Thách thức xuất khẩu gỗ sang châu Âu
Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) đã có hiệu lực từ cuối tháng 6/2023, trong đó quy định các sản phẩm nhập khẩu (NK) vào thị trường này phải bảo đảm tính hợp pháp và không gây mất rừng. Đây đang là thách thức đối với xuất khẩu (XK) gỗ của Việt Nam khi kim ngạch XK mặt hàng 'tỷ đô' đã có dấu hiệu giảm sút trong năm 2023.
Xuất khẩu gỗ phục hồi nhưng tiềm ẩn nhiều khó khăn
Khép lại năm 2023 với kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ không đạt mục tiêu, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Đỗ Xuân Lập nhận định, thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số khó khăn cho ngành.
Bên cạnh các khó khăn về đầu ra thị trường, ngành đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững. Đó là các thị trường XK lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm. Cụ thể, EUDR có hiệu lực từ cuối tháng 6/2023 quy định các sản phẩm NK vào thị trường này phải bảo đảm tính hợp pháp và không gây mất rừng.
“Quy định mới này sẽ tác động không nhỏ đến kim ngạch XK sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này” - TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia Forest Trend lưu ý. Theo đó, dấu hiệu giảm sút ở thị trường này đã khá rõ nét trong năm 2023 khi kim ngạch XK vào EU giảm sâu nhất với mức giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2022 (thị trường Mỹ giảm 21,5%, Trung Quốc giảm 23,2%, Nhật Bản giảm 11,3%, Hàn Quốc giảm 6,25%…)
Theo chuyên gia Forest Trend, EUDR đưa ra 2 yêu cầu cốt lõi để được lưu thông tại thị trường này, đó là: không gây mất rừng và hợp pháp.
Các nhà mua tại châu Âu (EU) đã và đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất và tiêu dùng bền vững tự nguyện đối với các sản phẩm gỗ, ví dụ các sản phẩm có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Đồng thời Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT); trong đó Việt Nam cam kết tất cả các mặt hàng gỗ XK sang EU là hợp pháp.
“Hiện Việt Nam đang tích cực nội luật hóa và xây dựng hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp để kiểm soát toàn bộ chuỗi cung, bao gồm cả chuỗi cung nội địa và XK. Theo EUDR, gỗ có chứng chỉ FLEGT nhìn chung đáp ứng được các yêu cầu của EUDR về tính hợp pháp” - ông Phúc cho hay.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho hay, băn khoăn về EUDR không chỉ đến từ các nhà XK mà còn đến từ các nhóm khách hàng (người mua hàng của EU).
Những yêu cầu cụ thể của các quy định này đặt ra những thách thức lớn cho ngành chế biến và XK gỗ của Việt Nam. Trong đó, việc xây dựng chính sách, hạ tầng thông tin, để từ đó người sản xuất biết số gỗ đó được sản xuất ở khu đất nào, có đáp ứng được yêu cầu của EUDR hay không? Việc nguồn gốc gỗ chứng minh ở Việt Nam đã khó, nhưng việc chứng minh ở nước NK còn khó hơn…
Chủ động thích ứng
Chia sẻ về thực trạng của ngành gỗ hiện nay, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngành gỗ đang đối diện với một số thách thức, trong đó nổi lên là diện tích rừng trồng nhỏ lẻ, dẫn đến khi truy xuất nguồn gốc, thể hiện tọa độ địa lý rất khó.
Về khả năng xây dựng nền cơ sở dữ liệu ngành gỗ trên toàn quốc, ông Bảo nhận định, để truy xuất được tất cả các hộ gia đình thì phải cần một thời gian dài. Thời gian tới, ngành gỗ sẽ lựa chọn một vài huyện ở dạng điểm thí điểm, kết hợp cùng chính quyền địa phương, các DN liên kết chuỗi rừng trồng để xây dựng vùng truy xuất nguồn gốc.
Hiện nay, tổng diện tích rừng trồng khoảng 3,5 triệu ha, mà dự báo đến hết năm 2030 diện tích được cấp chứng chỉ rừng sẽ chỉ đạt gần 1 triệu ha. Như vậy để thấy, diện tích rừng không có chứng chỉ là rất lớn, có nhiều rủi ro. Do vậy, ngay trong năm tới, dưới dự án hỗ trợ của Chương trình lâm nghiệp bền vững sẽ làm thí điểm tại Tuyên Quang và một số điểm ở Tây Nguyên sẽ cấp mã vùng trồng, truy xuất đến vùng địa lý.
“Việc cấp chứng chỉ rừng có thể rất tốn kém và mất thời gian nhưng mã vùng trồng sẽ được cấp theo quy định của Việt Nam. Các mã vùng trồng nếu đáp ứng theo yêu cầu EUDR sẽ đẩy nhanh quá trình truy xuất nguồn gốc…” - Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp quả quyết.
Ông Hoàng Thành - Đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của EUDR là để giảm thiểu rủi ro sản phẩm trong chuỗi cung ứng liên quan đến rừng, sinh thái rừng từ EU và tăng nhu cầu buôn bán sản phẩm hợp pháp không liên quan đến mất rừng. Đến tháng 12/2024, EU bắt đầu áp dụng quy định, nghĩa vụ cho các DN lớn để thực hiện tuân thủ EUDR. Nội dung chính liên quan đến hệ thống thẩm định, yêu cầu bắt buộc DN xuất nhập khẩu, không chỉ riêng gỗ, phải không liên quan đến mất rừng, suy thoái rừng mới được NK vào EU.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thach-thuc-xuat-khau-go-sang-chau-au-post500299.html