Thanh Hóa: Nâng cao nhận thức người dân về sàng lọc trước sinh và sơ sinh
Thời gian qua, Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của việc sàng lọc sơ sinh, trước sinh.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của việc sàng lọc sơ sinh, trước sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Nhiều bà mẹ ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động này.
Nhiều người quan tâm hơn đến sàng lọc trước sinh và sơ sinh
Theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là 1.73%, mỗi năm thế giới có khoảng 8 triệu trẻ chào đời với một dị tật bẩm sinh. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu trẻ chào đời, trong đó có từ 2- 3% trẻ bị bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh như: bệnh Down, hội chứng Edwards, dị tật ống thần kinh, thiếu men G6PD gây biến chứng vàng da, thần kinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh; bị Thalassemia (tan máu bẩm sinh)... Đáng nói là, có tới 11% trẻ sơ sinh tử vong do dị tật bẩm sinh. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS và SS) rất cần thiết để giúp tầm soát các dị tật nguy hiểm này.
Trong thời gian qua, tại tỉnh Thanh Hóa, Chi cục Dân số tỉnh đã rất chú trọng đến công tác tuyên truyền về SLTS và SS. Đây là nhiệm vụ trọng tâm triển khai nhằm nâng cao chất lượng dân số tỉnh.
Theo DS.CKII Bùi Hồng Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa, chương trình SLTS và SS được thực hiện tại tỉnh ta nhằm giảm thiểu số trẻ sinh ra bị các bệnh, dị dạng nặng; phát hiện và can thiệp sớm hiệu quả; giúp trẻ bị các bệnh di truyền phát triển tốt, giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong. Các công tác triển khai đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về khám sức khỏe của mình và thai nhi.
Trước kia, phần đa phụ nữ mang thai mỗi khi đi khám hay siêu âm thường chỉ quan tâm về cân nặng, giới tính thai nhi mà không quan tâm đến sàng lọc. Giờ người dân đi khám đã quan tâm nhiều hơn đến SLTS và SS, quan tâm đến đo độ mờ da gáy, kiểm tra nhiễm sắc thể di truyền để xem thai nhi có bị dị tật bẩm sinh, bị tim bẩm sinh hay không...
Theo thống kê trong năm nay, chỉ 6 tháng, Thanh Hóa đã có hơn 20.000 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh. Bằng các xét nghiệm sàng lọc cơ bản và các thủ thuật xâm lấn, các bệnh viện đã sàng lọc các đối tượng nguy cơ cao đưa vào chương trình quản lý thai kỳ chặt chẽ. Từ việc thay đổi nhận thức đã hạn chế được dị tật ở trẻ. Trẻ được chẩn đoán, điều trị sớm từ giai đoạn còn nằm trong bụng mẹ và ngay sau khi chào đời, tránh được những hệ quả nặng nề, chất lượng dân số cải thiện.
Công tác truyền thông được đẩy mạnh
Thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, hệ thống dân số từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch để triển khai hoạt động lồng ghép trong kế hoạch chung của đơn vị, tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.
Tại 27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã triển khai có hiệu quả Chương trình này. Chi Cục Dân số tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức các buổi tư vấn lồng ghép tại các trạm y tế; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn, trên các trang mạng xã hội về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, những nguy cơ do dị tật bẩm sinh để lại...
Tại các buổi truyền thông, chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai đã được cung cấp những kiến thức về lợi ích của SLTS và SS; khi nào cần xét nghiệm SLTS và SS hay lưu ý về ăn uống trong quá trình mang thai… để tránh sinh ra những đứa trẻ dị tật.
Tại các buổi truyền thông, chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai đã được cung cấp những kiến thức về lợi ích; các bước thực hiện SLTS và SS; những điều cần biết về dị tật bẩm sinh, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đối với dị tật bẩm sinh và phòng tránh dị tật bẩm sinh; những lưu ý về chế độ ăn uống hợp lý trong quá trình mang thai... Từ đó giúp trẻ sinh ra tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra.
Để nâng cao chất lượng chẩn đoán SLTS và SS, Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa cũng đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, triển khai các phương pháp SLTS như tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm, siêu âm, sàng lọc, chẩn đoán trước sinh... “Sàng lọc trước sinh là rất cần thiết nhằm phát hiện những bất thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ. Bác sĩ sẽ có những định hướng can thiệp sớm nhất để giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ và dị tật trong cộng đồng. Từ đó cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số” – BS CKII Nguyễn Thị Thắm (BV Phụ sản tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ.
Theo Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa, thời gian tiếp tục tăng cường triển khai công tác tập huấn truyền thông, tư vấn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ chuyên trách dân số, y tế về sàng lọc trước sinh và sơ sinh; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức truyền thông để người dân nhận thức rõ lợi ích của việc SLTS và SS.
Đồng thời, tham mưu Sở Y tế có những biện pháp chỉ đạo nâng cao kỹ năng thực hành về các vấn đề liên quan đến tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; đầu tư trang thiết bị cho y tế cơ sở để bảo đảm đủ điều kiện tư vấn, cung cấp dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn, SLTS và SS; ứng dụng kỹ thuật mới trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh...