Thai phụ từ Hàn Quốc về Việt Nam giành lại sự sống cho thai nhi chẩn đoán dị tật
Chị T.T.P.L (23 tuổi) đang cùng chồng sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Khi chị mang thai ở tuần thứ 27, thai nhi được phát hiện bị dị tật bẩm sinh hiếm gặp. Sau khi cân nhắc, chị L đã quyết định về Việt Nam để cứu con.
Chiều 8-12, Bệnh viện Phụ sản trung ương thông tin đến báo chí về lần đầu tiên can thiệp tim mạch cứu sống bé sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh.
Chị T.T.P.L (23 tuổi) đang cùng chồng sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Năm 2021, chị đã mổ đẻ 1 lần ở Hàn Quốc. Lần mang thai này, ở tuần thứ 27, các bác sĩ phát hiện thai nhi bị đảo gốc động mạch.
Các bác sĩ tại Hàn Quốc tư vấn việc phẫu thuật sau sinh cho trẻ rất phức tạp và chi phí lớn. Do đó, sau khi cân nhắc, thai phụ đã quyết định trở về Việt Nam để được các bác sĩ đánh giá và can thiệp. Chị L tới Bệnh viện Phụ sản trung ương khám và siêu âm ở tuần thai 29.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng khoa Đẻ (Bệnh viện Phụ sản trung ương) cho biết, đây là một trường hợp dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp và phức tạp, nếu không cấp cứu tại chỗ kịp thời, trẻ có khả năng tử vong cao. Chính vì vậy, khoa Đẻ của bệnh viện đã phối hợp với Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Nhi trung ương lên kế hoạch và chuẩn bị trang thiết bị cấp cứu, thiết lập một ê kíp mổ ngay tại phòng mổ đẻ của Bệnh viện Phụ sản trung ương.
Sau khi mổ lấy thai, ê kíp sẽ đánh giá ngay lập tức tình trạng bệnh nhi để can thiệp kịp thời.
Ngày 7-12, ca phẫu thuật mổ lấy thai được thực hiện thành công do PGS.TS Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng khoa Đẻ trực tiếp mổ.
Sau mổ, trẻ tỉnh táo, khóc tốt, tím dần, mạch 160-170 lần/phút, SPO2 35-40%. Sau khi chào đời được 5 phút, bệnh nhi đã được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Nhi trung ương siêu âm tim.
Các bác sĩ xác định, bệnh nhi có dị tật tim bẩm sinh, đó là đảo gốc động mạch, không có thông liên thất, lỗ Botal nhỏ 1.8ml, ống động mạch nhỏ 2mm.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã can thiệp phá vách liên nhĩ cấp cứu để giành lại sự sống cho trẻ. Trẻ được can thiệp phá vách liên nhĩ thành công, lỗ thông liên nhĩ mở rộng để máu giàu oxy và ít oxy ở hai bên buồng tim pha trộn lẫn nhau đi nuôi cơ thể. Nhờ đó, nồng độ oxy trong máu của bệnh nhi tăng từ 40% lên 80%.
Sau khi được can thiệp, tình trạng bệnh nhi tạm thời ổn định. Bệnh nhi đã được chuyển sang Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Nhi trung ương để tiếp tục theo dõi và hồi sức. Hiện tại, tình trạng bệnh nhi đã tự thở được, SPO2 trên 80% và đang được theo dõi thêm.
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Nhi trung ương, sáng nay, bé đã tự thở. Các chỉ số khá tốt và có kế hoạch mổ trong 2 tuần tới để sửa lại 2 gốc động mạch bị đảo ngược, giúp cấu trúc và sinh lý của tim trở về bình thường.
Từ ca bệnh này, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), phụ trách quản lý, điều hành Bệnh viện Phụ sản trung ương cho biết: Đây là ca phẫu thuật liên bệnh viện đầu tiên giữa Bệnh viện Phụ sản trung ương kết hợp cùng Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Nhi trung ương, để can thiệp cho bệnh nhi sơ sinh có dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp. Đây cũng là tiền đề để triển khai thành quy trình thường quy tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, giúp tăng cơ hội sống cho những em bé mắc các dị tật tim bẩm sinh trong tương lai.