Thăm căn nhà Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập
Tháng 5 về, căn nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội) tấp nập hơn ngày thường, nhiều người muốn tới thăm nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo 'Tuyên ngôn Độc lập', khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 02/9/1945) để ngắm nhìn và nghe những câu chuyện về Bác Hồ.
Căn nhà 48 Hàng Ngang nằm bên trái, gần giữa phố Hàng Ngang, xưa thuộc phường Diên Hưng, tổng Hữu Túc. Sau đổi là tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, nay căn nhà thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. Căn nhà xưa là cửa hàng tơ lụa, vải vóc hiệu Phúc Lợi, nằm giữa trung tâm thương mại sầm uất của Hà Nội xưa. Chủ căn nhà là ông bà Trịnh Phúc Lợi. Đến những năm đầu thế kỷ XX, ông bà Lợi đã trao cho vợ chồng người con lớn là ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ quản lý, sử dụng. Căn nhà được ông bà Bô cải tạo, sửa sang lại theo lối kiến trúc hiện đại thời thuộc Pháp.
Theo các tài liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Khuất Duy Tiến đã liên hệ và giác ngộ cách mạng cho ông Trịnh Văn Bô. Không lâu sau, toàn bộ gia đình ông Bô tham gia Mặt trận Việt Minh, sử dụng nhà của họ thành một cơ sở cách mạng đáng tin cậy ngay giữa lòng Hà Nội. Đặc biệt, căn nhà nằm trên phố Hàng Ngang, với kết cấu cao tầng vững chắc và hệ thống cửa sắt kiên cố, rất thuận lợi cho công tác bảo vệ an toàn.
Căn nhà có hai lối đi: cổng chính tại số 48 Hàng Ngang và cổng sau ở số 35 Hàng Cân. Với lợi thế là một nhà cao tầng, từ tầng hai và tầng ba, có thể quan sát toàn cảnh xung quanh. Hơn nữa, từ đây có thể dễ dàng di chuyển sang nóc nhà bên cạnh mà không cần xuống đường, giúp việc rút lui khi có tình huống bất ngờ diễn ra được thuận lợi hơn. Nhờ vị trí đắc địa, cùng sự tấp nập của khách ra vào cửa hàng lớn tại tầng một, căn nhà số 48 Hàng Ngang trở thành một địa điểm an toàn để Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng ở lại làm việc.

Các bạn trẻ lắng nghe thuyết minh về di tích căn nhà số 48 Hàng Ngang.
Sau đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định chọn căn nhà số 48 Hàng Ngang là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 25/8 đến ngày 02/9/1945. Tại đây đã diễn ra cuộc họp quan trọng nhằm thành lập Chính phủ lâm thời, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tiến trình giành độc lập của dân tộc. Đồng thời, đây cũng là địa điểm đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân khi trở về Hà Nội, nơi Người đưa ra những quyết định mang tính lịch sử, định hướng cho tương lai đất nước.
Ban đầu, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô mời Bác lên tầng ba để tiện làm việc trong không gian yên tĩnh. Tuy nhiên, Bác không muốn ở một mình nên chỉ ở đó hai đêm. Sau đó, các đồng chí Trung ương đã sắp xếp cho Bác ở tại một căn phòng nhỏ trên tầng hai, nơi có lối thông với phòng khách. Căn phòng này được bài trí đơn giản với một chiếc bàn tròn, một ghế bành có lưng tựa bọc vải trắng và một chiếc ghế dài. Chính tại đây, tranh thủ từng giây phút, Bác đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập.
Với ý nghĩa lịch sử này, căn nhà số 48 Hàng Ngang đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia vào tháng 4/1979 và trở thành một trong các điểm di tích tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc.
Gần tám thập kỷ đã trôi qua, căn nhà vẫn giữ nguyên nét kiến trúc xưa, như một chứng nhân lịch sử. Khu vực tầng một hiện đang được trưng bày nhiều tư liệu và hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác, cùng những hiện vật như: bộ quần áo kaki, chiếc vali mây, các bức ảnh tư liệu và đồ vật của Bác Hồ và các bậc lão thành cách mạng.
Tầng hai vẫn nguyên vẹn như ngày nào, nơi từng là không gian làm việc của Bác và Thường vụ Trung ương. Chính giữa phòng đặt một chiếc bàn chữ nhật màu cánh gián, với tám ghế tựa xếp hai bên, cùng một ghế lớn ở đầu bàn. Tại đây, Bác Hồ cùng các đồng chí đã thông qua ba nội dung quan trọng: Tuyên ngôn Độc lập, kế hoạch tổ chức lễ Quốc khánh và xác định thành phần Chính phủ lâm thời. Căn phòng khác trên tầng hai chính là nơi Bác Hồ khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập và đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 02/9/1945). Trong phòng còn có một chiếc tủ nhỏ và giường nghỉ của Bác.
Theo một số tư liệu, sau khi hoàn thành bản Tuyên ngôn, Bác tổ chức họp với các đồng chí để thông qua nội dung trước khi chính thức công bố trước toàn dân, Người có nói rằng: “Đây là giờ phút sung sướng nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã viết nhiều, nhưng viết Tuyên ngôn Độc lập là lúc lòng tôi sung sướng nhất...”. Tại tầng ba của căn nhà hiện là khu vực trưng bày truyền thống và nơi dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), những ngày này, Khu di tích 48 Hàng Ngang lại thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới thăm quan, đặc biệt là các bạn trẻ tới tìm hiểu về di tích lịch sử. Lần đầu đến thăm ngôi nhà, bạn Nguyễn Khánh Vân, sinh viên năm thứ nhất, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ: Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác, lớp chúng em tổ chức đi thăm quan các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn Hà Nội. Khi đến nơi đây, được nhìn các hiện vật, cảm nhận không gian nơi Bác từng ở và làm việc đã gợi cho em nhiều cảm xúc, giúp em hiểu hơn và thêm kính yêu Bác Hồ của chúng ta.
Thời gian qua đi, nhưng căn nhà số 48 Hàng Ngang vẫn sẽ là “địa chỉ đỏ” ghi dấu lịch sử thiêng liêng, lưu giữ nhiều kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngày Độc lập, để giúp các thế hệ hiểu thêm về lịch sử hào hùng được các bậc cha anh đã viết nên cho dân tộc Việt Nam.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/tham-can-nha-bac-ho-viet-tuyen-ngon-doc-lap-163870.html