Tháng 7/2023 dự báo là tháng nắng nóng kỷ lục trong hơn 100.000 năm qua
Theo các nhà khoa học, tháng 7/2023 là tháng nắng nóng kỷ lục cho đến nay và có thể là tháng nóng nhất trong hơn 100.000 năm qua.
Với ba tuần đầu tháng 7/2023 ghi nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn bất kỳ thời điểm nào, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc Liên Hợp Quốc và Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của châu Âu (C3S) cho biết "rất có khả năng tháng 7/2023 sẽ là tháng 7 nóng nhất, đồng thời là tháng nóng nhất trong hơn 100.000 năm qua.
Theo Trung tâm Dự báo môi trường quốc gia Mỹ, ngày 6/7 vừa qua là ngày nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu.
Trong bối cảnh nhiều đợt nóng đang bùng phát trên toàn thế giới, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong ngày 6/7 đạt mức 17,01°C, vượt qua mức 16,92°C được ghi nhận vào tháng 8/2016.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 7 đã phá nhiều kỷ lục. Thông thường các kỷ lục về nhiệt độ trung bình toàn cầu bị phá vỡ theo thang phần trăm độ. Tuy nhiên, nhiệt độ trung bình toàn cầu 23 ngày đầu tiên trong tháng 7 là 16,95 độ C, cao hơn nhiều so với kỷ lục 16,63 độ C trước đó vào tháng 7/2019. Dữ liệu được ghi nhận hồi những năm 1940 đến nay.
Phó giám đốc cơ quan Copernicus - Samantha Burgess cho biết đây là nhiệt độ nóng nhất trong lịch sử loài người.
Trong tháng 7 này, nắng nóng gay gắt đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở nhiều nước châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ, kèm theo đó là các vụ cháy rừng trên khắp Canada và nhiều nước Nam Âu. Nắng nóng gây ra các vấn đề về sức khỏe như sốc nhiệt, mất nước hay đau tim. Nhiệt độ cao cũng ảnh hưởng đến sản lượng mùa màng, khiến sông băng tan chảy và làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.
Phó giám đốc cơ quan Copernicus - Samantha Burgess cho biết: ''biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiệt độ cao cực đoan. Nhiệt độ trong không khí toàn cầu tỷ lệ thuận với nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển".
Một nghiên cứu cho thấy, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn tới các đợt nắng nóng khủng khiếp ở Mỹ, Trung Quốc và Nam Âu vào mùa hè này.
Hiện tượng El Nino sẽ có ảnh hưởng lớn hơn vào năm tới, có khả năng sẽ đẩy nhiệt độ năm 2024 lên cao hơn nữa.
Trước thực trạng trên, nhà khoa học khí hậu Kim Cobb tại Đại học Brown thậm chí còn đưa ra lời cảnh báo rằng trong một thập kỷ nữa, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng, khiến cho khi chúng ta nhìn lại thì năm nay còn là một năm "tương đối mát mẻ". Mọi người sẽ sốc với nền nhiệt sẽ tăng lên trong tương lai.
Theo ông Petteri Taalas - Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), giảm phát thải khí nhà kính đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Đây là điều bắt buộc để giảm nhẹ những tác động của biến đổi khí hậu.