Thắm tình hữu nghị đặc biệt Sơn La - Hủa Phăn.Kỳ 1: Tình nghĩa vững bền hơn núi, hơn sông
Được hình thành, hun đúc trong truyền thống lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của hai dân tộc Việt Nam – Lào, hai tỉnh Sơn La và Hủa Phăn từ lâu đã có mối quan hệ láng giềng thân thiết, gần gũi. Phát huy truyền thống đó, cấp ủy, chính quyền và nhân dân hai tỉnh luôn vun đắp, gìn giữ, phát triển mối quan hệ đặc biệt vững bền hơn núi, hơn sông.
Biểu tượng của tình hữu nghị
Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, căn cứ Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, là nơi ghi dấu hoạt động của Ban xung phong Lào Bắc và Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản trong những năm 1948 - 1951, là nơi gây dựng cơ sở cách mạng và huấn luyện quân sự cho lực lượng vũ trang cách mạng Lào trở về xây dựng khu căn cứ địa tại huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn.
Căn cứ Lao Khô nay đã trở thành Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào), biểu tượng cho tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào. Nơi đây, lưu giữ những giá trị to lớn về lịch sử, sự gắn bó máu thịt và tình đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La với tỉnh Hủa Phăn nói riêng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ Tổ quốc.
Khu di tích được quy hoạch trên diện tích gần 50 ha, gồm: Di tích gốc là khu nền nhà cũ của gia đình ông Tráng Lao Khô và các lán trại của Ban xung phong Lào Bắc; Đài biểu tượng Hữu nghị Việt Nam - Lào; nhà trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật quan trọng về tình hữu nghị Việt Nam - Lào; nơi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản...
Trong đó, nổi bật là Đài biểu tượng hữu nghị Việt Nam - Lào được xây dựng với ý tưởng đài hoa hữu nghị hiển hiện trên núi rừng Tây Bắc. Đài biểu tượng được xây dựng trên đỉnh đồi, cao 18m, phần đế tạo hình sóng nước với các cánh hoa sen, hoa chăm pa cách điệu, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của hai nước Việt Nam- Lào. Toàn bộ di tích được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với nhiều loài thực vật phong phú.
Với những ý nghĩa lịch sử quan trọng, Di tích Quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào đã trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, tình đoàn kết, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Em Sỏn Sải Thin, lưu học sinh Lào tỉnh Hủa Phăn, K60 Cao đẳng Công nghệ Thông tin, Trường cao đẳng Sơn La, chia sẻ: Em sang Sơn La học tập được 2 năm, trong quá trình học, chúng em được nhà trường tổ chức tham quan các di tích lịch sử của Sơn La, trong đó có Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. Em càng hiểu thêm về tình hữu nghị đặc biệt, thủy chung, son sắc giữa hai nước, đặc biệt là sự giúp đỡ của người dân Lao Khô 1 nói riêng, của Sơn La nói chung đối với cách mạng Lào.
Nhân dân bản Lao Khô 1 luôn tự hào về vùng đất truyền thống cách mạng, tự hào về gia đình ông Tráng Lao Khô đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Chính phủ nước CHDCND Lào tặng Huân chương Tự do cho gia đình ông Tráng Lao Khô và Huân chương hạng Ba cho nhân dân bản Lao Khô 1.
Năm 2013, triển khai hoạt động kết nghĩa các bản hai bên biên giới của hai tỉnh, bản Lao Khô 1 là bản đầu tiên được chọn kết nghĩa với bản Nà Khạng, thuộc cụm bản Phiêng Sa, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn. Với những nét văn hóa tương đồng khi hai bản đều là người Mông sinh sống, đặc biệt là mối quan hệ truyền thống gắn bó lâu đời từ trước đây, kết nghĩa giúp mối quan hệ giữa hai bản ngày càng gắn bó hơn. Hai bên luân phiên tổ chức gặp gỡ để trao đổi tình hình, cùng nhau đoàn kết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, xây dựng bản làng no ấm; vào những ngày lễ, tết cổ truyền hay mỗi khi có người ốm đau, nhân dân hai bản còn thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên lẫn nhau.
