Thanh Hóa: Nâng tầm chất lượng dân số vì một tương lai bền vững
Thanh Hóa đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số toàn diện, từ chăm sóc sức khỏe, truyền thông, đến hoàn thiện pháp luật, góp phần kiến tạo tương lai bền vững.

Nhiều hoạt động, giải pháp đã được triển khai một cách toàn diện nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.
Trong thời gian qua, việc đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số đã và đang được tỉnh Thanh Hóa xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, mang ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Tại các địa phương như phường Sầm Sơn (Thanh Hóa) công tác này được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đã tạo nên sự đồng thuận cao trong Nhân dân.
Theo bà Lê Thị Thùy, Trạm trưởng Trạm Y tế Quảng Thọ (phường Sầm Sơn) nhờ các giải pháp đồng bộ, quy mô dân số trên địa bàn đã từng bước ổn định, chất lượng dân số không ngừng được cải thiện, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, nhiều hoạt động và giải pháp đã được triển khai một cách toàn diện: chăm sóc sức khỏe và sinh sản; tăng cường tư vấn KHHGĐ cho trẻ vị thành niên/thanh niên, và mở rộng khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi chuẩn bị tốt cho hôn nhân và giảm thiểu nguy cơ bệnh tật; sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các dị tật bẩm sinh, đảm bảo trẻ em sinh ra khỏe mạnh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Các hoạt động tuyên truyền giáo dục về dân số và phát triển được tiến hành đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh.
Cùng với đó, chú trọng chăm sóc người cao tuổi để họ sống khỏe, sống có ích, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh già hóa dân số; giải quyết các vấn đề dân số nổi cộm, tập trung truyền thông và can thiệp vào các vấn đề như mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, và già hóa dân số, đồng thời khuyến khích sinh đủ 2 con, không kết hôn/sinh con muộn để duy trì cơ cấu dân số cân bằng.
Những nỗ lực này đã góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về giảm sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc vị thành niên, thanh niên và người cao tuổi, đồng thời kiểm soát hiệu quả mất cân bằng giới tính khi sinh.
Đến nay, mức giảm sinh hàng năm trên địa bàn tỉnh đạt 0,1‰; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên luôn giữ mức dưới 1%, đạt mục tiêu đề ra; tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) của Thanh Hóa giảm từ 2,45 con/phụ nữ (năm 2017) còn 2,2 con/phụ nữ (năm 2024), đã tiệm cận mức sinh thay thế (mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ); tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 70%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 20%; tỷ lệ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 40,3%...

Công tác khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh được tăng cường.
Tỉnh Thanh Hóa đang trong giai đoạn "cơ cấu dân số vàng", với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động duy trì ở mức cao (67% - 68% từ năm 2017 đến nay). Đây là một nguồn lực dồi dào, tạo cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng dân số, thể hiện qua chỉ số phát triển con người (HDI) và tuổi thọ bình quân, cũng không ngừng tăng lên.
Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa Bùi Hồng Thủy cho biết, trong những năm qua nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về chính sách dân số được nâng lên rõ rệt. Việc nâng cao chất lượng dân số trong giai đoạn này được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và được các cấp, các ngành quan tâm lồng ghép triển khai thực hiện, quy mô dân số dần ổn định và trong tầm kiểm soát, chất lượng dân số từng bước được nâng lên, các vấn đề liên quan đến trẻ em, phụ nữ, vị thành niên, thanh niên và người cao tuổi đang được quan tâm chú trọng.

Ông Bùi Hồng Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn cho cộng tác viên dân số về kỹ năng tuyên truyền, tư vấn Chương trình tầm soát chẩn đoán một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.
Nhân Ngày Dân số thế giới (11/7), Chi cục Dân số đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng với chủ đề: "Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi" như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền về chủ đề Ngày Dân số thế giới, các chủ trương, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới, sinh hoạt chuyên đề, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về dân số và phát triển...
"Các hoạt động trên nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản và trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình đối với sự phát triển nhanh và bền vững", ông Thủy cho biết thêm.
Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ nhằm giải quyết các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số. Mục tiêu là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và không ngừng nâng cao chất lượng dân số.