Thái Lan muốn cùng Việt Nam đàm phán miễn visa song phương với EU
Thái Lan sẽ hợp tác với Việt Nam, Campuchia, Lào và Malaysia để đàm phán với Liên hiệp châu Âu (EU) về thỏa thuận miễn visa hỗ tương giữa hai khối – theo The Nation.
Prommin Lertsuridej, tổng thư ký của Thủ tướng, hôm 5-2 nói rằng thỏa thuận ban đầu cho phép du khách EU được đi lại tự do giữa năm quốc gia ASEAN sau khi có được visa nhập cảnh của bất kỳ quốc gia nào trong số này.
Đã đến lúc ASEAN thực hiện visa chung
Có sự khác biệt lớn trong chính sách visa của các quốc gia ASEAN.
Hiện Thái Lan miễn visa cho 64 nước trên thế giới trong thời hạn 30 ngày, nếu quá 30 ngày cần xin visa. Việt Nam miễn visa trong 45 ngày cho 15 nước gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch…, nếu quá 45 ngày phải xin visa. Malaysia cho phép phần lớn các nước EU và phương Tây nhập cảnh trong 90 ngày không cần visa. Riêng Lào và Campuchia đòi hỏi khách phương Tây phải có visa.
Cần có tiếng nói chung để giải quyết sự khác biệt ở năm nước trên. Ông Prommin nói Thái Lan sẽ dẫn dắt các cuộc đàm phán để khách EU chỉ cần một visa nhập cảnh để du lịch trong nhóm nước này. “Thái Lan có mối quan hệ hợp tác tốt với Việt Nam và các nước Đông Nam Á trên và Việt Nam cũng đang tìm sự hỗ trợ của Thái Lan trong phát triển du lịch”, ông Prommin phát biểu.
Ông cho biết nếu bốn quốc gia láng giềng chính thức đồng ý, chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu tận dụng thỏa thuận này trong các cuộc đàm phán với EU, tiến tới đạt được việc miễn visa giữa Schengen và nhóm ASEAN này. Hiện chỉ có hộ chiếu Singapore, Malaysia và Brunei được miễn visa khi du lịch Schengen và ngược lại.
Ông Prommin nhấn mạnh sự thành công của chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho khách nước ngoài của Thái Lan, góp phần làm tăng lượng khách quốc tế. Năm ngoái Thái Lan đón 28 triệu lượt khách nước ngoài, vượt mức dự báo 25 triệu trước đó.
Trong khi đó, tại cuộc họp ở Ranong hôm 23-1, nội các chính phủ của Thủ tướng Srettha Thavisin đã phê duyệt đề xuất hợp tác với các nước láng giềng về thỏa thuận du lịch một visa nhưng có thể đi lại tự do giữa các nước ASEAN.
Năm 2016, ASEAN từng đồng ý thực hiện kế hoạch cấp một visa duy nhất cho du khách đến thăm các nước trong khu vực. Chương trình thị thực duy nhất sẽ tương tự như visa khối Schengen cho phép đi lại tự do giữa 27 nước thành viên thuộc khối. Hệ thống visa chung sẽ yêu cầu khách nước ngoài chỉ thực hiện một quy trình xin visa duy nhất, visa có hiệu lực trên toàn khối. Chương trình này dự kiến cần hai năm để vượt qua các quan ngại về an ninh và sự khác nhau trong quản trị nhập cư của các nước ASEAN. Tuy vậy, kế hoạch này đã thất bại vì nhiều lý do.
Thúc đẩy du lịch Việt – Thái
Hợp tác phát triển và khai thác du lịch Việt Nam – Thái Lan bắt đầu từ năm 1994 khi hai nước ký bản ghi nhớ cấp chính phủ về hợp tác du lịch – Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại một sự kiện năm 2022. Hai nước sớm đạt được thỏa thuận miễn visa trong 30 ngày cho công dân mang hộ chiếu phổ thông năm 1997.
Mối quan hệ này càng được siết chặt sau hiệp định đối tác chiến lược toàn diện ký vào năm 2015. Ngoài du lịch hàng không, Việt Nam và Thái Lan cũng chú trọng thúc đẩy du lịch đường bộ, đặc biệt là xe hơi tay lái bên phải được phép lưu hành có kiểm soát tại Việt Nam và ngược lại.
Việt Nam và Thái Lan cùng với các nước ASEAN khác thực hiện các chương trình hợp tác đa phương với du lịch Mỹ, Canada và nhiều nước khác. Cả hai nước đều xem trọng thị trường du khách của nhau.
Trong năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 3,4 lần con số của năm 2022 và vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách. Trong đó, khách từ châu Âu gần 1,5 triệu lượt, tăng gần 3 lần so với năm trước đó. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê nói số lượt khách năm ngoái chỉ bằng 70% con số của năm 2019 trước khi Covid-19 bùng phát. Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói có 5 triệu lượt khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài trong năm 2023, với Thái Lan là thị trường hàng đầu (800.000 lượt), kế đến là Hàn Quốc (420.000) và Đài Loan (350.000).
Nhận xét về đề xuất mới từ Thái Lan, giám đốc một công ty lữ hành tại TP.HCM nói rằng đây là ý tưởng “táo bạo”. Ông nói với KTSG Online rằng với visa chung cho nhóm nước ASEAN, Việt Nam có thể khai thác dòng khách châu Âu và nước ngoài nối chuyến đến Việt Nam và ngược lại. Nhưng ASEAN sẽ khó đàm phán với khối Schengen về miễn visa cho công dân của mình khi vào Schengen bởi “vấn đề là niềm tin và thời gian khi kinh tế ASEAN khá hơn”. Ông cũng cho rằng đây là cú hích mới cho du lịch Việt Nam và ASEAN nếu kế hoạch sớm thành hiện thực.