Thái sư Á vương Đào Cam Mộc: Bậc khai quốc công thần nhà Lý
Để tri ân công đức Thái sư Á vương Đào Cam Mộc, tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay, UBND huyện Yên Định đã phục hồi, tôn tạo di tích Chùa Hưng Phúc. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ 300 triệu đồng.
Theo sử sách, Đào Cam Mộc quê ở xã Định Tiến (Yên Định), sau khi cha mất, ông được mẹ đưa về quê ngoại tại xã Yên Trung sinh sống. Có lần vua Lê Đại Hành về Thanh Hóa tuần du sông Mã (đoạn chảy qua xã Yên Trung) thì thuyền bị mắc cạn, Đào Cam Mộc đã dùng sức khỏe và sự thông minh đưa đoàn thuyền vượt qua bãi cạn. Từ đó, ông được vua Lê tin dùng, dần thăng chức Chi hậu (hầu cận vua).
Đào Cam Mộc làm quan Chi hậu dưới triều Tiền Lê. Vào cuối thời Tiền Lê, chứng kiến sự thối nát, tàn bạo dưới thời Lê Ngọa Triều, Đào Cam Mộc đã cùng với sư Vạn Hạnh vận động tôn lập Lý Công Uẩn lên ngôi vua, hiệu là Lý Thái Tổ vào tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009) - vị vua mở đầu vương triều Lý, một vương triều tiến bộ có nhiều đóng góp to lớn trong việc duy trì, giữ vững đất nước và phục hưng văn hóa dân tộc.
Vua Lý Thái Tổ đã phong cho Đào Cam Mộc làm Nghĩa Tín hầu và gả công chúa đầu là An Quốc cho ông. Sau này khi Đào Cam Mộc mất, Lý Thái Tổ truy phong cho ông chức vị cao nhất là Thái sư tước Á Vương (người đứng sau vua, phụ giúp vua trông coi việc nước). Trong sự nghiệp dựng nước của vương triều Lý, Đào Cam Mộc được xếp vào hàng đệ nhất công thần. Trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Sinh vi Lý tướng, tử vi Lê thần” (sinh làm tướng nhà Lý, chết làm thần nhà Lê) để nói về công lao và khí tiết của ông đối với nhà Tiền Lê và nhà Lý.
Sau khi Đào Cam Mộc mất, vua Lý đã cho đục tượng thờ ông ở chùa Hưng Phúc (Định Tiến).
Chùa Hưng Phúc là ngôi chùa cổ, có kiến trúc độc đáo và quy mô bề thế. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chùa bị phá hủy hoàn toàn, nhưng những dấu tích hiện còn vẫn là một di sản có giá trị.
Ngày nay, những dấu tích ở chùa Hưng Phúc được ghi lại trên các hiện vật như: Các mảnh ngói, sứ, gạch vồ, chân cột bằng đá, tượng chó đá... Đặc biệt là tấm bia “Trùng san Hưng Phúc tự” là nguồn tài liệu bổ sung cho chính sử khi nghiên cứu về làng xã, các vấn đề kinh tế, lịch sử, văn hóa của làng xã, phong cách nghệ thuật trong thời đại được dựng bia. Đồng thời, có thêm tư liệu bổ sung về địa danh lịch sử, các nhân vật lịch sử (tên tuổi, quê quán, sự nghiệp...).
Năm 2010, chùa Hưng Phúc – nơi thờ Á vương Đào Cam Mộc được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
Để tri ân công đức và tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di tích, chính quyền địa phương đã kêu gọi, huy động nguồn vốn từ Nhân dân, các nhà hảo tâm và con em dòng họ Đào đóng góp xây dựng, tôn tạo chùa trên nền đất cũ.
Đặc biệt, Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa địa điểm chùa Hưng Phúc - nơi thờ Đào Cam Mộc, xã Định Tiến, huyện Yên Định đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận giao UBND huyện Yên Định làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 21 tỷ 376 triệu đồng. UBND huyện đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện tiến hành các bước khảo sát, lập dự án thiết kế, đồng thời di dời 4 hộ dân để mở rộng khu di tích và thực hiện các hạng mục: Nhà Tam Bảo, Đền chính làm bằng gỗ lim; nội thất đồ thờ; lầu Chuông, lầu Trống; Cổng tam quan, am hóa vàng, hệ thống nhà vệ sinh, sân vườn, tường rào, cây xanh, cổng ngoài, sân đường, hệ thống điện, nước...
Hiện nay, công trình đã hoàn thành và sẽ tổ chức khánh thành vào ngày 30-6 tới. Đây là công trình mang nhiều ý nghĩa, không chỉ tỏ lòng thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Thái sư Á vương Đào Cam Mộc đối với đất nước, mà còn đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng cũng như nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân địa phương.