Cần tiến tới việc luật hóa khám sức khỏe tiền hôn nhân

'Khám sức khỏe trước hôn nhân chuẩn bị hành trang đón thế hệ vàng' là 1 trong 5 thông điệp của Tháng hành động Quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2024. Đây cũng là thông điệp phù hợp với chủ đề 'Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc' của năm nay.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số. (Ảnh: BV Phụ sản Hà Nội)

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số. (Ảnh: BV Phụ sản Hà Nội)

Gia tăng cặp đôi khám sức khỏe tiền hôn nhân

Chị T.Vân (27 tuổi, Hà Nội) là điều dưỡng tại một bệnh viện chuyên hỗ trợ sinh sản, với tính chất công việc trong ngành Y, chị hiểu rõ tầm quan trọng của khám sức khỏe tiền hôn nhân. Trước khi tổ chức đám cưới vào tháng 9/2023, chị đã vận động chồng tương lai cùng đăng ký gói khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân. Nhận được kết quả khám khỏe mạnh đã giúp cho cả hai có thêm tự tin để xây dựng tổ ấm. Đến nay, gia đình chị T.Vân đã có một cháu gái đáng yêu, ngoan ngoãn và mỗi lần nghĩ lại chị vẫn cho rằng quyết định khám sức khỏe tiền hôn nhân là một lựa chọn đúng đắn. “Khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giúp phát hiện sớm các bệnh lý liên quan tới sức khỏe sinh sản để điều trị kịp thời, ngăn ngừa nguy cơ dị tật bẩm sinh hoặc thai nhi kém phát triển, mà còn là một hành động có trách nhiệm đối với tương lai bản thân, bạn đời và thế hệ kế tiếp”, chị T.Vân chia sẻ.

Không chỉ có vợ chồng chị T.Vân, thực tế cho thấy, những năm qua ngày càng nhiều cặp đôi trẻ nhận thức được một kế hoạch hôn nhân vững chắc không thể thiếu việc chuẩn bị sức khỏe toàn diện. Minh chứng là tại các cơ sở y tế khu vực đô thị, ghi nhận số các đôi trẻ tìm đến tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tăng nhiều hơn so với những năm trước. Đơn cử tại TP Hà Nội, theo thống kê của Chi cục Dân số Hà Nội, năm 2022, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn là 31,9%; năm 2023, tỷ lệ này là 53,7%; 9 tháng năm 2024, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 68,43% (tăng 23,43% so với cùng kỳ).

Đẩy mạnh công tác tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân

Theo Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam ước tính có khoảng 40.000 trẻ em chào đời mắc dị tật bẩm sinh, với các bệnh phổ biến như hội chứng Down, hội chứng Edwards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tan máu bẩm sinh nặng… Thực trạng này đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác dân số hiện nay, đặc biệt trong công tác nâng cao chất lượng dân số và bảo đảm tương lai khỏe mạnh cho thế hệ sau.

Để làm được điều đó, một trong những giải pháp căn cơ hiện nay là thực hiện tốt công tác tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Bởi điều có ý nghĩa nhất của khám sức khỏe tiền hôn nhân là phát hiện bệnh lý di truyền để có biện pháp can thiệp sớm, hạn chế những tình huống đáng tiếc. Thế nhưng, dù đã có nhiều hoạt động được triển khai trên cả nước về tuyên truyền nâng cao nhận thức; mô hình, đề án chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên;… nhưng công tác tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân vẫn chưa đạt được kết quả nổi bật.

Nhìn vào thống kê tại TP Hà Nội, dù tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn đã tăng theo từng năm, nhưng vẫn còn khá thấp so với mục tiêu mà Thành phố đặt ra: đạt ít nhất 85% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Thực tế này không chỉ là thách thức riêng của TP Hà Nội mà còn phản ánh tình trạng chung tại nhiều đô thị lớn, chưa kể đến các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa, nơi công tác tuyên truyền, điều kiện kinh tế, chất lượng cuộc sống còn nhiều hạn chế.

Trước thách thức trên, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần tiến tới luật hóa khám sức khỏe tiền hôn nhân. Thực tế, hơn 10 năm trước vấn đề khám, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn đã được đề cập đến như một sự cần thiết tất yếu, thể hiện rõ trong Quyết định 25/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 7/11/2011 về hướng dẫn chuyên môn tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Tuy nhiên, đến nay, nhiều điểm trong Quyết định đã không còn phù hợp, như gói tư vấn, khám tiền hôn nhân chưa có quy định và danh mục cụ thể trong khám sức khỏe trước khi kết hôn. Do đó, việc triển khai hoạt động chỉ dừng ở tuyên truyền, vận động,… dẫn đến hiệu quả thực tế chưa đạt được như kỳ vọng.

Để phù hợp với bối cảnh hiện nay, Bộ Y tế đang đề xuất luật hóa việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng gia đình hạnh phúc. Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Dân số vào Kỳ họp thứ 10 năm 2025 và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 năm 2026.

Theo dự thảo Luật Dân số, nam nữ trước khi kết hôn và người muốn sinh con sẽ được tư vấn, khám sức khỏe, hướng dẫn phòng ngừa và phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến sinh sản. Người thuộc diện chính sách, vùng khó khăn được hỗ trợ chi phí khám. Các trường hợp bắt buộc tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh gồm: Người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; người có nguy cơ cao sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh (như phụ nữ từ 35 tuổi); phụ nữ tiền sử có con bị bệnh, tật bẩm sinh, có tiền sử gia đình người mẹ hoặc chồng đã xác định bị bệnh, tật bẩm sinh; vợ chồng cận huyết thống; người có tiền sử tiếp xúc với các hóa chất độc hại, sử dụng thuốc độc hại cho thai nhi hoặc tiếp xúc thường xuyên với môi trường độc hại.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/can-tien-toi-viec-luat-hoa-kham-suc-khoe-tien-hon-nhan-post534547.html