Thách thức mới của tân Ngoại trưởng Đức
Tân Ngoại trưởng Đức Johann Wadephul (62 tuổi) là người đã tạo dựng được tên tuổi với tư cách là chuyên gia chính sách đối ngoại tại Quốc hội, cũng là người bạn tâm giao đáng tin cậy của Thủ tướng Friedrich Merz.

Ông Johann Wadephul có kinh nghiệm là chuyên gia chính sách đối ngoại tại Quốc hội Đức
Đây là lần đầu tiên sau gần 60 năm, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) lại có một thành viên giữ vị trí đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức. Cũng là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Phủ Thủ tướng và Bộ Ngoại giao một lần nữa nằm trong tay một đảng duy nhất sau khi chính phủ liên minh mới gồm CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) tuyên thệ nhậm chức hôm 6-5.
Ông Johann Wadephul đến từ Husum và là nhà lập pháp tại Bundestag (Quốc hội Liên bang Đức) từ năm 2009. Với tư cách là Phó Chủ tịch nhóm nghị sĩ CDU/CSU, ông chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại và an ninh. Ông Wadephul có mối quan hệ quốc tế tuyệt vời và quen thuộc với các công ước ngoại giao. Chỉ trong vài tuần qua, ông đã đến Paris, London và Warsaw để gặp gỡ các Bộ trưởng Ngoại giao tại đó. “Trọng tâm chính của tôi là quan hệ xuyên Đại Tây Dương và NATO, quan hệ với Trung Quốc, Nga, cũng như Balkan và Trung Đông” - ông Wadephul viết trên trang web của mình.
Ngoài chuyên môn về chính sách đối ngoại, ông Wadephul còn có lý lịch quân nhân. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông phục vụ trong quân đội từ năm 1982 đến 1986 với quân hàm Trung tá dự bị. Ông đã nhiều lần kêu gọi trang bị tốt hơn cho lực lượng vũ trang Đức và tái lập nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Với hồ sơ này, ông cũng đang được cân nhắc cho chức Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên, chức vụ này vẫn nằm trong tay đảng viên Dân chủ Xã hội Boris Pistorius. Ông Wadephul có thể sẽ dựa vào chuyên môn về chính sách an ninh của ông Pistorius khi nói đến việc tích hợp chặt chẽ chính sách đối ngoại, an ninh và phát triển của Đức - một mục tiêu mà tân chính phủ đã công bố.
Sau thời gian phục vụ quân ngũ, ông Johann Wadephul học luật tại Đại học Kiel, lấy bằng Tiến sĩ và thành lập công ty luật của riêng mình. Ông gia nhập đảng CDU vào năm 1982 và bắt đầu sự nghiệp chính trị tại chi nhánh khu vực của đảng. Ông là thành viên của Quốc hội tiểu bang Schleswig-Holstein từ năm 2000 cho đến khi được bầu vào Bundestag năm 2009. Ông sống gần thủ phủ Kiel của tiểu bang cùng vợ và 3 con. Trong thời gian rảnh rỗi, ông thích đi du lịch, đặc biệt là đến Florence và Rome và quan tâm đến lịch sử.
Những nhiệm vụ đầy thách thức trên trường quốc tế đang chờ đợi nhà ngoại giao hàng đầu mới của Đức gồm vừa duy trì chính sách của Đức đối với Ukraine theo sự phối hợp với các đối tác châu Âu, vừa phải nỗ lực hơn nữa để đưa Mỹ vào một giải pháp hòa bình khả thi cho Ukraine với quan điểm giữ cho Ukraine ổn định trong cộng đồng châu Âu. Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang gặp trục trặc cũng sẽ là vấn đề đáng lo ngại đối với Ngoại trưởng Đức sắp tới. Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, các thành viên NATO châu Âu không còn có thể trông cậy vào Mỹ để đảm bảo an ninh cho châu Âu nữa. “Châu Âu phải hành động nhiều hơn để tự vệ so với trước đây. Đức cũng sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo ở đó” - ông Wadephul nói với tờ Deutsche Welle.
Điều này phù hợp với tham vọng của Thủ tướng tương lai Friedrich Merz là tiến lên trên trường quốc tế với các sáng kiến mới. Ông Friedrich Merz muốn biến nước Đức từ một “cường quốc trung bình đang ngủ yên” trở lại thành “cường quốc trung bình hàng đầu”. Một đồng nghiệp trung thành của đảng đứng đầu Bộ Ngoại giao có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ông Friedrich Merz. Đặc biệt là khi nhà lãnh đạo CDU đã nhấn mạnh không nên có bất đồng công khai nào về chính sách đối ngoại của chính phủ do ông đứng đầu. Bất đồng giữa Thủ tướng Olaf Scholz (SPD) và Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock (Đảng Xanh) không phải là hiếm trong chính phủ liên minh trước đây.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thach-thuc-moi-cua-tan-ngoai-truong-duc-post611363.antd