Thăng trầm làng sản xuất cốc 'cóc gặm'

Cốc 'cóc gặm' là tên gọi dân dã của những chiếc cốc thủy tinh có màu xanh đặc trưng, chuyên dùng để uống bia hơi suốt nhiều thập kỷ qua.

Chiếc cốc 'huyền thoại' dùng để uống bia có nhiều bọt khí bên trong.

Chiếc cốc 'huyền thoại' dùng để uống bia có nhiều bọt khí bên trong.

Đây là sản phẩm nổi tiếng của làng thổi thủy tinh Xối Trì, xã Nam Thanh (Nam Trực, Nam Định).

Một thời vàng son

Nếu ai từng uống bia hơi, ắt hẳn chẳng lạ gì chiếc cốc thủy tinh xù xì, màu xanh, có bọt khí nhỏ lốm đốm bên trong. Dù vẻ ngoài mộc mạc, thô ráp nhưng chiếc cốc ấy lại có sức hút lạ kỳ, rất được ưa chuộng ở những quán bia hơi Hà Nội và trở thành vật dụng khó thay thế suốt nhiều thập kỷ qua. Có lẽ, điều làm nên sức hút đặc biệt của chiếc cốc thủy tinh bọt này ở cách nó “giữ” hương vị bia.

Nhiều người cho rằng, chiếc cốc khiến việc uống bia không chỉ ngon miệng, mà còn “ngon mắt” bởi khi bia được rót vào, lớp thủy tinh nhám bên trong cốc giúp bọt bia bám lâu hơn, từng lớp bọt trắng mịn dâng lên, tràn qua miệng cốc, sóng sánh, khiến ly bia trông đậm đà và hấp dẫn hơn hẳn.

Có người còn đùa rằng, uống bia hơi mà không phải bằng cốc “cóc gặm” thì có khi mất ngon tới một nửa. Quen thuộc là thế, nhưng ít ai biết rằng những chiếc cốc xanh xù xì ấy được sản xuất ở làng thổi thủy tinh Xối Trì.

Nghề thổi thủy tinh xuất hiện ở Xối Trì đến nay đã được gần một thế kỷ, khi một người trong làng học nghề từ Trung Quốc về mở xưởng sản xuất rồi dạy những người trong làng làm theo. Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, khắp làng Xối Trì đều thi nhau sản xuất các sản phẩm thủy tinh như chai, lọ, cốc uống bia, đèn dầu, bóng đèn, bình be… nhưng sản phẩm chủ lực là cốc uống bia.

Ông Phạm Ngọc Hinh (làng Xối Trì, xã Nam Thanh), người có hơn 50 năm làm nghề thổi thủy tinh cho biết, giai đoạn hoàng kim, khắp làng có khoảng 40 hộ gia đình theo nghề này, các lò sản xuất đỏ lửa ngày đêm, đơn hàng lớn đến liên tục, làm không hết việc. Nhờ bám nghề mà nhiều gia đình ở đây có “của ăn, của để”, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Thời ấy, chưa có ô tô nhiều nên những tiểu thương thường đạp xe thồ đến lấy hàng, chất đầy hai bên nào là bóng đèn, cốc, chai, lọ thủy tinh mang đi phân phối ở khắp các tỉnh, thành lân cận. Có những thương lái từ Hà Nội đến đặt hàng riêng, thậm chí chờ cả ngày chỉ để lấy được lô cốc sắp ra lò.

 Nguyên liệu sản xuất cốc bia 'cóc gặm' là thủy tinh tái chế.

Nguyên liệu sản xuất cốc bia 'cóc gặm' là thủy tinh tái chế.

 Ông Phạm Ngọc Hinh, người có hơn 50 năm làm nghề thổi thủy tinh.

Ông Phạm Ngọc Hinh, người có hơn 50 năm làm nghề thổi thủy tinh.

Quy trình “bán hơi” đầy khắc nghiệt

Nhìn những chiếc cốc thủy tinh có hình dáng rất mộc mạc, đơn giản, ít ai hình dung được sự vất vả ẩn sau quá trình làm ra chúng. Chẳng bỗng dưng mà những người thợ thổi thủy tinh ở làng Xối Trì quen gọi công việc của mình là nghề “bán hơi”. Bởi lẽ, để tạo ra một sản phẩm thủy tinh, người thợ phải đứng gần lò nung đỏ rực, nơi nhiệt độ trong lò có thể lên tới 2.000 độ C.

Mùa Hè, nhiệt độ trong xưởng không khác gì “hỏa ngục” nhưng dù hơi nóng phả thẳng vào mặt, rát bỏng da thịt, mồ hôi túa ra ướt đẫm áo, họ vẫn phải liên tục xoay ống thổi, hà hơi đều đặn, mắt không rời khối thủy tinh nóng chảy để đảm bảo sản phẩm tròn trịa, không méo mó.

