Thanh Hóa: Hòn Vọng Phu bị sét đánh, đe dọa sự nguyên trạng của thắng cảnh

Di tích hòn Vọng Phu nằm trên núi An Hoạch (TP Thanh Hóa) bị sạt lở do sét đánh trúng. Hiện các tầng đá phía trên đã bị nứt, có xu hướng tách ngang, đe dọa sự nguyên trạng của thắng cảnh.

Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, thắng cảnh Hòn Vọng Phu sạt lở do trận mưa, giông lớn, bị sét đánh trúng vào đêm 15/6. Tình trạng sạt lở xuất hiện tại 2 vị trí: Phía Tây, gần đỉnh Hòn Vọng Phu, sạt lở khối đá có kích thước rộng khoảng 1m x 3m và phía Đông hòn Vọng Phu, sạt lở khối đá có kích thước rộng khoảng 2,5m x 3m. Các khối đá bị sạt lở hiện đang nằm dưới chân Hòn Vọng Phu. Ngoài ra, các tầng đá phía trên Hòn Vọng Phu cũng đã bị nứt, có xu hướng tách ngang, đe dọa sự nguyên trạng của thắng cảnh.

Di tích Hòn Vọng Phu, một biểu tượng đẹp trong đời sống nhân dân

Di tích Hòn Vọng Phu, một biểu tượng đẹp trong đời sống nhân dân

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, để đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa mưa bão, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa đề nghị chính quyền địa phương thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh của phường về khu vực sạt lở. Khoanh vùng khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở.

Sáng 9/8, sau khi đi khảo sát thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Đầu Thanh Tùng khẳng định, thắng cảnh Hòn Vọng Phu thuộc Cụm di tích nghệ thuật và danh thắng Quốc gia, gắn liền với huyền thoại dân gian và đã trở thành một biểu tượng đẹp trong đời sống văn hóa của nhân dân. Chính vì vậy, các bên liên quan phải có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với tỉnh những giải pháp cấp bách, phù hợp với trình tự, quy định của pháp luật để bảo vệ di tích, thắng cảnh.

Hình ảnh thắng cảnh Hòn Vọng Phu bị sạt lở do sét đánh

Hình ảnh thắng cảnh Hòn Vọng Phu bị sạt lở do sét đánh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND TP. Thanh Hóa chỉ đạo UBND phường An Hưng và các đơn vị chức năng khảo sát, thống kê chính xác số lượng dân cư, doanh nghiệp đang sinh sống, sản xuất, kinh doanh trong khu vực ảnh hưởng để có phương án đảm bảo an toàn cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời khoanh vùng, tuyên truyền, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng... đánh giá thực trạng, khảo sát địa chất, lựa chọn đơn vị tư vấn, đề xuất phương án cấp thiết khắc phục sự cố sạt lở. Đồng thời nghiên cứu đề xuất biện pháp mang tính lâu dài, bền vững để bảo vệ di tích, thắng cảnh.

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại thắng cảnh Hòn Vọng Phu.

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại thắng cảnh Hòn Vọng Phu.

Hòn Vọng Phu là một ngọn núi đá vôi khổng lồ, đứng thẳng, bên cạnh là một khối đá khác nhỏ hơn. Hai khối đá này nhìn từ xa trông giống hình tượng người mẹ hóa đá đang bồng đứa con, mong chờ người chồng.

Di tích hòn Vọng Phu nằm trong Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (còn gọi là núi Nhồi), được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 1992.

Gia Hân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thanh-hoa-hon-vong-phu-bi-set-danh-de-doa-su-nguyen-trang-cua-thang-canh-172220810092054128.htm