Tham quan hướng nghiệp cho học sinh nhiều nơi còn mang tính 'cưỡi ngựa xem hoa'

Mặc dù các trường trung học phổ thông đã chú trọng hơn vào các hoạt động tham quan hướng nghiệp, nhưng một số nơi vẫn chưa đạt được kỳ vọng bởi nhiều lý do.

Tham quan hướng nghiệp chỉ là cơ hội để... “check - in”

Trong những năm gần đây, hoạt động hướng nghiệp tại các trường trung học phổ thông đã trở thành một phần quan trọng trong việc giúp học sinh định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ người trong cuộc, các hoạt động này chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng từ học sinh.

Nữ sinh Nguyễn Châu Sa (sinh năm 2005), cựu học sinh Trường Phổ dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Hòa Bình, chia sẻ về các hoạt động hướng nghiệp tại trường. Theo Châu Sa chia sẻ, trường đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn nghề nghiệp, chủ yếu diễn ra vào tháng 3 hằng năm. Trong đó, có những hoạt động mời các thầy cô từ các trường đại học lớn tại Hà Nội đến trường để chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn cho học sinh về con đường sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chọn trường đại học hay học nghề.

Tuy nhiên, nữ sinh cho rằng, hoạt động này chỉ mang tính chất định hướng chung, thiếu sự cụ thể về công việc sau khi ra trường. Học sinh chủ yếu được tư vấn về việc lựa chọn trường đại học, mà chưa được cung cấp thông tin chi tiết về các ngành nghề và cơ hội nghề nghiệp thực tế.

“Mặc dù hoạt động hướng nghiệp ở trường rất sôi nổi, nhưng cá nhân em cũng như một số bạn đều cảm nhận, chưa thực sự giúp học sinh hiểu rõ về nghề nghiệp trong tương lai. Các hoạt động hướng nghiệp này chỉ giúp học sinh biết nên chọn trường gì, chọn ngành gì, nhưng chưa bao giờ giải thích được rằng, với ngành học đó, học sinh sẽ làm công việc gì sau khi tốt nghiệp. Chúng em rất cần một buổi hướng nghiệp chi tiết hơn về từng ngành nghề, những công việc cụ thể mà mình sẽ làm, chứ không chỉ là tư vấn trường đại học” - Châu Sa chia sẻ thêm.

Đặc biệt, theo nữ sinh, việc thiếu các hoạt động trải nghiệm thực tế là rào cản lớn nhất để học sinh chọn đúng nghề. Trước đây, các khóa học sinh tại trường đã được tham gia các chuyến tham quan các nhà máy, xí nghiệp hay các công ty, để hiểu thêm về công việc thực tế.

Tuy nhiên, kể từ khóa của nữ sinh Nguyễn Châu Sa, các hoạt động này đã bị cắt giảm, thay vào đó là các buổi tư vấn từ các giảng viên các trường đại học. Điều này cho thấy, việc thiếu các hoạt động trải nghiệm thực tế đang làm hạn chế khả năng giúp học sinh định hình nghề nghiệp.

 Nữ sinh Nguyễn Châu Sa tiếc nuối khi chưa được “hướng nghiệp” một cách đầy đủ, đúng và trúng. Ảnh: NVCC.

Nữ sinh Nguyễn Châu Sa tiếc nuối khi chưa được “hướng nghiệp” một cách đầy đủ, đúng và trúng. Ảnh: NVCC.

Tương tự trường hợp của Châu Sa, nam sinh Nguyễn Trường Anh (sinh năm 2006), cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Thăng Long (Hà Nội) cũng chia sẻ những tiếc nuối trong việc hướng nghiệp tại nhà trường.

Trường Anh cho biết: “Trong suốt thời gian học tại trường, em chỉ được tham gia một vài buổi hướng nghiệp với các chuyên gia từ các trường đại học, nhưng những buổi tư vấn này chủ yếu chỉ tập trung vào việc giới thiệu các trường đại học, mà không thực sự giúp học sinh hiểu rõ về nghề nghiệp, thị trường lao động, hay yêu cầu công việc của từng ngành.

Trong các buổi hướng nghiệp, hầu hết chỉ có các trường đại học tới và nói về cơ sở vật chất, chương trình học khá chung chung. Vì vậy, những thông tin mà chúng em nhận được khá mơ hồ. Chúng em thường phải tự tìm hiểu thêm qua các nguồn thông tin khác trang web của mỗi trường đại học hay trong những nhóm Facebook về hướng nghiệp. Nếu trường có một chương trình hướng nghiệp thực sự giúp học sinh hiểu rõ về nghề nghiệp và công việc trong tương lai, thì sẽ rất có ích cho học sinh”.

Cũng theo nam sinh, mặc dù nhà trường cũng tổ chức các hoạt động tham quan hướng nghiệp, nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng bởi nhiều lý do.

Trường Anh cho biết, bản thân từng tham gia một chuyến đi tham quan tại một trường đại học quốc tế vào tháng 10/2023. Tuy nhiên, Trường Anh nhận thấy, chuyến đi này không đáp ứng được kỳ vọng của bản thân và các bạn trong lớp.

“Chuyến đi này không mang lại nhiều giá trị cho chúng em. Đúng là có một số hoạt động trải nghiệm, nhưng hầu hết chỉ là ngồi nghe các phần thuyết trình về trường và các ngành học. Chúng em chỉ nhìn thấy không gian học tập, chứ không được tham gia vào các hoạt động thực tế, cũng không có cơ hội tìm hiểu sâu về công việc cụ thể trong các ngành, lĩnh vực mà mình quan tâm. Thực tế, nhiều bạn trong lớp còn chơi điện thoại và không quan tâm đến những gì đang được thuyết trình, chia sẻ. Thậm chí, có bạn chỉ coi đây là cơ hội để “check - in” hay đi chơi” - nam sinh bộc bạch.

Từ những chia sẻ thực tế trên, nữ sinh Châu Sa bày tỏ, nếu được quay lại thời điểm trước khi tốt nghiệp, em mong muốn nhà trường có thể tổ chức các buổi hướng nghiệp thực tế và đa dạng hơn. Đặc biệt, việc trường khảo sát nguyện vọng nghề nghiệp của học sinh ngay từ khi các em vào lớp 10 cũng giúp giáo viên chủ nhiệm hiểu rõ tâm tư của từng học sinh.

Dựa trên kết quả khảo sát, nhà trường có thể tổ chức các chuyến tham quan các công ty, nhà máy, xí nghiệp phù hợp với nhu cầu của học sinh, từ đó giúp học sinh hiểu rõ hơn về ngành nghề mà mình sẽ theo đuổi.

“Thay vì chỉ tổ chức các buổi tư vấn vào tháng 3 cho học sinh lớp 12, chúng em cần được trải nghiệm các công việc thực tế từ lớp 10 hoặc lớp 11. Nhà trường có thể tổ chức các buổi tham quan nghề nghiệp theo từng nhóm ngành như giáo dục, báo chí, kỹ thuật,... và tổ chức các chuyến đi xuyên suốt cả năm học để học sinh có thể tìm hiểu và thử sức với công việc mình yêu thích” - nữ sinh bày tỏ nguyện vọng.

Nội dung trải nghiệm mang tính chung chung, thời gian thực hiện chưa đủ dài

Ngoài những buổi tư vấn hay tham quan hướng nghiệp, thực tế đã chỉ ra rằng, nếu học sinh có sự đồng hành sát sao của giáo viên trong chính những năm học đầu cấp, việc xây dựng chương trình hướng nghiệp sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Với kinh nghiệm dày dặn trong công tác xây dựng chương trình hướng nghiệp, cô Nguyễn Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Hữu nghị T78 (Hà Nội) nhấn mạnh: “Vai trò của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm trong hướng nghiệp rất quan trọng. Họ không chỉ cung cấp kiến thức nền tảng mà còn định hướng, truyền cảm hứng, kết nối thực tiễn và hỗ trợ học sinh phát triển kỹ năng mềm”

Theo cô Bích, giáo viên là người gần gũi nhất với học sinh, hiểu rõ năng lực, sở thích của các em để từ đó khơi dậy đam mê. Giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò như cầu nối giữa học sinh và thực tế nghề nghiệp, đưa các em đến gần hơn với môi trường làm việc thông qua những hoạt động trải nghiệm thực tế.

 Cô Nguyễn Thị Ngọc Bích - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Hữu nghị T78. Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Bích - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Hữu nghị T78. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Bích cũng đánh giá rằng, đôi khi việc kết hợp với các doanh nghiệp, xí nghiệp để đưa học sinh đi trải nghiệm cũng phải đối mặt với một vài vấn đề hi hữu.

Một trong những vấn đề thường gặp khi tổ chức trải nghiệm hướng nghiệp tại doanh nghiệp hoặc nhà máy là học sinh không tập trung hoặc thiếu hứng thú. Nguyên nhân chính đến từ nội dung trải nghiệm mang tính lý thuyết, thiếu sự gắn kết với thực tiễn công việc.

Nhiều hoạt động chỉ đơn điệu dừng lại ở việc tham quan cơ sở vật chất, không có phần thực hành hay tương tác, khiến học sinh cảm thấy nhàm chán. Ngoài ra, khi mục đích của chuyến tham quan không được giải thích rõ ràng, học sinh dễ rơi vào trạng thái thụ động, thiếu động lực tham gia. Sự khác biệt giữa ngành nghề được giới thiệu và sở thích, định hướng nghề nghiệp cá nhân cũng khiến các em không tìm thấy giá trị thực sự trong những hoạt động này.

Chính vì vậy, cô Bích một lần nữa khẳng định vai trò của giáo viên trong việc kết nối với học sinh; đồng thời, phải có sự sát sao của nhà trường, chủ động xây dựng nội dung tham quan hướng nghiệp, kết hợp với các doanh nghiệp sao cho hiệu quả.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác hướng nghiệp tại Trường Hữu nghị T78 vẫn gặp không ít khó khăn. “Học sinh đến từ nhiều vùng miền với nhu cầu nghề nghiệp khác nhau, trong khi các nội dung trải nghiệm tại Hà Nội đôi khi chưa sát với thực tế ở quê hương các em” - cô Bích chia sẻ.

Ngoài ra, việc tổ chức trải nghiệm thực tế cho học sinh nội trú cũng đối mặt với những rào cản về an toàn, kinh phí và sự đồng hành của phụ huynh. Cô Bích thẳng thắn thừa nhận: “Đôi khi, nội dung trải nghiệm còn mang tính chung chung, chưa đủ cụ thể hoặc thời gian thực hiện chưa đủ dài”.

Khi được hỏi về một chương trình hướng nghiệp lý tưởng, cô Bích nhấn mạnh việc khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu của học sinh, thiết kế nội dung chuyên biệt và tăng cường ứng dụng công nghệ để tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh đó, cô cũng ủng hộ việc có một vị trí viên chức chuyên trách về hướng nghiệp để đảm bảo hiệu quả lâu dài.

“Với thời lượng môn trải nghiệm hướng nghiệp tương đương các môn chính, một người chuyên trách sẽ tăng hiệu quả và chất lượng giảng dạy thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm của giáo viên các môn khác” - nữ giáo viên nhận định.

Anh Tú

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tham-quan-huong-nghiep-cho-hoc-sinh-nhieu-noi-con-mang-tinh-cuoi-ngua-xem-hoa-post247575.gd