Chính vì điều kiện làm việc khắc nghiệt nên công việc này không những đòi hỏi sự khéo léo mà người thợ còn phải có sức bền, bởi mỗi ca làm việc kéo dài liên tục đến khi lò nung cạn thủy tinh nóng chảy, bất kể ngày hay đêm. Thông thường, mỗi ca làm việc sẽ cần 5 thợ thổi đảm nhiệm việc tạo dáng sản phẩm từ thủy tinh nóng chảy.

1 thợ cắt miệng cốc để sản phẩm có đường viền tròn đều, sắc nét. 1 thợ ủ tro giúp các sản phẩm nguội từ từ, tránh bị nứt vỡ do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Dù quen với môi trường làm việc khắc nghiệt, nhưng những người thợ thổi thủy tinh ở làng Xối Trì vẫn khó tránh khỏi những lần bỏng rát.

Chia sẻ về quy trình tạo ra chiếc cốc uống bia “cóc gặm” huyền thoại, ông Hinh nói, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và khéo léo.

Trước tiên, muốn sản xuất được thủy tinh thì phải làm được nồi, đắp được lò nấu. Tùy theo kinh nghiệm, bí quyết, mỗi chủ lò sẽ tạo hình dáng chiếc nồi theo phong cách khác nhau. Thông thường, nồi nấu cần có 2 miệng tròn dùng để tiếp nguyên liệu và lấy thủy tinh lỏng sau khi nung chảy trong lò than.

Mỗi chiếc nồi nấu thủy tinh thường cao hơn 1m, rộng 80cm, đáy dày 10cm, chứa được 5 tạ thủy tinh. Khi đắp xong, nồi sẽ được phơi từ 20 ngày đến 1 tháng mới có thể sử dụng. Do nung ở nhiệt độ cao nên kỹ thuật đắp nồi rất quan trọng, đòi hỏi thợ lành nghề. Chỉ cần sai sót nhỏ, nồi sẽ bị vỡ khi nhiệt độ đạt cực đại, thiệt hại không chỉ tiền bạc mà cả thời gian.

Về nguyên liệu, nếu trước kia nguyên liệu chủ yếu là vỏ chai lọ thủy tinh thì hiện các cơ sở sản xuất thường thu mua những mảnh thủy tinh vỡ ở các cơ sở sản xuất kính. Các mảnh thủy tinh vụn sau khi mua về sẽ được sàng lọc bụi bẩn, phân loại theo màu sắc, chủ yếu là xanh và trắng rồi đập vụn trước khi đưa vào lò nấu.

Tiếp đó, thủy tinh vụn được cho vào nồi nấu một cách từ từ để không làm ảnh hưởng tới sức chứa của nồi, đến khi đủ 5 tạ thủy tinh, công đoạn nấu chảy mới thực sự bắt đầu.

Nồi thủy tinh được nấu trong lò liên tục suốt 6 - 7 tiếng, để đạt đến nhiệt độ khoảng 1.800 - 2.000 độ C, chảy thành dạng lỏng. Lúc này, người thợ dùng một ống kim loại dài khoảng 2m để lấy ra một lượng thủy tinh nóng chảy vừa đủ cho sản phẩm cần tạo.

Sau đó, họ nhanh tay lăn khối thủy tinh trên bề mặt phẳng đã được bôi một lớp mỡ hoặc sáp mỏng nhằm tạo độ trơn, giúp khối thủy tinh nhẵn bóng và dần định hình thành khối trụ rồi đặt ống thổi lên miệng, thổi hơi đều đặn vào để khối thủy tinh giãn nở theo ý muốn.

Công đoạn thổi nhìn qua có vẻ nhẹ nhàng, nhưng thực chất lại yêu cầu sức bền và sự tập trung cao độ. Nó đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe và kinh nghiệm để giữ cho hơi thở đều, chính xác, vì nếu thổi quá mạnh, sản phẩm sẽ vỡ, nếu quá nhẹ, cốc sẽ méo mó. Trong lúc tạo hình, người thợ phải luôn tay phải liên tục xoay ống thổi.

Khẽ kéo vạt áo lau vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đỏ phừng phừng vì nóng, ông Hinh giải thích: “Phải vừa thổi vừa xoay vì thủy tinh nóng chảy rất mềm, nếu chỉ hà hơi mà không xoay, khối thủy tinh sẽ giãn nở không đều, khiến sản phẩm bị méo, lệch về một phía. Việc xoay ống giúp phân bố đều lực thổi, đảm bảo khối thủy tinh luôn giữ được hình dạng tròn cân đối trong suốt quá trình tạo hình”.

