Tham vọng robot bị thử thách: Thuế quan và chuỗi cung ứng cản đường công nghệ tương lai?

Elon Musk - người đứng đầu Tesla, SpaceX và cũng là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong giới công nghệ toàn cầu - vẫn kiên định với tầm nhìn về một tương lai ngập tràn robot.

Mới đây, tỷ phú này một lần nữa khẳng định mục tiêu sản xuất 1 triệu robot hình người Optimus vào năm 2030, thậm chí có thể sớm hơn, vào năm 2029, theo Financial Times.

Nhưng dù có tham vọng lớn, hành trình hiện thực hóa giấc mơ đó đang gặp không ít rào cản, trong đó thuế quan và sự phụ thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu là những yếu tố đáng lo ngại nhất.

Tỷ phú Elon Musk đặt mục tiêu sản xuất được 1 triệu người máy vào năm 2030 - Ảnh: Tesla

Tỷ phú Elon Musk đặt mục tiêu sản xuất được 1 triệu người máy vào năm 2030 - Ảnh: Tesla

Tham vọng công nghiệp

Robot từ lâu đã là biểu tượng cho sự tiến bộ trong tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Các cánh tay máy đã hiện diện trong dây chuyền sản xuất từ nhiều thập niên, nhưng sự phát triển của robot hình người - có khả năng cử động linh hoạt và xử lý các tác vụ như con người - đang mở ra kỳ vọng mới về việc thay đổi toàn bộ cách vận hành của nhà máy, bệnh viện, và thậm chí cả hộ gia đình.

Những “gã khổng lồ” trong ngành như ABB của Thụy Sĩ, Fanuc của Nhật Bản hay Kuka của Đức đều đang tăng tốc đầu tư vào robot công nghiệp và robot cộng tác (cobot) - loại máy có thể làm việc an toàn bên cạnh con người. ABB từng tạo dấu mốc vào năm 2022 khi trở thành hãng đầu tiên bán được 100.000 robot. Tuy nhiên, lợi nhuận từ lĩnh vực này vẫn khiêm tốn so với tổng doanh thu khổng lồ của tập đoàn.

Dù tiềm năng lớn, thực tế cho thấy thuế quan và sự bất ổn chính sách đang khiến làn sóng robot chững lại. Tại Mỹ - nơi từng là cái nôi của đổi mới công nghệ - các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo ô tô đang trở nên dè dặt hơn trong việc đầu tư mở rộng hoặc nâng cấp dây chuyền tự động hóa. Các mức thuế cao, đặc biệt với hàng hóa từ Trung Quốc, đang tác động tiêu cực đến niềm tin thị trường, khiến nhiều dự án bị trì hoãn hoặc tạm dừng.

Không chỉ vậy, trong khi Mỹ có những công ty khởi nghiệp tiềm năng như Apptronik và Figure AI, thì chuỗi cung ứng của họ vẫn phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc - đặc biệt là với các thành phần cốt lõi như bộ truyền động (actuator), thiết bị biến đổi tín hiệu điện thành chuyển động vật lý. Đây là bộ phận chiếm tới hơn 50% chi phí nguyên vật liệu trong sản xuất robot, theo tính toán của Ngân hàng Mỹ (Bank of America).

Trung Quốc cũng là nơi sản xuất phần lớn nam châm vĩnh cửu - thành phần thiết yếu để chế tạo động cơ robot. Ngay cả Elon Musk cũng từng công khai thừa nhận việc gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung nam châm cho robot Optimus của Tesla. Những gián đoạn trong nguồn cung hoặc chi phí leo thang có thể đảo ngược hoàn toàn tiến trình phát triển ngành công nghiệp robot của Mỹ.

Ngã ba đường

Thực tế cho thấy Trung Quốc không chỉ là nhà cung cấp linh kiện chính, mà còn là một trong những quốc gia đi đầu về phát triển và ứng dụng robot. Hơn một nửa số robot trên toàn thế giới hiện được lắp đặt tại Trung Quốc, theo các thống kê gần đây. Về sản xuất, nước này đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Nhật Bản, nhưng vượt xa Đức - quốc gia xếp hạng 3, với sản lượng gấp 4 lần.

Trong lĩnh vực robot hình người, Trung Quốc cũng cạnh tranh trực tiếp với Mỹ. Một ví dụ tiêu biểu là UBTech, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, từng được đánh giá là dẫn đầu thế giới trong phân khúc robot hình người. Khi niêm yết vào năm 2023, công ty đã có hơn 900 khách hàng doanh nghiệp tại 50 quốc gia.

Tuy nhiên, dấu hiệu giảm nhiệt cũng đang xuất hiện. Tháng này, UBTech đã giảm dự báo xuất xưởng robot công nghiệp hình người từ 1.000 xuống còn 500 đơn vị. Điều này khiến các nhà phân tích tại Citigroup hạ dự báo doanh thu của công ty năm nay tới 17%, một tín hiệu không mấy lạc quan cho kỳ vọng mà các ông lớn như Musk đặt vào thị trường robot hình người.

Thị trường robot toàn cầu đang ở ngã ba đường: một mặt là khát vọng đổi mới và tự động hóa quy mô lớn, mặt khác là các rào cản về địa chính trị, chi phí và chuỗi cung ứng. Mỹ vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán vừa muốn thúc đẩy phát triển công nghệ trong nước, vừa không thể hoàn toàn tách rời khỏi nguồn cung từ Trung Quốc.

Việc duy trì các mức thuế cao đối với thiết bị và linh kiện robot nhập khẩu từ Trung Quốc, như hiện nay, dù giúp bảo vệ ngành sản xuất nội địa trong ngắn hạn, lại đang khiến việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như robot trở nên chậm chạp hơn. Trong kịch bản đó, nghịch lý có thể xảy ra: càng chậm ứng dụng robot, con người càng giữ được việc làm lâu hơn, ít nhất là trong một số ngành nghề đặc thù.

Tuy nhiên, chiến lược dài hạn vẫn cần một hướng đi bền vững. Các doanh nghiệp Mỹ cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu phát triển (R&D), đồng thời mở rộng chuỗi cung ứng sang các quốc gia thứ ba như Việt Nam, Ấn Độ hay Mexico - những nơi đang nỗ lực trở thành mắt xích thay thế cho Trung Quốc.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tham-vong-robot-bi-thu-thach-thue-quan-va-chuoi-cung-ung-can-duong-cong-nghe-tuong-lai-231948.html