Ông Tráng Lao Minh, Trưởng bản Lao Khô 1, cho biết: Trước khi kết nghĩa, người dân bản Lao Khô 1 và bản Nà Khạng vốn đã là anh em. Người dân hai bản sống hòa thuận, đều dạy dỗ con cái mình biết trân trọng tình đoàn kết, tự hào truyền thống lịch sử của cha ông để lại.
Láng giềng thân thiết, gắn bó
Sơn La có hơn 274 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, trong đó, có trên 242 km đường biên tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn; còn lại là giáp với tỉnh Luông Pha Bang. Từ sự gần gũi về địa lý, những nét tương đồng về điều kiện tự nhiên và yếu tố đồng tộc, Sơn La và Hủa Phăn có nhiều điểm giống nhau trong nét sinh hoạt văn hóa vật chất cũng như tinh thần của cư dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới. Bởi vậy, từ lâu đời nhân dân hai bên biên giới đã có mối quan hệ gắn bó, kết bạn bè, thân thiết như người cùng bản, thường xuyên đi lại thăm hỏi, trao đổi, buôn bán với nhau.
Trước khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân hai tỉnh Hủa Phăn, Sơn La đã nương tựa, giúp đỡ nhau đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ xóm làng. Những cuộc khởi nghĩa của Sa Khả Sâm chống quân Minh, Bạc Cầm Ten chống giặc cờ vàng, Lương Sám chống thực dân Pháp,... đều có sự đoàn kết chiến đấu của nhân dân hai tỉnh Sơn La, Hủa Phăn. Đặc biệt, năm 1939, Chi bộ nhà tù Sơn La được thành lập, phong trào đấu tranh chống Pháp phát triển mạnh mẽ ở vùng biên giới Việt - Lào, trong đó có Sơn La - Hủa Phăn và đi đến thắng lợi, hai tỉnh cùng giành chính quyền từ tháng 9-10/1945.
Tình cảm đoàn kết gắn bó, liên minh chiến đấu càng được phát triển trong những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ (1945-1975) của nhân dân hai tỉnh. Sơn La đã tích cực chi viện cho cách mạng Lào, sát cánh cùng Hủa Phăn chiến đấu tiêu diệt, đẩy lùi địch, giải phóng nhân dân và đất đai, mở rộng khu căn cứ cách mạng, xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân, phát triển sản xuất, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với cách mạng Lào, góp phần củng cố và phát triển tình đoàn kết chiến đấu và hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.
Từ năm 1975 đến nay, khi hai nước Lào, Việt Nam độc lập và xây dựng đất nước, Hủa Phăn - Sơn La đã không ngừng đẩy mạnh quan hệ hợp tác, đưa quan hệ hai tỉnh phát triển lên một tầm cao mới. Từ quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu trong kháng chiến sang quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện.
Trong suốt những năm tháng xây dựng đất nước, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Sơn La - Hủa Phăn cũng dành cho nhau tình cảm đặc biệt. Chỉ tính từ tháng 8/2022 đến nay, tỉnh Hủa Phăn đã cử 29 đoàn công tác với 338 lượt người sang thăm, làm việc, khám bệnh tại tỉnh Sơn La; tỉnh Sơn La đã cử 31 đoàn công tác với 259 lượt người sang thăm, làm việc tại tỉnh Hủa Phăn. Hai tỉnh đã phối hợp tốt trong công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị và nhân dân hai bên về tình đoàn kết hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên qua lại thăm thân, giao lưu văn hóa và thương mại, đặc biệt là nhân dân ở khu vực biên giới.
