Tháng 11 sẽ tiến hành sửa chữa dự án BOT Quốc lộ 19 qua Bình Định, Gia Lai

Dự kiến trong tháng 11, sau khi được Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận kế hoạch sửa chữa, nhà đầu tư sẽ tiến hành sửa chữa tổng thể mặt đường Quốc lộ 19, đặc biệt những đoạn tuyến qua tỉnh Bình Định.

Dù được đặt hai trạm thu phí để hoàn vốn, nhưng qua hơn 8 năm qua thu phí, phương án tài chính của dự án BOT Quốc lộ 19 đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Dù được đặt hai trạm thu phí để hoàn vốn, nhưng qua hơn 8 năm qua thu phí, phương án tài chính của dự án BOT Quốc lộ 19 đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Liên quan đến phản ánh chậm khắc phục sửa chữa đường hư hỏng trên Quốc19 qua địa bàn tỉnh Bình Định, chiều 21/10, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 (doanh nghiệp dự án) cho biết, sau 8 năm đi vào khai thác, nhiều đoạn tuyến trên Quốc lộ 19 đã bị hư hỏng cần được sửa chữa. Dự kiến trong tháng 11 tới sau khi được Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận kế hoạch sửa chữa, nhà đầu tư sẽ tiến hành sửa chữa tổng thể mặt đường, đặc biệt những đoạn tuyến qua tỉnh Bình Định.

Ông Nguyễn Trung Dũng cho hay: “Hàng tháng doanh nghiệp dự án đều yêu cầu đơn vị phụ trách bảo trì, duy tu trên tuyến tiến hành sửa chữa những đoạn tuyến bị hư hỏng đảm bảo giao thông êm thuận. Tuy nhiên đợt mưa lũ vừa qua gây ngập đường dẫn đến nhiều đoạn tuyến bị hư hỏng nặng hơn. Vì vậy để sửa chữa đảm bảo chất lượng công trình thì phải tiến hành trung tu. Còn nếu chỉ sửa chữa vá ổ trâu, ổ gà thì không đảm bảo chất lượng gây lãng phí".

Về kinh phí sửa chữa đợt này, theo ông Nguyễn Trung Dũng, doanh thu thu phí của dự án hiện chỉ đảm bảo 50-60% phương án tài chính trong khi đó sau gần 9 năm dự án không được tăng phí theo phương án tài chính dẫn đến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, nhà đầu tư đã phải bù thêm 284 tỷ đồng để trả gốc cho khoản vay từ các tổ chức tín dụng cho dự án. Tuy nhiên, với trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng cũng như nhận thức việc đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến là trên hết, nhà đầu tư đang tích cực huy động các nguồn vốn khác để thực hiện sửa chữa, duy tuy dự án. Dự kiến kinh phí sửa chữa vào khoảng 75 tỷ đồng.

Cụ thể, ông Nguyễn Trung Dũng cho biết, trong tuần tới, với mục tiêu sửa chữa khôi phục phần mặt đường bị hư hỏng, hệ thống thoát nước, qua đó đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao khả năng khai thác trên tuyến, doanh nghiệp dự án sẽ trình Cục Đường bộ Việt Nam xem xét thỏa thuận kinh phí trung tu đợt 1 đoạn tuyến từ Km 17+054,51-Km 50, Quốc lộ 19 trên địa bàn tỉnh Bình Định và đoạn Km 90+-Km 131+300 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

“Nếu được Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận phương án sửa chữa, doanh nghiệp dự án dự kiến ngày 20/11/2022 sẽ bắt đầu triển khai thi công trên tuyến và hoàn thành công việc này trước ngày 10/1/2023”, ông Nguyễn Trung Dũng chia sẻ.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km 17+054,51 - Km 50+00 trên địa phận tỉnh Bình Định và Km 108+00 - Km 131+300 trên địa phận tỉnh Gia Lai theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư 1.460 tỷ đồng gồm: Vốn nhà đầu tư 279,5 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng 1.180 tỷ đồng, thời gian dự kiến hoàn vốn trong 20 năm 6 tháng 19 ngày.

Một đoạn tuyến Quốc lộ 19 được nâng cấp, cải tạo bằng nguồn vốn BOT do Tổng công ty 36 thực hiện. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Một đoạn tuyến Quốc lộ 19 được nâng cấp, cải tạo bằng nguồn vốn BOT do Tổng công ty 36 thực hiện. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Lãnh đạo Công ty TNHH BOT 36.71 (doanh nghiệp dự án) chia sẻ, dù được đặt hai trạm thu phí để hoàn vốn, nhưng qua hơn 8 năm qua thu phí, phương án tài chính của dự án BOT Quốc lộ 19 đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ, doanh thu thâm hụt trầm trọng khi nguồn thu từ thu phí chỉ đủ trả lãi ngân hàng do dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết, nhất là việc thay đổi cơ chế chính sách: Dự án phải miễn giảm phí, mức phí thấp hơn phương án ban đầu, không được tăng phí theo lộ trình…

Về phía nhà đầu tư, đại diện lãnh đạo Tổng công ty 36 cho biết, nguồn thu tại dự án thâm hụt ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch vốn, kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty 36. Đặc biệt là ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ theo hợp đồng tín dụng giữa Tổng công ty 36 đã ký với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Cụ thể, hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Vietinbank đã xác định thời hạn vay cho dự án là 13 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, trong khi đó, thời gian hoàn vốn theo phương án tài chính của hợp đồng được dự kiến là 20 năm 6 tháng 19 ngày.

“Nếu tiếp tục phải bù lỗ kéo dài trong các năm tiếp theo, đặc biệt lưu lượng xe và mức phí không tăng, doanh thu vẫn giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, định hướng phát triển và sự tồn tại của doanh nghiệp”, đại diện nhà đầu tư cho biết./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thang-11-se-tien-hanh-sua-chua-du-an-bot-quoc-lo-19-qua-binh-dinh-gia-lai/262825.html