Thái Nguyên: ATK2 Kha Sơn kỷ niệm 80 năm Ngày giành chính quyền cách mạng

Xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên được biết đến là một trong những xã thuộc An toàn khu 2 (ATK2), nơi hoạt động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng như các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái, Hà Thị Quế... và cũng là 1 trong 5 địa phương đầu tiên của cả nước giành chính quyền cách mạng, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Phú Bình.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Phú Bình tặng hoa, chúc mừng địa phương nhân Kỷ niệm 80 năm Ngày giành chính quyền cách mạng (14/3/1945 – 14/3/2025).

Các đồng chí lãnh đạo huyện Phú Bình tặng hoa, chúc mừng địa phương nhân Kỷ niệm 80 năm Ngày giành chính quyền cách mạng (14/3/1945 – 14/3/2025).

Theo đó, với vị trí địa lý thuận lợi và phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, năm 1941, Trung ương quyết định xây dựng ATK2, trong đó có xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Từ khi trở thành ATK2, xã Kha Sơn là nơi làm việc, hội họp, nơi huấn luyện, đào tạo cán bộ của Đảng, cán bộ quân sự, bổ sung cho các Đảng bộ ở Bắc Kỳ trong thời kỳ Cách mạng tháng 8. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Kha Sơn đã bảo vệ an toàn hàng trăm lượt cán bộ lên căn cứ và về đồng bằng thực hiện nhiệm vụ cách mạng, trong đó, có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng như đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái, Hà Thị Quế...

Để đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới, sau một thời gian bồi dưỡng, tháng 7/1943, tại một địa điểm bí mật trong rừng Giác ở Kha Sơn Hạ, 3 đồng chí Nguyễn Bình Sơn, Nguyễn Văn Nội, Nguyễn Văn Xứ của xã Kha Sơn đã được kết nạp vào Đảng và thành lập Chi bộ Kha Sơn Hạ, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Phú Bình.

Đông đảo các đoàn thể, tầng lớp nhân dân trong và ngoài địa bàn có mặt tại buổi lễ kỷ niệm, cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của địa phương.

Đông đảo các đoàn thể, tầng lớp nhân dân trong và ngoài địa bàn có mặt tại buổi lễ kỷ niệm, cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của địa phương.

Ngày 14/3/1945, tại đình Kha Sơn Hạ, Lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đến Kha Sơn, không khí sôi sục tràn ngập các xóm làng, tự vệ chiến đấu của Kha Sơn tìm diệt tay sai, trấn áp hào lý và một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại đình Kha Sơn Hạ, tuyên bố xóa bỏ chính quyền đế quốc phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Khởi nghĩa thành công ở Kha Sơn là tiếng súng đầu tiên báo hiệu cho thời khắc giành chính quyền tại Phú Bình đã đến. Từ đây, khí thế cách mạng lan đi khắp nơi trong toàn huyện để đến ngày 23/8/1945, tại khu vực chợ Cầu, xã Nhã Lộng ngày nay, hàng ngàn quần chúng nhân dân đã tổ chức mít tinh ra mắt UBND cách mạng lâm thời huyện Phú Bình.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, Đảng bộ và nhân dân các Kha Sơn đã động viên hàng nghìn lượt thanh niên lên đường nhập ngũ chi viện cho các chiến trường, đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm và các phương tiện khác, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cả nước.

Kha Sơn hiện có có 22 Chi bộ trực thuộc có 418 đảng viên, 113 liệt sỹ, 54 thương binh, 7 Mẹ Việt Nam anh hùng; 34 cán bộ lão thành cách mạng; 13 cán bộ tiền khởi nghĩa; 41 gia đình được tặng Bằng “Có công với nước”... Kha Sơn được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng khen thưởng 38 bằng khen, 15 cờ thưởng luân lưu, 512 huân, huy chương. Toàn xã có 7 điểm di tích được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Kha Sơn cũng vinh dự khi là địa điểm được lựa chọn là nơi thành lập lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt Đảng bộ và nhân dân xã Kha Sơn đã được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”.

Trên địa bàn xã Kha Sơn hiện có 7 điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia, một số di tích đang bị đang xuống cấp nghiêm trọng cần sớm quan tâm trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị, ý nghĩa lịch sử.

Trên địa bàn xã Kha Sơn hiện có 7 điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia, một số di tích đang bị đang xuống cấp nghiêm trọng cần sớm quan tâm trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị, ý nghĩa lịch sử.

Hiện nay, Kha Sơn là một trong những điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên với sự phát triển nhanh, bền vững theo hướng dịch vụ, thương mại. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, nổi bật là Cụm công nghiệp Kha Sơn đã đi vào hoạt động với nhà may TNG; Công ty Cổ phần May thời trang xuất khẩu Hà Sơn; Cụm công nghiệp Bảo Lý Xuân Phương trong đó diện tích thuộc xã Kha Sơn là 11,8ha; thu ngân sách năm 2024 đạt gần 2 tỷ đồng. Công tác quy hoạch và thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả quan trọng, trên địa bàn xã có quy hoạch 9 khu dân cư, đô thị trong đó có 7 dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết; có 4 khu dân cư đã lựa chọn được nhà đầu tư. Tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt gần 5.000 tấn; trên địa bàn xã hiện có 1 sản phẩm nông nghiệp được công nhận OCOP 3 sao, 1 vùng sản xuất tập trung được cấp mã vùng trồng. Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Các di tích lịch sử trên địa bàn được gìn giữ và phát huy, được các cấp quan tâm trùng tu, tôn tạo. Đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2024 đạt 75 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, hiện toàn xã còn 33 hộ nghèo và 13 hộ cận nghèo. Hàng năm các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra.

Việt Hoan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thai-nguyen-atk2-kha-son-ky-niem-80-nam-ngay-gianh-chinh-quyen-cach-mang-396421.html