Lực lượng vũ trang của hai tỉnh đã phối hợp tốt trong công tác trao đổi thông tin, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nghiệp vụ, phối hợp thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an ninh biên giới. Tỉnh Sơn La đã hỗ trợ tỉnh Hủa Phăn 47 trụ sở làm việc của Công an các bản tiếp giáp biên giới với Sơn La bằng nguồn hỗ trợ của Bộ Công an và tỉnh Sơn La; hỗ trợ tỉnh Hủa Phăn số tiền 5 tỷ đồng từ ngân sách địa phương xây dựng một số công trình hạ tầng cơ sở. Ngoài ra, các huyện của tỉnh Sơn La đã hỗ trợ các huyện của tỉnh Hủa Phăn số tiền hơn 3,2 tỷ đồng. Năm 2022 - 2024 tỉnh Sơn La đã tiếp nhận 125 lưu học sinh tỉnh Hủa Phăn sang học tập, đào tạo các trình độ: Cao đẳng, đại học, liên thông đại học, thạc sĩ và bồi dưỡng tiếng Việt 9 tháng tại các cơ sở đào tạo của tỉnh Sơn La.
Ông Sỏn Vông Khăm Pơn, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hủa Phăn, từng có thời gian học tập tại Trường cao đẳng Sơn La, cho biết: Thời gian học tập ở Sơn La là khoảng thời gian ý nghĩa mà tôi không thể quên; không những giúp tôi có kiến thức, mà còn giúp tôi hiểu về văn hóa, con người Sơn La thân thiện, mến khách; cũng như tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa Sơn La và tỉnh Hủa Phăn nói riêng, với các tỉnh Bắc Lào nói chung.
Củng cố, vun đắp mối quan hệ đặc biệt
Cuối tháng 3 vừa qua, Đoàn đại biểu cấp cấp tỉnh Sơn La do đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La làm Trưởng đoàn đã đến thăm, hội đàm với lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn. Vui mừng đón tiếp Đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh Sơn La sang thăm và làm việc, đồng chí Khăm Pheng - Xay Sổm Pheng, Ủy viên Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, Bí thư tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn, khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố, sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh ngày càng bền chặt và không ngừng phát triển.
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Hủa Phăn, vấn đề quan trọng được lãnh đạo hai tỉnh quan tâm là nội dung hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực trong thời gian tới, nhằm đưa quan hệ giữa Sơn La và các tỉnh Bắc Lào lên tầm cao mới. Lãnh đạo hai tỉnh đã thống nhất, ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2024-2026, tập trung vào các nội dung: Tiếp tục phối hợp tuyên truyền sâu, rộng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân mỗi bên về truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt, sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào nói chung, giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Hủa Phăn nói riêng. Duy trì trao đổi các đoàn đại biểu các cấp của hai bên sang thăm hữu nghị, làm việc và trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực; thường xuyên duy trì chế độ trao đổi thông tin, cùng nhau phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh.
Tiếp tục phối hợp và trao đổi thông tin trong đảm bảo quốc phòng, an ninh, trao đổi đoàn, thực hiện quy chế hoạt động đối ngoại và phối hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn hai tỉnh theo biên bản hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Lào. Phối hợp triển khai các nội dung liên quan để hoàn thành thủ tục nâng cấp và tổ chức khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng vào khoảng thời gian giữa năm 2025.
Cùng với đó, hai tỉnh tăng cường hợp tác hữu nghị, xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu hình ảnh về các doanh nghiệp và các sản phẩm hàng hóa được sản xuất bằng nguyên liệu địa phương của hai tỉnh, về tiềm năng, lợi thế của hai tỉnh. Tiếp tục phối hợp thực hiện Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Hủa Phăn theo Biên bản hợp tác đã ký kết.
Hợp tác xây dựng tour du lịch Sơn La - Hủa Phăn và Hủa Phăn - Sơn La; phối hợp nghiên cứu xây dựng sản phẩm “Ngày hội Vùng biên” luân phiên tại các cửa khẩu có tiềm năng phát triển du lịch nhằm giới thiệu văn hóa bản địa và sản phẩm du lịch của hai tỉnh đến với bạn bè, du khách trong nước. Tỉnh Sơn La tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ và nhân dân tỉnh Hủa Phăn sang khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và các cơ sở y tế của tỉnh Sơn La...
Chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Hủa Phăn của Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sơn La khép lại với những vòng tay ôm chặt, những bàn tay lưu luyến mãi không rời của những người đồng chí, anh em thân thiết, những người bạn Lào son sắt, thủy chung.
(Còn nữa)