Thành công của chuỗi sản xuất khoai tây khép kín ở Gia Lai

'Bắt tay' Syngenta, PepsiCo trồng khoai tây làm snack (bim bim), nông dân Gia Lai tăng thu nhập gấp ba và trút được nỗi lo về đầu ra, về cảnh 'được mùa mất giá'.

Lãi ròng 80 - 100 triệu đồng/héc ta

Xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai những ngày cuối tháng hai, đồng bào tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây bền vững do Syngenta, PepsiCo cùng các đối tác triển khai, đang hối hả… nhặt khoai - loại chuyên để làm snack. Trước đó, một chiếc máy thu hoạch khoai đã xới tung các luống đất, để lại những củ khoai tây to đều tăm tắp nằm chi chít trên mặt luống; đồng bào chỉ cần nhặt khoai cho vào bao rồi đưa lên xe tải đỗ ngay chân vườn, chuyển về điểm thu mua của Pepsico cách đó vài cây số.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (ngoài cùng từ trái qua) tham gia thu hoạch khoai tây cùng bà con nông dân

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (ngoài cùng từ trái qua) tham gia thu hoạch khoai tây cùng bà con nông dân

Tham gia chương trình sản xuất khoai tây bền vững ngay từ năm đầu triển khai (2019), đến nay, chị Trần Thị Vân Anh (sinh năm 1991) có 70ha ở Gia Lai, trong đó ở xã Ia Tiêm có 20ha, toàn bộ là đất thuê mướn. “Tôi được chương trình hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; được tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến như công nghệ xử lý giống, phân bón, tưới tiêu hay thăm đồng bằng thiết bị bay không người lái (drone), quản lý canh tác thông qua ứng dụng (app) và điều chỉnh tưới nước qua điện thoại thông minh. Pepsico cũng bao tiêu đầu ra với giá mua ấn định ngay trong hợp đồng”, Vân Anh cho biết.

Vân Anh (ngoài cùng từ trái qua) tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây bền vững do Syngenta, PepsiCo và các đối tác triển khai từ năm 2019. Ảnh: H.Lan

Vân Anh (ngoài cùng từ trái qua) tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây bền vững do Syngenta, PepsiCo và các đối tác triển khai từ năm 2019. Ảnh: H.Lan

Nhờ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, cô gái ngoài 30 tuổi, sinh ra trong gia đình thuần nông, trút được nỗi lo về đầu ra, về giá cả bấp bênh và đặc biệt yên tâm vì nếu khoai bị sâu bệnh thì đã có gói giải pháp và hỗ trợ kỹ thuật bài bản của Syngenta - công ty hàng đầu cung cấp các sản phẩm nông dược, giải pháp bảo vệ thực vật và hạt giống. Số vốn bỏ ra ban đầu cũng thấp hơn vì không phải mua giống, mua phân, thuốc. “Chỉ cần tập trung chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật để năng suất đạt là có lợi nhuận cao”, cô nói. Năm ngoái, Vân Anh trồng 50ha khoai tây vào mùa mưa, lợi nhuận đạt 80 - 100 triệu đồng/héc ta. Năm nay Elnino gây mưa nắng thất thường, ảnh hưởng đến năng suất nên Vân Anh dự tính lợi nhuận sẽ thấp hơn chút đỉnh.

Kế bên ruộng của Vân Anh, bà Giáp Thị Hoa, 54 tuổi, đang thoăn thoắt nhặt khoai; đây là năm thứ 3 bà Hoa tham gia chương trình sản xuất khoai tây bền vững. Với diện tích 7ha, năng suất 27 tấn/ha, giá thu mua 8.500 đồng/kg, kết vụ, gia đình bà Hoa thu về hơn 1,6 tỷ đồng, trừ chi phí lãi ròng trên 700 triệu đồng. “Hồi đầu cũng bỡ ngỡ và lo lắng vì tôi chưa trồng khoai tây bao giờ nhưng đến giờ thì yên tâm lắm rồi! Công ty hỗ trợ đầu vào, lại cho xe thu mua khoai tây tận vườn, giá cả thì ấn định từ đầu vụ nên khỏi lo chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa”, bà Hoa cho biết.

Chương trình sản xuất khoai tây khép kín do Syngenta, PepsiCo - đồng trưởng Nhóm công tác PPP về Rau quả, phối hợp với các đối tác triển khai từ năm 2019. Lấy người nông dân làm trọng tâm, các doanh nghiệp và đối tác đã xây dựng mô hình sản xuất khoai tây khép kín từ: chăm sóc đất - giống - xử lý hạt giống - thuốc bảo vệ thực vật - phân bón - tưới tiêu - kỹ thuật canh tác - bao tiêu đầu ra - chế biến sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo. Đến nay, có 55 nông dân ở Gia Lai tham gia chương trình với diện tích 450ha. Bên cạnh đó, mỗi năm, chương trình triển khai tập huấn cho gần 6.000 lượt nông dân về sản xuất an toàn.