Khi hình dáng cơ bản đã thành, người thợ nhanh chóng đưa khối thủy tinh vào khuôn để định hình sản phẩm. Chiếc cốc khi rút khỏi khuôn sẽ được chuyển qua công đoạn thổi nguội, cắt gọt miệng cốc, đảm bảo miệng cốc mịn, hết sắc cạnh, bo tròn sau đó đưa ra ngoài ủ tro.

Theo cách làm truyền thống, người thợ sẽ vùi cốc vào tro rơm từ 12 - 15 tiếng để hạ nhiệt từ từ, tránh tình trạng nứt vỡ do co ngót đột ngột. Sau 5 tiếng miệt mài của một ca làm việc, từ 5 tạ nguyên liệu, những người thợ tạo ra khoảng hơn 1.000 chiếc cốc thủy tinh.

 Để làm ra một chiếc cốc, người thợ phải làm việc trong môi trường rất khắc nghiệt.

Để làm ra một chiếc cốc, người thợ phải làm việc trong môi trường rất khắc nghiệt.

 Sau khi ra lò, những chiếc cốc được xếp dưới một lớp tro để làm nguội từ từ.

Sau khi ra lò, những chiếc cốc được xếp dưới một lớp tro để làm nguội từ từ.

Giữ “hơi thở” làng nghề

Dù nghề thổi thủy tinh chưa bao giờ là công việc nhẹ nhàng nhưng mỗi lần nhìn khối thủy tinh phồng lên, dần thành hình sản phẩm hoàn chỉnh, ông Hinh lại thấy vui. “Tôi cảm giác như mình đang thổi hồn vào nó. Có khi chỉ cần hà hơi một chút, khối thủy tinh đã nở ra như một bông hoa đang hé nở, đó là khoảnh khắc tôi thấy nghề này thật kỳ diệu”, ông Hinh cười, đôi mắt ánh lên niềm tự hào.

Thế nhưng, đằng sau niềm vui đó là cả một nỗi trăn trở khi những năm gần đây, trước sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm công nghiệp giá rẻ, sản xuất hàng loạt, các mặt hàng thủ công của làng dần bị lép vế.

Trong suốt nhiều năm làm nghề, những người thợ thủ công cũng đau đáu nghĩ về những cải tiến để giúp công việc thuận lợi, đỡ vất vả hơn. Đã có lúc ông Hinh nghĩ đến việc đầu tư máy móc, thiết bị để giảm sức lao động cho thợ. Nhưng suy đi tính lại, ông cho rằng, chi phí thu về không bù được tiền bỏ ra và cũng không thể cạnh tranh được với các cơ sở sản xuất công nghiệp có nhiều máy móc hiện đại nên đành bỏ ngỏ.

Từng một thời huy hoàng là thế nhưng giờ đây, cả làng Xối Trì chỉ còn lại 3 lò thủy tinh đỏ lửa. Cũng bởi, nghề thổi thủy tinh vất vả, mất sức, nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu, khiến nhiều hộ gia đình lần lượt bỏ nghề, số người bám trụ ngày càng thưa dần, bóng dáng người trẻ bên lò nung lại càng hiếm hoi.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề “bán hơi”, ông Hinh không giấu nổi nỗi lòng: “Người trẻ giờ hiếm ai theo nghề này nữa vì công việc này phá sức mà thu nhập lại không hơn đi làm công ty bên ngoài. Còn chúng tôi, những người thợ lớn tuổi, vẫn cố gắng bám nghề vì muốn giữ gìn cái nghiệp cha ông truyền lại. Tôi chỉ mong nghề tiếp tục được duy trì, vừa tạo công ăn việc làm cho bà con, vừa gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương”.

Ngày nay, dù mai một nhưng làng nghề vẫn “sống” bởi chiếc cốc uống bia “huyền thoại” vẫn là sản phẩm được nhiều người yêu thích. Có thể làng Xối Trì hôm nay tuy không còn rực rỡ như xưa, nhưng những lò lửa vẫn cháy, và vẫn luôn có những người thợ lặng lẽ “bán hơi” để giữ lấy cái nghề của cha ông.

Nói về đặc điểm khác biệt của cốc thủy tinh Xối Trì phải nhắc đến bọt khí ở thành cốc. Ban đầu, loại bọt này vốn là do nguyên liệu tái chế và kỹ thuật chế tác thủy tinh thủ công chưa được hoàn thiện nhưng về sau mọi người lại nhận thấy nó là nét đẹp riêng cho loại cốc này. Cứ thế cốc thủy tinh Xối Trì đã được phân phối đi khắp nơi trong và ngoài Nam Định.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thang-tram-lang-san-xuat-coc-coc-gam-post724850.html