Thận trọng khi tự điều trị cúm
Trước tình trạng gia tăng số bệnh nhân bị cúm mùa, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần tăng cường biện pháp phòng bệnh và không tự ý điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng virus. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định có thể khiến bệnh trở nặng hơn.
Nhu cầu tiêm vaccine phòng cúm tăng cao
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thống kê, tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận nhiều ca mắc cúm mùa. Các ca mắc cúm hiện tại chưa ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Theo Sở Y tế TPHCM, tại thành phố, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận, có khoảng 2.900 ca được chẩn đoán cúm trên lâm sàng trong năm 2024. Trong đó, 11 ca bệnh nặng và không có trường hợp tử vong. Hiện có 20 trường hợp cúm đang điều trị nội trú tại các bệnh viện. Thành phố chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm.
Mặc dù kiểm soát tốt tình hình bệnh cúm song, giới chuyên gia trong ngành khẳng định, cần phải thận trọng phòng bệnh, nhất là những đối tượng nguy cơ cao. BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC thông tin, theo Hiệp hội Hô hấp châu Âu, ở người cao tuổi, cúm mùa có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 8 lần, nguy cơ đau tim và nhồi máu cơ tim gấp 10 lần, nguy cơ viêm phổi là 8 lần. Người mang thai mắc cúm cũng thường lâu khỏi bệnh hơn và có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hơn. Trong đó, viêm phổi là biến chứng nguy hiểm nhất. Virus cúm còn tác động lên thai nhi, tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, thai ngừng phát triển...
Lo lắng với bệnh cúm và ý thức phòng bệnh cao hơn nên những ngày đầu tháng 2, các hệ thống tiêm chủng ghi nhận lượng lớn người dân đến tiêm vaccine phòng cúm. Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, số lượt người dân tiêm vaccine phòng cúm tăng cao, gấp 10 lần so với ngày thường tại gần 220 trung tâm tiêm chủng cả nước. Đặc biệt, nhiều gia đình và đại gia đình chủ động đi tiêm vaccine, trong đó có đại gia đình hơn 20 thành viên. Theo hệ thống này, người đến tiêm gồm trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh nền chiếm tỷ trọng lớn.
Theo BS Chính, những người tiêm vaccine phòng cúm có nguy cơ phải vào viện chăm sóc đặc biệt (ICU) thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong do cúm thấp hơn 31% so với người chưa tiêm. Ở người cao tuổi và mắc bệnh nền, vaccine giúp giảm 70 - 80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Tiêm cúm giúp thai phụ giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm.
Ghi nhận từ Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu cho thấy, đầu năm 2025, số lượt người dân đến tiêm chủng tăng 5% so với cuối năm trước. Đặc biệt, nhu cầu tiêm vaccine phòng cúm và phế cầu tăng gấp đôi trong vòng 1 - 2 tháng qua. Điều này xuất phát từ sự gia tăng nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc phòng bệnh trước tình hình bệnh cúm diễn ra trên diện rộng.
Tự dùng thuốc trị cúm - lợi bất cập hại
Lo mắc cúm, người dân không chỉ đi tiêm vaccine, nhiều người còn lo lắng đến mức tự mua thuốc về uống. Bà Hoàng Thị Hà (ở TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết: “Tôi ho, sổ mũi, đau đầu mấy ngày nay nên tự ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống mà không bớt. Nghe nói thuốc Tamiflu điều trị cúm rất tốt nhưng ra tiệm thuốc tây mua thì người ta báo hết”.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không tự uống thuốc điều trị cúm. Ông Châu Thanh Tú - Dược sĩ trưởng Hội đồng chuyên môn dược (Hệ thống nhà thuốc và Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu), khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Phải có chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc Tamiflu (Oseltamivir). Thường chỉ dùng thuốc này trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng. Ông Tú cho biết, đa phần bệnh cúm thường tự khỏi sau 5 - 7 ngày hoặc kéo dài hơn, tùy theo sức đề kháng mỗi người.
BS Bạch Thị Chính lưu ý, khi có triệu chứng bệnh như ho, sốt, nhức mỏi cần khám sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh. Mọi người không nên tự ý điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng virus. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định có thể khiến bệnh trở nặng hơn. Vi khuẩn tấn công tế bào từ bên ngoài, còn virus sẽ bám vào các tế bào khỏe mạnh và nhân lên. Do đó, kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn, song không tiêu diệt được virus. Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh và kháng virus có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, tăng nguy cơ ngộ độc, kháng thuốc khi sử dụng không đúng chỉ định.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – nguyên trưởng khoa Y tế Công cộng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TPHCM nhấn mạnh, người dân không tự ý sử dụng thuốc Tamiflu để điều trị cúm. Tự sử dụng Tamiflu trong điều trị cúm sẽ có 3 tác hại cho bản thân, đó là không hiệu quả, có thể gây hại vì những tác dụng phụ, mất cơ hội điều trị hiệu quả và phù hợp. Bên cạnh đó, có 2 tác hại cho cộng đồng. Cụ thể, khi đầu cơ thì người muốn dùng không có thuốc dùng hoặc dùng thuốc với giá cao; khi tự uống thuốc sẽ tăng khả năng kháng thuốc, gây khó cho công tác điều trị bệnh. Ông Dũng khuyến cáo, để phòng bệnh cúm người dân thường nên xuyên rửa tay, khử khuẩn các bề mặt vật dụng sinh hoạt, không tiếp xúc với người bệnh, thường xuyên đeo khẩu trang nơi đông người. Cần biết cá nhân thuộc nhóm nguy cơ nào để phòng tránh tốt và nên điều trị tốt các bệnh nền. Đồng thời, nên tiêm vaccine phòng bệnh cúm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/than-trong-khi-tu-dieu-tri-cum-10299734.html