Tháng Ba, trên quê hương Ba Tơ anh hùng

Những ngày này, trên khắp miền quê cách mạng Ba Tơ, người dân lại nhớ về không khí hào hùng của Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ diễn ra 78 năm trước (11/3/1945). Niềm tự hào ấy đi cùng năm tháng, có sức sống trường tồn, là động lực để nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Ba Tơ đoàn kết xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tự hào truyền thống cách mạng

Trò chuyện với chúng tôi, nguyên Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Phạm Viết Nho khẳng định, thắng lợi của Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thể hiện tài trí trong tổ chức và hành động của các nhà hoạt động cách mạng ở Quảng Ngãi. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thành công đánh dấu một mốc son lịch sử, tạo đà cho phong trào cách mạng ở tỉnh Quảng Ngãi, Liên khu 5 và cả nước phát triển mạnh mẽ, mở ra những thắng lợi to lớn để giành lại độc lập dân tộc. Nhân dân Ba Tơ gọi đây là cuộc khởi nghĩa diệu kỳ.

Học sinh đến tham quan Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: Đoàn Vương Quốc

Học sinh đến tham quan Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: Đoàn Vương Quốc

Rồi ông Nho lý giải, gọi đây là cuộc khởi nghĩa diệu kỳ bởi vì từ những người hoạt động chính trị, bị Pháp bỏ tù, bị giam lỏng ở Căng an trí Ba Tơ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã trở thành những chiến sĩ cách mạng trung kiên, chớp thời cơ, vận động đồng bào các dân tộc ở Ba Tơ tiến hành khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền. Ngay sau đó, Đội du kích Ba Tơ được thành lập và trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi. Nhiều người sau này trở thành những cán bộ lãnh đạo, tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Trên quê hương Ba Tơ hôm nay, những di tích về cuộc khởi nghĩa đã được Nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đội du kích Ba Tơ được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 5 xã, thị trấn ở huyện Ba Tơ được công nhận là vùng An toàn khu.

Những ngày này, huyện Ba Tơ đang tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, ý nghĩa lịch sử của Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Thông qua đó, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Ba Tơ; giới thiệu với công chúng trong và ngoài huyện các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc Hrê Ba Tơ về quá trình hình thành, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa. Từ ngày 9 - 11/3, tại thị trấn Ba Tơ sẽ diễn ra hội trại giới thiệu, trưng bày các mặt hàng truyền thống của địa phương, gồm sản phẩm nông - lâm - thủy sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống; tổ chức biểu diễn văn nghệ, hoạt động thể thao truyền thống của các dân tộc ở huyện Ba Tơ. Đặc biệt là, không gian ẩm thực với các món ăn dân dã; hội trại với các hoạt động trải nghiệm như giã lúa, dệt vải thổ cẩm; trình diễn chiêng 3 của dân tộc Hrê...

Bên cạnh đó, chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tiếp nối di sản", với màn trình diễn đặc sắc di sản văn hóa chiêng 3 của dân tộc Hrê huyện Ba Tơ hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những điều thú vị. Ngoài ra, các hoạt động như trình diễn di sản dệt vải thổ cẩm Làng Teng; lễ cầu mưa của dân tộc Hrê huyện Ba Tơ... cũng được tổ chức. Dịp này, huyện Ba Tơ vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử Chiến thắng Trà Nô (xã Ba Tô) và Di tích thắng cảnh thác Cao Muôn (xã Ba Vinh).

Phát huy sức trẻ

Nhắc về quá khứ hào hùng của đất và người Ba Tơ, Bí thư Huyện đoàn Ba Tơ Phạm Thị Chiến chia sẻ, tuổi trẻ quê hương đã và đang nỗ lực học tập, rèn luyện, làm việc để xứng đáng với sự hy sinh của cha anh đi trước. Với tuổi trẻ Ba Tơ, tháng Ba được xem là tháng cao điểm để đem sức trẻ xây dựng quê hương.

Chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày Khởi nghĩa Ba Tơ, đoàn viên, thanh niên huyện Ba Tơ đã chung sức làm hơn 10km đường giao thông nông thôn, sửa chữa hàng chục ngôi nhà xuống cấp cho người già, neo đơn; xây dựng hệ thống chiếu sáng trên một số tuyến giao thông bằng đèn năng lượng mặt trời; trao học bổng tiếp sức đến trường cho các em mồ côi... Cùng với đó, đoàn viên, thanh niên còn triển khai mô hình phát triển kinh tế để tạo kinh phí giúp đỡ người nghèo. Huyện đoàn Ba Tơ cũng đang khảo sát triển khai mô hình rửa xe, sửa xe gây quỹ ở một số địa phương để có kinh phí giúp đỡ các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trong phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, tuổi trẻ Ba Tơ luôn có những mô hình sáng tạo, phù hợp với thực tế địa phương. Điển hình là hoạt động bảo tồn giống sim rừng ở vùng thảo nguyên Bùi Hui. Đoàn viên, thanh niên đã khảo sát, trực tiếp đào những bụi sim mọc rải rác ở các triền đồi về trồng tại những rẫy sim quanh thảo nguyên. Việc gìn giữ, phát triển giống sim bản địa sẽ góp phần phát triển du lịch cho thảo nguyên Bùi Hui, tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng cao này.

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết, năm 2023, huyện sẽ tập trung triển khai các mô hình hỗ trợ người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Hiện nay, huyện đang phối hợp với một số doanh nghiệp triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn, nhằm giữ lại những vườn keo đến khi đủ tuổi mới thu hoạch, tạo giá trị lớn hơn cho người nông dân. Ngoài ra, địa phương còn triển khai mô hình trồng cây ăn quả, trồng măng tre, chăn nuôi gia súc... Nếu người dân gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, huyện sẽ làm cầu nối đưa vốn ưu đãi đến từng hộ, để triển khai các mô hình kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho các gia đình.

Trung tâm thị trấn Ba Tơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Đoàn Vương Quốc

Trung tâm thị trấn Ba Tơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Đoàn Vương Quốc

Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Tơ, nguồn vốn tín dụng dành cho hộ chính sách trên địa bàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu. Năm 2022, doanh số cho vay toàn huyện đạt 121 tỷ đồng, với 2.658 lượt hộ vay vốn. Tổng dư nợ đến hết năm 2022 đạt 350 tỷ đồng, với 15 chương trình tín dụng (6.996 hộ vay). Trong tháng 1/2023, phòng giao dịch phối hợp giải ngân hơn 7,7 tỷ đồng cho 170 lượt hộ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Hiện nay, đơn vị đang tập trung nhân lực triển khai cho vay ngay một số chương trình như cho vay hộ nghèo, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.

Ngoài ra, huyện Ba Tơ còn tập trung phát triển công nghiệp, trọng tâm là thu hút dự án chế biến gỗ và hỗ trợ các dự án thủy điện đang triển khai xây dựng trên địa bàn. Từ đó, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, tăng thu ngân sách để có nguồn kinh phí tái đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng vùng An toàn khu. Đồng thời, tập trung vận động nhân dân tích cực thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có ít nhất 3 xã về đích nông thôn mới trong năm 2023. Huyện cũng sẽ chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, kiên định thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần, không ngừng chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương.

THANH HUYỀN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/14484/202303/thang-ba-tren-que-huong-ba-to-anh-hung-3159619/