Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
Đồ ăn vặt trước cổng trường tiềm ẩn nhiều mối nguy hại tới sức khỏe nhưng lại là sở thích 'khó cưỡng' của nhiều học sinh. Để phục vụ các 'thượng đế nhí', hàng ngày, vào giờ tan trường, các xe hàng rong bán đồ ăn vặt cũng nhanh chóng 'tập kết' gần các trường học với đủ loại đồ ăn, thức uống.
Dạo quanh các trường trên địa bàn TP Thanh Hóa vào giờ tan học, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các em học sinh tụ tập xung quanh các quầy bán quà vặt để mua, ăn uống ngon lành mà không cần biết đến nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng và độ an toàn thực phẩm. Với món “xiên bẩn” - tên gọi chung của các món ăn vặt như cá viên, thịt viên, hồ lô, xúc xích, nem chua được xiên vào các que nhỏ và chiên ngập trong dầu, luôn được các em học sinh rất thích, nhất là trong thời tiết se lạnh như những ngày vừa qua.
Em Nguyễn Thành Long, học sinh Trường THCS Minh Khai, chia sẻ: “Sau giờ tan học cũng là lúc bụng đói nên mùi thơm của món “xiên bẩn” có sức hút khó cưỡng, trong khi giá thành mỗi que xiên rẻ, chỉ dao động từ 5.000 đến 10.000 đồng. Món này ăn kèm với gia vị sốt chấm là tương ớt, tương cà, hấp dẫn vô cùng. Bố mẹ cháu cấm, không cho mua đồ ăn vặt trước cổng trường, cô giáo chủ nhiệm lớp cũng thường xuyên nhắc nhở vào các buổi sinh hoạt hàng tuần nhưng thi thoảng cháu vẫn lén mua ăn cho đỡ thèm”.
Món “xiên bẩn” mà các em học sinh thích được làm chủ yếu từ nguyên liệu bột tẩm gia vị, còn thịt, cá, tôm... nhiều hay ít thì chỉ những người bán mới biết, thậm chí không biết vì mua nguyên liệu chế biến sẵn về chiên bán. Dầu ăn thì dùng chiên đi chiên lại nhiều lần đến mức ngả sang màu vàng đen. Que xiên được người bán gom lại để tái sử dụng nên rất mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xếp sau “xiên bẩn” là món chân gà được đóng gói sẵn trong bao bì có chữ nước ngoài với màu sắc rực rỡ, bắt mắt. Món này có vị chua cay và mùi thơm hấp dẫn. Tuy nhiên, vì không rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng nên có những túi chân gà để lâu đã chuyển sang mùi khó chịu, thậm chí trên chân gà xuất hiện các vệt mốc nhưng các em vẫn ăn và bao biện là đã mất tiền mua phải ăn cho hết, với lại trước đây cũng mua ăn nhưng không thấy có biểu hiện gì.
Với món mỳ xào, mỳ trộn được xào với các gia vị sa tế, xì dầu, nước sốt cay thì có giá đắt hơn, từ 15.000 đến 30.000 đồng/suất. Món que cay có vị cay nồng, màu đỏ rực, được đóng gói trong bao bì có chữ nước ngoài có giá thấp nhất, chỉ 2.000 đồng/gói. Món trà sữa, trà chanh, thức uống có ga được chế biến với hương liệu thơm, được đóng sẵn vào cốc hoặc chai nhựa có màu sắc bắt mắt, giá dao động từ 5.000 đến 10.000 đồng/cốc. Những gói ô mai cay, mặn, ngọt cùng rất nhiều đồ ăn vặt khác được bày bán tràn lan, có loại trên bao bì ghi chữ tiếng Việt, có loại ghi chữ nước ngoài, nhưng phần lớn trên bao bì không ghi rõ hạn sử dụng, tem nhãn phụ... rất khó để kiểm chứng.
Thực tế đã có nhiều vụ việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm liên quan đến quà vặt cổng trường khiến các bậc phụ huynh và các thầy, cô giáo lo lắng. Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa dịp đầu năm đã tiếp nhận 2 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Được hội chẩn đều bị hôn mê, hội chứng não cấp, rối loạn nhịp tim nặng và theo dõi ngộ độc do ăn bim bim, mỳ cay mua tại cửa hàng tạp hóa và được theo dõi ngộ độc. 2 em phải điều trị tới 16 ngày mới bình phục sức khỏe.
Là người mẹ có con từng bị ngộ độc thực phẩm do ăn đồ ăn vặt mua gần cổng trường học, chị Lê Thị Lan ở phường Đông Cương, cho biết: Từ khi con bị ngộ độc thực phẩm, nghe bác sĩ tư vấn, khuyến cáo, nói về sự nguy hại của thực phẩm “bẩn”, tôi đã không đưa tiền tiêu vặt cho con, cấm con không được mua đồ ăn vặt bán trước cổng trường và tự tay chế biến đồ ăn sáng ở nhà cho con...
Trước ma trận đồ ăn vặt ngoài cổng trường tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, các nhà trường đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Cô giáo Đỗ Thị Dung, Phó hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, cho biết: “Để phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các em học sinh, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở học sinh trong buổi sinh hoạt đầu tuần và cuối tuần. Kết nối zalo với phụ huynh để phối hợp nhắc nhở con em không mua đồ ăn vặt ngoài cổng trường mang vào lớp, không ăn quà vặt trong lớp. Giao đội cờ đỏ tăng cường kiểm tra đầu giờ, cuối giờ học, nếu phát hiện bạn nào ăn quà vặt sẽ báo cáo tổng phụ trách để có hướng giải quyết. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với chính quyền phường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra, kiểm soát chất lượng đồ ăn, cảnh báo về mối nguy hại của thực phẩm không rõ nguồn gốc và cấm bán hàng rong trước cổng trường”.
Không chỉ Trường THCS Quang Trung mà các trường đều có các biện pháp để ngăn ngừa, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, ngoài giờ học, các trường rất khó quản lý, kiểm soát các em học sinh. Vì vậy, bằng cách này hay cách khác, các em vẫn mua được những món đồ ăn vặt bán ngoài cổng trường. Để chấn chỉnh tình trạng bán hàng rong, bán đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm chứa chất kích thích gần khu vực trường học, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở của nhà trường, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát; điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Xử phạt nghiêm minh với những người vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện kinh doanh xung quanh khu vực trường học. Đối với các bậc phụ huynh, để bảo đảm sức khỏe cho con mình, cần chủ động cho con ăn uống ở nhà đầy đủ, đồng thời nhắc nhở con em mình nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận thức về việc tạo dựng thói quen ăn uống các thực phẩm an toàn, lành mạnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tránh xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/than-trong-voi-do-an-vat-truoc-cong-truong-34040.htm