Tham vấn chuyên gia về đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo
Chiều ngày 20/8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì Tọa đàm.
Qua thảo luận tại Tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, đội ngũ nhà giáo (từ mầm non đến đại học) thời gian qua đã phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của đất nước. Tuy nhiên các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… chưa thực sự tương xứng với vị thế, vai trò của nhà giáo.
Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng lần này đã quy định nhiều chính sách nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, từ định danh và chuẩn nhà giáo đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo, chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng và tôn vinh nhà giáo... Các đại biểu cho rằng, nội dung về chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo là phần đặc biệt quan trọng và có tác động lớn với nhà giáo, do vậy nội dung này cần phải được thể hiện kỹ càng, đầy đủ. Về cơ bản, các đại biểu cơ bản bày tỏ tán thành với các chính sách mà Chính phủ đề xuất.
Tuy nhiên các đại biểu cũng nêu thực tế thời gian qua, vẫn còn thiếu những chính sách đặc thù đối với giáo dục ngoài công lập mà cụ thể là đối tượng giáo viên, giảng viên. Các đại biểu cho biết, thực tiễn từ đầu những năm 1990 đến nay, thực hiện chính sách xã hội hóa của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đã có hàng trăm trường đại học, cao đẳng và hàng ngàn trường học mầm non và phổ thông các cấp dân lập, tư thục đã được cho phép thành lập và hoạt động. Từ chỗ trước đây đa số nguồn giáo viên của các trường ngoài công lập là từ các trường công lập tham gia thỉnh giảng, cộng tác hoặc chuyển sang hẳn thì đến nay đã có sự tự chủ trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nghề nghiệp từ chính các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, hơn 30 năm nay kể từ khi các trường dân lập đầu tiên từ bậc đại học, cao đẳng và các bậc học phổ thông ra đời hoạt động, các đại biểu cho rằng, hệ thống pháp luật về giáo dục ở nước ta vẫn còn thiếu những chính sách thiết thực và sự quan tâm phù hợp đến giáo viên giảng viên các trường ngoài công lập.
Cụ thể, hiện nay việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ của nhà giáo còn thiếu quy định cho đối tượng là giáo viên, giảng viên các trường ngoài công lập; chế độ phụ cấp, trợ cấp thâm niên và nghỉ hưu đối với nhà giáo đã và đang công tác trong hệ thống các trường ngoài công lập cũng chưa được quy định điều kiện, thủ tục để hưởng những quyền lợi cần thiết. Bên cạnh đó, chế độ thỉnh giảng của giáo viên giảng viên đủ điều kiện của các trường ngoài công lập tại các trường công lập còn chưa được quy định trong các văn bản quy định của Bộ ngành chuyên môn để tạo điều kiện huy động và phát huy đội ngũ trí thức. Việc này dẫn đến một số trường đại học, cao đẳng công lập không mời hoặc không thể nhận giáo viên dù trường đang thiếu…
Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo lần này cần nghiên cứu, quy định những chính sách về nhà giáo nói chung và nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói riêng bình đẳng hơn, có sự ghi nhận và đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo thích hợp góp phần định hướng, chất lượng nhà giáo vì sự phát triển bền vững của hệ thống các trường ngoài công lập theo thực tế hiện nay.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định mới trong dự thảo Luật về nhà ở, nhiều ý kiến nhận định, đây là nội dung tiến bộ, tuy nhiên khó thực hiện vì cho đến hiện nay nhà giáo không hề được hỗ trợ nhà ở. Do vậy, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này.
Phản ánh thực tế hoạt động dạy học ở các trường vùng cao, thầy cô giáo đã phải vất vả, hy sinh rất nhiều, các đại biểu nhấn mạnh, để thu hút và tri ân những cống hiến của nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa thì lương, thưởng, phụ cấp cũng phải được quy định tương xứng. Các đại biểu cho rằng, nhà giáo tại các vùng khó, cần được hưởng những chính sách ưu tiên về thời gian, về thi đua khen thưởng, về cả tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng… Dự thảo Luật cần làm đậm các chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra để thu hút được nguồn lực nhà giáo trẻ năng động, chất lượng cao vào hoạt động giảng dạy, các chuyên gia đề xuất, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng lần này cũng cần bổ sung thêm quy định cụ thể thu hút cả sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ.
Các đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan đến các chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo, quy định khuyến khích địa phương ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút nhà giáo… Qua đó, góp phần giải quyết được những bất cập hiện nay, thúc đẩy phát triển đội ngũ, tạo động lực để nhà giáo cống hiến và gắn bó với nghề.
Phát biểu kết thúc nội dung Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cảm ơn và ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo tại Tọa đàm; đồng thời cho biết trên cơ sở các góp ý tại Tọa đàm hôm nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tổng hợp và báo cáo lại với Thường trực Ủy ban để nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu thận trọng các nội dung với mục tiêu hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo một cách phù hợp nhất với bối cảnh hiện nay nước ta. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, ngay sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ từ Cơ quan soạn thảo, cùng với việc tiếp thu ý kiến từ phía các chuyên gia, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội tiến hành hoàn thiện Báo cáo thẩm tra sơ bộ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa mong muốn trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của các chuyên gia, nhà giáo đối với các nội dung của dự thảo này.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88707