Tham khảo quốc tế về biện pháp xử lý chuyển hướng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 21/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Nhiều đại biểu đồng tình cần có Luật Tư pháp người chưa thành niên, tuy nhiên vẫn còn ý kiến băn khoăn về một số quy định chi tiết trong luật, nhất là các biện pháp xử lý chuyển hướng.

Quang cảnh phiên họp sáng 21/6/2024. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quang cảnh phiên họp sáng 21/6/2024. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quan tâm đến các biện pháp xử lý chuyển hướng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) nhấn mạnh, dự thảo Luật đã chú trọng bảo vệ người chưa thành niên là bị hại, tuy nhiên, quy định về bảo vệ quyền của "nạn nhân" hay "bị hại" kể cả người đã thành niên nói chung còn chưa tương xứng. Cần phải tránh xu hướng, nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên phạm tội có khi lại ưu ái vượt quá mức cần thiết và có thể xâm phạm các quyền cơ bản của cá nhân khác trong xã hội, đặc biệt là các nạn nhân bị xâm hại trực tiếp.

"Do đó đề nghị bổ sung vào Điều 5 yêu cầu các biện pháp xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng cần có sự thỏa thuận thống nhất với nạn nhân", đại biểu Lê Thanh Hoàn thảo luận.

Đại biểu cũng đề nghị, đối với thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, quy định theo phương án 2 đó là việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng chỉ do Tòa án thực hiện, nhưng không chỉ do cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát đề nghị mà Tòa án hoàn toàn có quyền xem xét cho áp dụng hay không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở xem xét toàn diện vụ án, bởi Việt Nam có chính sách hình sự, tố tụng hình sự khác biệt nhất định với các quốc gia khác.

Cho rằng "tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để bổ sung thêm các biện pháp xử lý chuyển hướng", đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) nêu rõ, Dự thảo Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó có 6 biện pháp được áp dụng độc lập; 6 biện pháp không áp dụng độc lập, chỉ được áp dụng đồng thời với biện pháp xử lý chuyển hướng khác. Như vậy, so với Bộ Luật hình sự hiện hành, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã mở rộng, đồng thời quy định rõ nội hàm của từng biện pháp xử lý chuyển hướng, bảo đảm logic, chặt chẽ.

Việc mở rộng, đồng thời quy định rõ nội hàm của từng biện pháp xử lý chuyển hướng như trong dự thảo Luật sẽ khắc phục những khó khăn, bất cập đang đặt ra, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế quy trình tố tụng hình sự, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng người chưa thành niên.

"Vì trong thực tế, mỗi người chưa thành niên có hoàn cảnh gia đình, nhân thân, nguyên nhân thực hiện hành vi phạm tội, mức độ phạm tội và loại tội phạm thực hiện khác nhau, nên cần áp dựng biện pháp xử lý phù hợp với từng đối tượng cụ thể", đại biểu Bắc Giang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đề nghị tiếp tục rà soát, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để bổ sung thêm các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên nhằm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng người chưa thành niên; phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của từng người chưa thành niên, trên cơ sở đó, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều sự cân nhắc, lựa chọn khi xem xét, áp dụng.

Quan tâm đến các biện pháp xử lý chuyển hướng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đề nghị bổ sung nhóm người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi là đối tượng được áp dụng biện pháp này. Theo đó, dự thảo luật chỉ quy định những người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi mới thuộc trường hợp được áp dụng 12 biện pháp xử lý chuyển hướng.

"Nếu dự thảo luật bỏ sót đối tượng từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi là không chặt chẽ ", đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân thảo luận.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, người chưa thành niên là người chưa phát triển hoàn thiện về thể chất, tâm sinh lý, nhận thức... Cho nên, pháp luật đã vận dụng theo hướng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho đối tượng này, tạo điều kiện để họ sửa chữa sai lầm, làm lại cuộc đời.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Sang đề nghị, việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cần căn cứ tính chất, mức độ hành vi phạm tội của người chưa thành niên. Đồng thời, không nhất thiết quy định chi tiết các trường hợp xử lý chuyển hướng mà cần quy định hướng mở, để làm cơ sở quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Bởi theo đại biểu Nguyễn Thanh Sang, trường hợp họ đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nhưng nếu áp dụng biện pháp hình phạt tù thì chúng ta đã vô tình làm xấu đi tình trạng của người chưa thành niên.

Về nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng có quy định, không áp dụng biện pháp chuyển hướng nếu tại thời điểm xem xét, người chưa thành niên phạm tội đã đủ 18 tuổi, đại biểu cho rằng, quy định này không phù hợp. Bởi lẽ, tại thời điểm họ thực hiện hành vi phạm tội là người chưa thành niên. Còn tại thời điểm xem xét biện pháp chuyển hướng là do các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện. Nếu các cơ quan này thực hiện chậm thì trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến chính sách dành cho người chưa thành niên phạm tội.

"Trong trường hợp không có đủ thời gian thì cần áp dụng thủ tục rút gọn cho những trường hợp này, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người chưa thành niên", đại biểu Nguyễn Thanh Sang đề nghị.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tham-khao-quoc-te-ve-bien-phap-xu-ly-chuyen-huong-20240621135354338.htm