Thạnh Hóa: Chủ động đón nhận cơ hội từ hiệp định EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Hiệp định EVFTA là hiệp định toàn diện, bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, có hiệu lực từ ngày 01-8-2020. Đây là cú hích rất lớn cho xuất khẩu, nhất là nông, lâm, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Là một huyện thuần nông, Thạnh Hóa cũng có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đến nhiều thị trường. UBND huyện đã có những giải pháp tích cực giúp nông dân tận dụng cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại để nâng cao hiệu quả kinh tế. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa (Long An) - Hồ Thị Ngọc Lan đã dành cho phóng viên (PV) cuộc trao đổi về vấn đề này.

PV: Thưa bà, Hiệp định EVFTA có những tác động như thế nào đến nông dân và ngành Nông nghiệp ở huyện Thạnh Hóa?

Bà Hồ Thị Ngọc Lan: Nông nghiệp là một trong những ngành được hưởng lợi rất lớn từ Hiệp định EVFTA. Kể từ ngày 01-8-2020, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như gạo tấm, các sản phẩm từ hạt,… Đối với mặt hàng rau, củ, quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế quan. Đối với thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xóa bỏ trong lộ trình 5-7 năm. Là huyện thuần nông, thời gian qua, Thạnh Hóa có các mặt hàng nông sản được xuất khẩu đến nhiều thị trường như lúa nếp, chanh không hạt, khoai mỡ. Nông dân huyện nhà cũng có thể sản xuất các loại nông sản mà thị trường EU cần. Một cơ hội khác mà Hiệp định EVFTA mang lại là việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ tạo thêm việc làm và giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện đời sống người dân.

Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này không phải là dễ. Thị trường châu Âu đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chất lượng cao cũng như nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Với tính chất sản xuất nông nghiệp ở huyện phần lớn còn manh mún, nhỏ, lẻ, nông dân và doanh nghiệp ở huyện càng phải chủ động sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU mới có thể hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA mang lại.

PV: Huyện có những giải pháp gì hỗ trợ nông dân chủ động hội nhập, hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA mang lại, thưa bà?

Bà Hồ Thị Ngọc Lan: Phải xây dựng vùng sản xuất lớn nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho nông sản ở huyện. Thời gian qua, ở Thạnh Hóa có nhiều mặt hàng nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đã tạo dựng thương hiệu như khoai mỡ Bến Kè, mật ong Quang Vinh, chanh không hạt Thuận Bình. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng vùng sản xuất lớn, nhân rộng cánh đồng ứng dụng công nghệ cao, hướng dẫn nông dân thực hành nông nghiệp tốt, tiến tới xây dựng nền sản xuất sạch, nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản ở huyện. UBND huyện sẽ chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xây dựng mã vạch, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, xây dựng logo nhãn hiệu nông sản,… Huyện cũng thực hiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng sản lượng, chất lượng nông sản và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản, nâng cao chuỗi giá trị. Trước hết là tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp về tiêu chuẩn chất lượng mà EU đặt ra và thực hiện các phương thức sản xuất phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn đó. Huyện sẽ phối hợp các sở, ngành của tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho một số mặt hàng nông sản của huyện tiếp cận thị trường EU.

PV: Xin cảm ơn bà!

Hồ Phượng (thực hiện)

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/thanh-hoa-chu-dong-don-nhan-co-hoi-tu-hiep-dinh-evfta-a100722.html