Tham vấn ý kiến của Bộ sau kết luận nghị quyết của tỉnh Gia Lai trái luật
Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai tham vấn ý kiến của Bộ GD&ĐT sau khi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kết luận Nghị quyết 47 của tỉnh Gia Lai trái luật.
Ngày 4-3, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, cho biết ba sở gồm Sở GD&ĐT, Sở Tài chính và Tư Pháp đã thống nhất phương án không tham mưu văn bản phản hồi kiến nghị về Kết luận 14/KL-KtrVB ngày 9-1-2024 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp).
Theo đó, Sở đã có văn bản tham vấn, xin hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc này. Sau đó, Sở sẽ chủ trì, phối hợp tham mưu xây dựng Nghị quyết (Cục kết luận Nghị quyết 47/2022/NQ-HĐND năm 2022 của HĐND tỉnh Gia Lai trái pháp luật-PV) hoặc thay thế cho phù hợp.
Vướng mắc về thuật ngữ
Công văn gửi Bộ, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, cho rằng trong quá trình triển khai nội dung kiến nghị xử lý theo kết luận của Cục gặp phải một số vướng mắc, chưa thống nhất về các thuật ngữ, chưa xác định cụ thể danh mục đối với dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do đó, phải xin ý kiến, hướng dẫn từ Bộ.
Cụ thể, việc giải thích từ ngữ và việc sử dụng các thuật ngữ trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề trên chưa thống nhất. Danh mục dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục chưa được định nghĩa rõ ràng, thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
Mặt khác, hệ thống ngành sản phẩm trong lĩnh vực GD&ĐT thuộc danh mục hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 43/2018/QĐ-TTg chưa bao hàm đầy đủ tất cả các dịch vụ trong hoạt động giáo dục, đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 và Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định.
Qua đó, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai tham vấn ý kiến của Bộ hai nội dung. Thứ nhất, việc Sở tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 47 có đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương hay không. Thứ hai, Kết luận số 14 căn cứ Quyết định số 43 để nhận định “nội dung Nghị quyết 47 trái pháp luật” đã đảm bảo phù hợp hay chưa phù hợp?
Riêng đối với quy định mức thu đối với mua sắm các vật dụng cụ thể, đồ dùng cá nhân… phục vụ nhu cầu của học sinh, được nhà trường và cha mẹ học sinh thống nhất một khoản thu theo phát sinh thực tế có đồng nhất với quy định mức thu đối với mua sắm hàng hóa thông thường hay không?
Để có sự thống nhất, phù hợp, Sở đề nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể để Sở tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định nội dung chi các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục.
“Xáo trộn” sau khi dừng các khoản thu
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, Nghị quyết 47 đã hạn chế việc “lạm thu” trong các cơ sở giáo dục công lập; tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh; không có phản ánh trái chiều, cũng như tạo cơ chế để các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả trong công tác xã hộ hóa giáo dục.
Kết luận 14 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, nêu: phụ lục trong Nghị quyết số 47 quy định các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục (như thu tiền dạy các môn tự chọn tiếng Anh, tin học, năng khiếu…) và quy định về mức thu đối với mua sắm vật dụng, đồ dùng cá nhân (đồ dùng bán trú, ghế ngồi chào cờ, bảng tên học sinh...) là chưa phù hợp, trái pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi có Kết luận 14, Sở đã yêu cầu các cơ sở công lập “tạm thời không thu các khoản thu”. Việc này gây ảnh hưởng đến công tác tổ chức bán trú của trẻ mầm non, tiểu học, phát sinh khó khăn trong tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, làm xáo trộn các hoạt động xã hội có liên quan.
Cụ thể, đối với giáo dục mầm non và lớp 1, 2. Việc dừng không tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh sẽ không đảm bảo Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT cho trẻ làm quen với tiếng Anh và Chương trình GDPT 2018.
Đồng thời, nếu các cơ sở giáo dục mầm non công lập không thu các khoản dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục sẽ không tổ chức được hoạt động bán trú cho trẻ mầm non. Việc này, trực tiếp gây ảnh hưởng đến cha mẹ học sinh, ngân sách của các cơ sở giáo dục không đảm bảo tổ chức dạy học làm quen môn tiếng Anh tự chọn.
Đối với giáo dục tiểu học, các môn học tự chọn, đặc biệt là tiếng Anh, tin học cho học sinh lớp 1, lớp 2 là nhu cầu của đông đảo phụ huynh học sinh và thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Khi dừng thu các khoản phí sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học – Đây là nhu cầu thiết thực của đông đảo phụ huynh học sinh, tạo điều kiện cho phụ huynh học sinh yên tâm gửi con học tập cả ngày ở trường. Phía nhà trường cũng thuận lợi tổ chức dạy học các môn học bắt buộc và môn học tự chọn, dạy kỹ năng sống nhằm giáo dục toàn diện cho học sinh.
Mặt khác, quá trình dừng thu phí làm xáo trộn các hoạt động xã hội có liên quan. Chẳng hạn, như đối với khoản phí nước uống cho trẻ mầm non, cha mẹ học sinh tự trang bị nước uống cho trẻ mang đến trường; một số môn học tự chọn phụ huynh đã mua sách nếu không học sẽ gây lãng phí.