Đại diện ban, ngành và các đối tác tham gia thu hoạch khoai tây cùng bà con nông dân

Đại diện ban, ngành và các đối tác tham gia thu hoạch khoai tây cùng bà con nông dân

Các giải pháp công nghệ đã mang lại những kết quả vượt trội của chương trình sản xuất khoai tây bền vững trong 5 năm qua. Cụ thể, năng suất khoai trung bình đạt 23 - 26 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với canh tác truyền thống, thậm chí nơi cao nhất đạt tới 52 tấn/ha. Mỗi năm, mô hình tiết kiệm hơn 5 triệu mét khối nước. Đặc biệt, thu nhập của nông dân tham gia trồng khoai tây khép kín đã tăng lên gần 3 lần. Theo ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông học Pepsico Việt Nam, với năng suất trung bình hiện nay của mô hình thì nông dân đang lãi 50 - 70 triệu đồng/ha. Ở những hộ đạt năng suất 52 tấn/ha thì lãi ròng tới 200 triệu đồng/ha.

Đặc biệt trong năm 2023, PepsiCo, Syngenta và các đối tác ứng dụng hàng loạt giải pháp công nghệ mới, giúp nâng được năng suất khoai trung bình lên 30 - 34 tấn/ha. Bộ giải pháp quản lý sâu bệnh cũng giúp giảm 2 lần phun thuốc/vụ, tiết kiệm 2 triệu đồng/ha; sử dụng drone giúp giảm hơn 10 lần lượng nước pha thuốc bảo vệ thực vật. 2023 cũng là năm đầu tiên mô hình này xuất khẩu 6.000 tấn khoai tây tươi và được khách hàng đánh giá chất lượng cao hơn khoai nhập từ Australia, Canada hay Đức.

Nhân rộng mô hình

“Chương trình trồng khoai tây bền vững, bao tiêu sản phẩm của PepsiCo đã thành công vượt trội ở các tỉnh Tây Nguyên”, ông Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm PepsiCo Việt Nam, nhận xét.

Cùng quan điểm, ông Trần Thanh Vũ, Tổng giám đốc Công ty Syngenta Việt Nam cho rằng, dự án sản xuất khoai tây bền vững ở khu vực Tây Nguyên đã thành công, kết nối đầy đủ các đối tác đa dạng trong chuỗi. “Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và các giải pháp nông học mới, năng suất khoai tây đã tăng mạnh, từ đó gia tăng thu nhập cho nông dân. Thông qua dự án, đã hình thành vùng nguyên liệu sản xuất bền vững với những sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng. Dự án cũng góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới nền nông nghiệp xanh”, ông Vũ chia sẻ.

Các đại biểu dự Ngày hội thu hoạch khoai tây tham quan mô hình.

Các đại biểu dự Ngày hội thu hoạch khoai tây tham quan mô hình.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đặc biệt ấn tượng khi khoai tây từ mô hình sản xuất này xuất khẩu thành công đến các thị trường có tiêu chuẩn cao. Mô hình ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ nông dân ghi chép nhật ký điện tử, cho phép truy xuất toàn bộ thông tin quy trình sản xuất. Ông cho biết, các thị trường cao cấp yêu cầu rất khắt khe về sản xuất bền vững, giảm phát thải. Khi có dữ liệu minh bạch để chứng minh thì giá trị của khoai tây sẽ còn tăng rất cao.

Từ thành công ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, mô hình chuỗi giá trị khoai tây đã và sẽ tiếp tục được Pepsico mở rộng ra phía Bắc nhằm nâng cao sinh kế, hướng nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp; ông Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm PepsiCo Việt Nam, nhấn mạnh, đây sẽ là vùng nguyên liệu chất lượng cho nhà máy thực phẩm mới của PepsiCo tại Hà Nam với vốn đầu tư gần 90 triệu USD dự kiến vận hành vào quý III.2025.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cũng bày tỏ mong muốn, sẵn sàng tiếp nhận tài liệu hướng dẫn trồng khoai tây bền vững để hệ thống khuyến nông nhân rộng ở các địa phương. Hơn thế nữa, không dừng lại ở khoai tây, mô hình này sẽ được Gia Lai nghiên cứu để mở rộng áp dụng cho các cây trồng khác, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cho hay.

Thành công của Syngenta, PepsiCo ở Gia Lai một lần nữa cho thấy mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp là con đường buộc phải đi để giúp nông dân có đầu ra ổn định, tăng thu nhập; giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu chất lượng cao phục vụ chế biến, xuất khẩu. Đây cũng chính là con đường đưa nông nghiệp nước ta phát triển xanh và bền vững.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/thanh-cong-cua-chuoi-san-xuat-khoai-tay-khep-kin-o-gia-lai-i361817/