Thăm các di tích cách mạng ở Kon Tum
Ngục Kon Tum; Ngục Đăk Glei; Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum là các căn cứ cách mạng được nhiều người biết đến ở Kon Tum.
Ngục Kon Tum
Nằm dọc bên bờ sông Đăk Bla, ngục Kon Tum (đường Trương Quang Trọng, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) là nơi thực dân Pháp giam giữ các chiến sĩ Cộng sản thời kỳ 1930 - 1931 nhằm cách ly với phong trào quần chúng cách mạng, bắt họ lao động khổ sai để làm con đường 14, sau đó thủ tiêu họ. Từ tháng 12-1930 đến tháng 5-1931, có 210/219 tù nhân đã chết khi phải lao động cực nhọc trên con đường này. Năm 1931, trong quá trình đấu tranh nhằm phản đối sự áp bức tàn bạo của thực dân Pháp, đã có 15 tù nhân hy sinh. Năm 1935, thực dân Pháp buộc phải xóa bỏ “địa ngục trần gian” này. Hiện nay, Di tích lịch sử quốc gia ngục Kon Tum là “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống với các hạng mục tham quan gồm nhà tưởng niệm, nhà truyền thống, nhà đón tiếp, tượng đài và 2 ngôi mộ tập thể.
Ngục Đăk Glei
Ngục Đăk Glei thuộc xã Đăk Choong (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) được thực dân Pháp xây dựng năm 1932, là nơi giam giữ các chiến sĩ Cộng sản mang án tù chung thân trong phong trào cách mạng 1930 - 1931 và 1936 - 1939. Ngục Đăk Glei gồm 3 công trình, đáng chú ý là khu đồn canh gác, khu nhà ngục. Nơi đây ghi dấu những cuộc vượt ngục thành công của các chiến sĩ Cộng sản và những cuộc đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp đối với tù nhân chính trị. Ngày nay, ngục Đăk Glei đã trở thành biểu tượng về lòng yêu nước của đất và người Kon Tum. Năm 1991, ngục Đăk Glei được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.
Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum
Khu di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum thuộc địa bàn xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) được hình thành từ năm 1960 đến năm 1972. Căn cứ này nằm ở độ cao 1.900m so với mực nước biển, lại nằm giữa quần thể núi Ngọc Linh trùng điệp nên đã gây nhiều khó khăn cho quân địch và bảo đảm an toàn cho Căn cứ Tỉnh ủy. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là nơi Tỉnh ủy Kon Tum lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân Kon Tum đập tan Chiến lược Chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ - ngụy; trong đó, đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch Xuân Hè giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh (1972) tiến đến giải phóng tỉnh Kon Tum (3-1975)... Năm 2007, Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/76956/tham-cac-di-tich-cach-mang-o-kon-tum.html