương quốc Anh phải đặt câu hỏi liệu các chương trình liên kết có thể vẫn được đánh giá theo các tiêu chuẩn của Anh hay không.

Thực tế cho thấy sự giống nhau giúp các chương trình liên kết nhanh chóng vượt qua các rào cản kiểm định chất lượng, tức là được chấp thuận bởi cả các đối tác Anh và các cơ quan có thẩm quyền ở nước chủ nhà.

Theo chủ trương quốc tế hóa giáo dục giai đoạn 2005 - 2020, Việt Nam đã thực hiện một đề án với tên gọi “chương trình tiên tiến” nhằm nhập khẩu giáo trình của các trường đại học thuộc Top 200 thế giới để giảng dạy cho các sinh viên tài năng. Các trường đại học công lập thực hiện chương trình tiên tiến đã nhận được tài trợ của chính phủ nhờ chương trình học "giống" với các trường đại học hàng đầu thế giới.

Kết quả nghiên cứu của PEER cho thấy, trong các chương trình liên kết, yêu cầu về sự “giống nhau” khiến quyền tự chủ của giáo viên địa phương giảm sút, trong khi ý kiến phản hồi và quan điểm của sinh viên về chương trình học không phải lúc nào cũng được lắng nghe và họ dường như ở thế bị động và gián tiếp đồng tình với việc duy trì sự "giống nhau" khi các đối tác Anh quốc là bên cung cấp giáo trình và cả đối tác châu Á đều e dè và hạn chế tối đa việc nội địa hóa các giáo trình này.

Để tháo gỡ tình trạng tiến thoái lưỡng nan này, các trường đại học trong nước tăng cường tuyển dụng các cựu sinh viên tại Anh hoặc giáo viên từ cộng đồng người châu Á hải ngoại, vì mặc định họ sẽ đồng cảm và thân thiện với hệ thống giáo dục của Vương quốc Anh. Sự "giống nhau" của chương trình liên kết một phần xuất phát từ kiến thức và sở thích của nhóm này, vì vậy gián tiếp gia tăng sự bất bình đẳng về quyền lực giữa hai bên liên kết.

Chính sự "giống nhau" là điểm gây căng thẳng và tạo nên nghịch cảnh của các chương trình liên kết do kẹt giữa thương hiệu Anh quốc và yêu cầu tăng cường bản sắc dân tộc, quyền tự chủ của trường đại học và của giáo viên nội địa, kìm hãm mục tiêu tạo ra một 'không gian giáo dục đại học xuyên quốc gia' nơi kiến thức địa phương và quốc tế cùng phương pháp sư phạm sẽ đan xen và bổ trợ lẫn nhau để cung cấp những gì tốt nhất của cả hai nền giáo dục và hai đối tác liên kết đào tạo. Giống hệt chương trình gốc không đồng nghĩa với chất lượng cao.

Các tác giả nghiên cứu cho rằng để sự "giống nhau" phát huy được tính tích cực đòi hỏi việc phát triển đội ngũ giáo viên trong nước có đủ năng lực để nội địa hóa giáo trình một cách thành công, cũng như giúp họ làm quen và hiểu rõ nội dung và phương pháp sư phạm của giáo dục Anh quốc. Đồng thời đối tác Anh quốc cũng cần hiểu rõ hơn bối cảnh địa phương và cải thiện quy trình thu thập phản hồi của sinh viên.

Tiến sĩ Đặng Quế Anh

* Tiến sĩ Đặng Quế Anh là trưởng nhóm nghiên cứu dự án PEER (https://peer.coventry.ac.uk/) và là giảng viên cấp cao, Viện Giáo dục quốc tế, ĐH Coventry, Vương quốc Anh.

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ban-tron-giao-duc/thach-thuc-doi-voi-cac-chuong-trinh-lien-ket-dao-tao-giua-vuong-quoc-anh-va-dong-nam-a-20230322181530915.htm