Thái Lan, Australia 'lạc quan' trước lời đe dọa thuế của ông Trump
Trước loạt thư đe dọa áp thuế từ chính quyền ông Trump nhắm vào các quốc gia chưa đạt thỏa thuận, Thái Lan và Australia vẫn giữ thái độ lạc quan nhưng với chiến lược khác biệt.
Ngày 7/7 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump tiếp tục làm dậy sóng dư luận khi công bố loạt ảnh chụp thư gửi lãnh đạo 14 quốc gia, thông báo mức thuế mới mà Mỹ dự kiến áp dụng từ ngày 1/8 tới. Các mức thuế Mỹ dự kiến áp lên hàng hóa các nước trong danh sách này dao động trong khoảng 25-40%, tùy từng quốc gia.
Theo đó, các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia sẽ phải chịu mức thuế 25%. Nam Phi và Bosnia bị áp thuế 30%, trong khi hàng hóa từ Indonesia phải đối mặt với mức 32%.
Bangladesh và Serbia đều nhận mức thuế 35%, còn Campuchia và Thái Lan sẽ phải gánh mức thuế cao hơn là 36%. Đặc biệt, hai quốc gia Đông Nam Á là Lào và Myanmar bị áp mức cao nhất với 40%.

So sánh mức thuế đối ứng được ông Trump công bố ngày 7/7 và 2/4. Đồ họa: Huy Hoàng.
Thái Lan tự tin đạt thỏa thuận với mức thuế thấp hơn
Trước thư áp thuế của ông Trump, chính phủ Thái Lan bày tỏ lạc quan sẽ đạt được mức thuế thấp hơn con số 36% vừa công bố.
Trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình trong nước ngày 8/7, Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira cho biết Thái Lan kỳ vọng sẽ hoàn tất đàm phán thương mại với Mỹ trước thời hạn 1/8, theo Bloomberg.
Ông nhấn mạnh mức thuế mà Washington áp đặt chưa tính đến bản đề xuất mới gửi hôm 6/7 của Bangkok. Trong đó, Thái Lan cam kết thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương và cắt giảm 70% mức thặng dư thương mại với Mỹ - hiện ở mức 46 tỷ USD - trong vòng 5 năm.
Đề xuất bao gồm việc mở rộng cửa cho nông sản và hàng công nghiệp Mỹ, đồng thời tăng nhập khẩu năng lượng cũng như máy bay do hãng Boeing sản xuất.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan cho biết nước này tự tin sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với mức thuế thấp hơn 36% mà ông Trump công bố ngày 7/7. Ảnh: Reuters.
"Đây là một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Thái Lan sẵn sàng giảm thuế nhập khẩu với 90% hàng hóa Mỹ", ông Pichai khẳng định và bày tỏ sự bất ngờ khi Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế 36% trong thư phản hồi gần đây.
Năm ngoái, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan, chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu Thái Lan đã tăng khoảng 15%, phần lớn nhờ các đơn hàng được đẩy nhanh trong thời gian chính quyền ông Trump tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày.
Đạt được mức thuế thấp hơn là yếu tố sống còn để bảo vệ nền kinh tế Thái Lan vốn phụ thuộc vào thương mại trước những biến động bất lợi. Tăng trưởng kinh tế nước này đang chịu sức ép từ gánh nặng nợ hộ gia đình cao nhất Đông Nam Á và tiêu dùng nội địa yếu kém.
Giới chức Thái Lan cảnh báo nếu mức thuế 36% được giữ nguyên, GDP nước này có thể mất ít nhất 1 điểm % trong năm nay.
Australia nói thuế quan "tác động nhỏ nhưng tích cực"
Hiện chưa rõ chính quyền ông Trump sẽ áp mức thuế bao nhiêu đối với Australia, bởi nước này không nằm trong danh sách các quốc gia được thông báo mức thuế ngày 7/7. Theo thông báo trước đó của ông Trump ngày 2/4, Australia sẽ phải chịu mức thuế 10% cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Hiện, Ủy ban Năng suất Australia tỏ ra khá lạc quan khi cho biết các chính sách thuế thương mại sẽ chỉ gây ảnh hưởng nhỏ đến nền kinh tế, thậm chí có thể mang lại một số lợi ích nhất định, Guardian cho biết.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định Australia đang ở vị thế tốt nhất thế giới để chống chọi với làn sóng bảo hộ thương mại từ Mỹ.
Là chuyên gia hàng đầu thế giới về mô hình hóa tác động của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, GS Warwick McKibbin từ Đại học Quốc gia Australia phát biểu tại Hội nghị các nhà kinh tế Australia hôm thứ 7/7 (giờ địa phương) rằng: Những xáo trộn hiện tại nên được nhìn nhận như một "cơ hội" để mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác.
"Chúng ta nên xúc tiến các cuộc đàm phán thương mại, nên loại bỏ những rào cản khiến việc giao thương trở nên khó khăn", ông nói.
Theo Ủy ban Năng suất Australia, việc nước này trả đũa bằng cách áp thuế ngược lại sẽ phản tác dụng. Giải pháp tốt nhất là cải cách trong nước nhằm nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Trong bối cảnh Thủ tướng Anthony Albanese vẫn chưa có cuộc gặp trực tiếp nào với ông Trump, Bộ trưởng Ngân khố Jim Chalmers khẳng định báo cáo của Ủy ban Năng suất củng cố hướng đi của chính phủ trong việc đối phó với làn sóng bảo hộ thương mại từ Mỹ.
"Thông điệp cốt lõi từ báo cáo là Australia nên tiếp tục theo đuổi thương mại tự do và công bằng. Và đó chính là điều chúng tôi đang làm", ông Chalmers nhấn mạnh.
Ủy ban Năng suất Australia cho biết tác động "nhỏ nhưng tích cực" đến GDP (ước tính tăng 0,4%) là nhờ dòng hàng hóa vốn xuất sang Mỹ nay sẽ chuyển hướng với chi phí rẻ hơn, đồng thời một phần dòng vốn đầu tư rút khỏi Mỹ và các quốc gia bị áp thuế cao cũng có thể tìm đến nước này.
Tuy vậy, Phó chủ tịch Ủy ban - ông Alex Robson cảnh báo rằng con số tăng trưởng 0,4% chưa tính đến những tác động gián tiếp khó đo lường khác.
"Mức thuế đề xuất có thể chỉ ảnh hưởng trực tiếp nhỏ đến Australia, nhưng sự bất ổn toàn cầu mà chúng tạo ra có thể tác động đến mức sống của người dân trong nước cũng như trên toàn thế giới", ông Robson cho biết.