Thành lập thị trường carbon: Tạo dòng tài chính mới, động lực chuyển đổi xanh

Chủ trì cuộc họp về Đề án thành lập thị trường carbon, sáng 12/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, nhiều nước đã thiết lập thị trường, từng bước hình thành hàng rào kỹ thuật, chính sách thuế liên quan đến carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. 'Với tiềm năng lớn về tín chỉ carbon, Việt Nam không thể đứng ngoài', ông Hà nói.

“Cuộc chơi mới” cho doanh nghiệp và nhà đầu tư

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, mục tiêu chung của Đề án thành lập thị trường carbon (Đề án), góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Chủ thể tham gia giao dịch tín chỉ carbon gồm: Tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon trong nước hoặc thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế; tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon; tổ chức hỗ trợ giao dịch.

Các giao dịch trên thị trường carbon được thực hiện trên sàn giao dịch theo phương thức tập trung trên nền tảng trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho rằng, xây dựng thị trường carbon là “cuộc chơi mới” mà tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giảm phát thải, tăng hấp thụ khí carbon sẽ được chi trả từ tiền bán hạn ngạch phát thải. Đây là chi phí lợi nhuận cho từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Do đó, Nhà nước phải tạo sân chơi, luật chơi, phân công nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, và có phân kỳ thí điểm.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, tại Việt Nam hiện có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế để trao đổi trên thị trường carbon thế giới.

Dự kiến, trong tháng 7/2024, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Dự kiến giai đoạn thí điểm, các cơ sở được phân bổ hạn ngạch thuộc lĩnh vực phát thải lớn như nhiệt điện, sắt, thép, xi măng (tổng số khoảng 100 cơ sở) nằm trong danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính.

Tạo động lực chuyển đổi xanh

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc phát triển thị trường carbon có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về giảm phát thải ròng khí nhà kính, cũng như thích ứng với những chuyển động rất nhanh của các thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận cuộc họp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận cuộc họp.

Việc vận hành thị trường carbon phải theo lộ trình, dưới sự quản lý của Nhà nước phù hợp với năng lực, mức độ phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế, bảo đảm lợi ích quốc gia. "Liên doanh, liên kết để học hỏi, hợp tác là cần thiết nhưng phải chủ động", Phó Thủ tướng nói.

Mục tiêu của Đề án là thực hiện cam kết với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, tạo động lực chuyển đổi xanh cho các ngành, lĩnh vực kinh tế tham gia vào thị trường thế giới.

Phó Thủ tướng cho rằng, Đề án phải xác định mô hình, tổ chức, hoạt động, quản lý của thị trường carbon do Bộ Tài chính chủ trì, "bài bản, đồng bộ, chặt chẽ ngay từ đầu". Bộ Tài chính sớm nghiên cứu hệ thống thuế carbon tương thích với các nước, theo nguyên tắc đối đẳng.

Dự kiến, lộ trình triển khai thị trường carbon gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn thí điểm (năm 2025-2027); Giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2028 và giai đoạn sau năm 2030.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thanh-lap-thi-truong-carbon-tao-dong-tai-chinh-moi-dong-luc-chuyen-doi-xanh-post1654344.tpo