Tọa lạc trên con đường Bạch Đằng (TP Huế, tỉnh TT-Huế) với diện tích khoảng 10.000m2, chùa Diệu Đế là một trong ba ngôi Quốc tự còn lại đến nay ở TT-Huế.
Chùa Diệu Đế được vua Thiệu Trị cho xây dựng năm 1844. Đến năm 1887, các công trình chính của chùa đều bị triệt giải.
Từ năm 1953 - 1955, Hòa thượng trụ trì Diệu Hoằng đứng ra tái kiến thiết cùng với sự kêu gọi đóng góp của bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại. Tuy nhiên, trải qua sự bào mòn của thời gian, ngôi chánh điện Đại Hùng trong khuôn viên chùa bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Thượng tọa Thích Hải Đức - trụ trì chùa Diệu Đế cho biết, nhằm giữ gìn những giá trị lịch sử và không làm mất đi vẻ đẹp, nét cổ kính của ngôi Quốc tự, nhiều tháng trước, chùa đã thuê “thần đèn” Nguyễn Văn Cư (ở TP.HCM) đến khảo sát, lên phương án di dời ngôi chánh điện Đại Hùng có trọng lượng khoảng 1.000 tấn lùi về phía sau khoảng 18m.
Chánh điện Đại Hùng trong khuôn viên chùa Diệu Đế. Nơi này, ngoài các di vật quý giá liên quan tới nhà Nguyễn, lưu giữ nét kiến trúc đặc thù của chùa Huế, còn được biết tới bởi tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, đó là bức bích họa chủ đề "Long vân khế hội" (còn gọi là "Cửu long ẩn vân"), vẽ 5 con rồng ẩn hiện trong mây trên trần chánh điện cùng 4 con rồng trên 4 cột trụ nội điện.
Tác phẩm này được thực hiện sau lần trùng tu vào năm 1953, được xác định thuộc phong cách bích họa cung đình, cùng nét vẽ trên trần lăng Khải Định. Tương truyền, tác phẩm do Phan Văn Tánh, nghệ nhân cung đình đã vẽ bích họa ở lăng Khải Định thực hiện, tuy vẫn chưa có cứ liệu lịch sử xác nhận điều này.Tháng 3/2008, bức bích họa được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam”.
Theo ông Nguyễn Văn Cư, quá trình khảo sát hiện trạng ngôi chánh điện hơn 70 tuổi, ông cùng các cộng sự nhận thấy hiện trạng tường bị nứt nhiều chỗ, nhiều hạng mục đã mục nát nên phương án đưa ra làm sao đổ được một hệ đà dưới ôm tất cả các hệ tường và cột ở trên ngôi chánh điện để tiến hành dịch chuyển.
“Thực hiện phương án này khá vất vả, việc đào móng gỡ ra để làm hệ đà này phải thực hiện từng đoạn 1 - 1,2m vì nếu gỡ dài hơn sẽ làm tường chánh điện bị sập.
Quá trình gỡ phải kê lót, làm sắt đưa vào rồi mới đổ đà, dưới đà phải chêm lót. Tất cả các đà ngang và đà dọc tổng chiều dài là 180m”, ông Cư chia sẻ.
Những ngày qua, sau khi đổ hệ đa kiềng phía dưới để đỡ lấy tòa nhà và hoàn tất việc nâng móng, ông Cư huy động 10 công nhân cùng máy móc chuyên dụng gồm 4 ben thủy lực, 2 máy vận hành, hàng chục máy kích và gần 900 con lăn để dịch chuyển ngôi chánh điện chùa Diệu Đế.
Công nhân khoan tạo lỗ hổng, dùng kích để đưa con lăn vào móng
Máy vận hành cùng hệ thống kích thủy lực phục vụ công tác di dời, dịch chuyển ngôi chánh điện nặng hơn 1.000 tấn
Tại những điểm nứt, đặc biệt là các ô cửa, đội ngũ kỹ thuật đã đặt ống sắt và gỗ chịu lực để chống nhằm cố định. Công trình ngôi chánh điện ước tính nặng hơn 1.000 tấn, để kéo được phải tạo 14 đường lăng trên ván với sự phối hợp của máy móc và quá trình dịch chuyển không cho phép "sai số"
Sau 3 ngày bắt tay vào triển khai, ngôi chánh điện Đại Hùng đã được ông Cư cùng các công nhân dịch chuyển về sau khoảng 6m so với vị trí ban đầu
Theo "thần đèn" Nguyễn Văn Cư, nếu thời tiết thuận lợi, việc di dời ngôi chánh điện sẽ hoàn tất trong 10 ngày, sau đó mất thêm 4 ngày để nâng tòa chánh điện lên cao thêm 5cm.
Thượng tọa Thích Hải Đức - trụ trì Quốc tự Diệu Đế cho biết, mục đích việc di dời ngôi chánh điện để tạo không gian khoáng đãng, phù hợp với sinh hoạt trong chùa cũng như tổ chức các lễ hội, đặt biệt là bảo vệ di tích còn lại của các bậc tiền nhân.
“Sau khi dịch chuyển, nhà chùa sẽ lên phương án trùng tu, sửa chữa để ngôi chánh điện trở thành ngôi nhà tổ thờ Phật, thờ vua, thờ pháp khí còn lại của chùa, chỉnh trang lại xung quanh để sinh hoạt”, Thượng tọa Thích Hải Đức nói.
Quang Thành