Tháng 7/2023 là tháng nóng nhất trong 120.000 năm
Theo báo cáo các nhà khoa học khí hậu từ Liên minh châu Âu và Tổ chức Khí tượng Thế giới ngày 27/7, tháng 7 hiện nay gần như là tháng nóng nhất được ghi nhận trên Trái Đất trong khoảng thời gian hơn 100.000 năm qua.
Nền nhiệt trong tháng 7 theo các báo cáo từ Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu và Tổ chức Khí tượng Thế giới nhận định đã khắc nghiệt đến mức “hầu như chắc chắn” sẽ phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ “với một biên độ đáng kể”.
Hãng tin CNN trích dẫn báo cáo cho biết các kỷ lục nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới thường bị phá vỡ theo biên độ phần trăm, tương đương với một mức tăng nhỏ. Tuy nhiên, nhiệt độ trong 23 ngày đầu tiên của tháng 7 đạt mức trung bình 16,95 độ C, cao hơn nhiều so với kỷ lục trước đó là 16,63 độ C được thiết lập vào tháng 7/2019.
Bà Samantha Burgess, phó giám đốc Copernicus, khẳng định: “Đây là nhiệt độ nóng nhất trong lịch sử loài người”. Trong khi đó, ông Carlo Buontempo, giám đốc của Copernicus, cho biết có khả năng cao mùa hè tại Bắc bán cầu năm nay sẽ đạt kỷ lục chưa từng có.
Dữ liệu dùng để theo dõi các thông số này bắt đầu được ghi chép từ năm 1940. Dù vậy, báo cáo Copernicus khẳng định có khả năng cao nhiệt độ ghi nhận trong tháng 7 là cao nhất mà Trái Đất từng ghi nhận trong 120.000 năm qua dựa trên các thông tin thu thập được về khí hậu Trái Đất trong quá khứ thông qua việc nghiên cứu vòng cây, rạn san hô và lõi trầm tích biển sâu.
Nhiệt độ cao đang gây ra ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và thậm chí cả tính mạng con người. Tại khu vực Địa Trung Hải, đã có hơn 40 người thiệt mạng do nhiệt độ cao dẫn tới cháy rừng trong khi tại châu Mỹ, nhiệt độ chạm ngưỡng 50 độ tại một số nơi khiến nhiều người bị cháy da và làm gia tăng số ca tử vong liên quan tới nhiệt độ.
Theo CNN trích dẫn nhận định của bà Burgess, biến đổi khí hậu do con người gây ra chính là nguyên nhân chính gây ra sức nóng bất thường này do “nhiệt độ không khí toàn cầu tỷ lệ thuận với nồng độ khí nhà kính trong khí quyển”. Sự xuất hiện của hiện tượng El Ninõ tuy không có tác động lớn đến nhiệt độ vì nó vẫn đang trong giai đoạn phát triển nhưng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong năm tới và có khả năng sẽ đẩy nhiệt độ cao hơn nữa.
Thông tin tháng 7 sẽ là tháng nóng nhất xuất hiện trong bối cảnh hàng loạt kỷ lục đáng báo động liên tiếp bị phá vỡ trong mùa hè này. Copernicus ghi nhận tháng 6 là nóng nhất từng được ghi nhận và tháng 7 tới ngay lập tức phá vỡ kỷ lục này. Ngày 6/7, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng lên 17,08 độ C theo dữ liệu của Copernicus, đánh bại kỷ lục nhiệt độ trước đó là 16,8 độ C được thiết lập vào tháng 8/2016.
Trên thực tế kể từ ngày 3/7, mỗi ngày trôi qua sau đó đều nóng hơn kỷ lục của năm 2016. Bà Burgess nhận định: “Năm 2023 đã trôi qua 7 tháng và hầu như tháng nào trong năm nay cũng nằm trong top 5 tháng nóng nhất được ghi nhận”. Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài sang mùa thu và mùa đông, bà dự đoán năm 2023 có thể trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận.
Theo ông Petteri Taalas, Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới, thời tiết của tháng 7 cho thấy “thực tế khắc nghiệt của biến đổi khí hậu”. Ông khẳng định “nhu cầu giảm phát thải khí nhà kính đang cấp bách hơn bao giờ hết” và “hành động chống biến đổi khí hậu không phải là một điều xa xỉ mà là một điều bắt buộc”.