Thái Lan, Trung Quốc bắt tay đối phó 'trại lừa đảo' ở khu vực tam giác vàng
Thái Lan đang có những bước đi quyết liệt nhằm triệt phá các ổ nhóm lừa đảo trực tuyến tại khu vực chung biên giới với Myanmar, Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã cam kết “tiếp tục hợp tác về an ninh và pháp lý” để đối phó với tình trạng tội phạm lừa đảo.
Ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đến Trung Quốc, Thái Lan đã thông báo cắt nguồn cung cấp điện tại một số khu vực ở biên giới với Myanmar, quốc gia đang xảy ra nội chiến, nhằm ngăn chặn hoạt động của các nhóm tội phạm này.
Khách du lịch từ Trung Quốc chiếm vị trí quan trọng đối với ngành du lịch Thái Lan, tuy nhiên, đang có xu hướng sụt giảm. Tính hết năm 2024, số lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan chỉ đạt 6,7 triệu lượt, giảm từ 11 triệu lượt của năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid.
Mới đây, một diễn viên Trung Quốc khi đi du lịch Thái Lan, đã bị “bắt cóc” và cưỡng bức đưa đến trại lừa đảo gần biên giới Myanmar. Ngày 6/2, 61 người tại các trung tâm lừa đảo ở biên giới Myanmar đã được giải cứu đưa trở về Thái Lan, trong đó có 34 người Trung Quốc.
Khu vực tam giác vàng bao gồm Myanmar, Lào và Thái Lan đã trở thành nơi hoạt động của các trung tâm lừa đảo trực tuyến. Các nhóm tội phạm dụ dỗ lừa người đến làm việc với hứa hẹn mức lương hấp dẫn, sau đó cưỡng bức họ thực hiện các hành vi lừa đảo qua mạng.
Bloomberg nhận xét, tại Đông Nam Á, các đường dây lừa đảo mạng trị giá hàng tỷ USD đang mở rộng nhanh chóng, đặc biệt tại Lào, Campuchia và Myanmar.
Những kẻ cầm đầu thường ẩn nấp tại một số khu vực ở Myanmar gần biên giới, nơi chúng có thể tận dụng dịch vụ điện và viễn thông ổn định hơn từ Thái Lan.
Gần đây, Thái Lan cũng tăng cường nỗ lực bảo vệ an toàn cho các du khách nước ngoài và thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức để ngăn mọi người trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.
Tuần trước, Quốc hội thông qua các biện pháp pháp lý mới, yêu cầu các ngân hàng, nhà mạng và nền tảng mạng xã hội chủ động ngăn chặn lừa đảo trực tuyến và đồng thời chịu trách nhiệm cho những thiệt hại tài chính của nạn nhân.
Những quy định mới sẽ có hiệu lực sau khi một sắc lệnh hoàng gia sửa đổi được công bố, dự kiến trong tháng này.