Thanh lý các công trình nước sinh hoạt tập trung không hiệu quả

Trên địa bàn huyện Phú Lương có trên 30 công trình nước sinh hoạt tập trung, cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh cho hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, có 9 công trình trong số đó đã được xây dựng từ lâu, nhiều công trình bỏ không, không còn được sử dụng...

Bể chứa của công trình nước sinh hoạt tập trung xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương), không được sử dụng nhiều năm nay.

Bể chứa của công trình nước sinh hoạt tập trung xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương), không được sử dụng nhiều năm nay.

Công trình nước sạch tập trung tại xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, được xây dựng từ năm 1993, hỗ trợ cấp nước cho khoảng 40 hộ dân của 2 xóm Đồng Tâm và Khe Nác (xã Yên Đổ). Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 4 năm từ khi đưa vào sử dụng thì nước từ công trình này hầu hết chỉ đủ đáp ứng cho các hộ dân tại xóm Khe Nác. Nguyên nhân chủ yếu là xóm không thành lập được tổ quản lý công trình, người dân tự ý phá đường ống để dẫn nước sử dụng mục đích riêng nên nguồn nước chảy đến xóm Đồng Tâm không đủ cho nhân dân trong xóm sinh hoạt. Từ thời điểm đó, người dân trong xóm buộc phải sử dụng nước giếng khoan.

Ông Lý Văn Sài, Trưởng xóm Đồng Tâm, cho biết: Do không có tổ quản lý nên đường nước thường xuyên bị đục, phá. Trước đây, chúng tôi liên tục phải đi buộc, nối các đoạn đường ống kẽm bị đục, phá thì mới có nước về đến xóm. Sau khoảng 4 năm, người dân trong xóm thấy quá bất tiện nên hầu như đều tự khoan giếng, từ đó công trình nước cũng dần không còn được sử dụng.

Còn xã Yên Ninh có 2 công trình nước sinh hoạt tập trung nằm trong diện được thanh lý theo quy định tại xóm Suối Bốc (hoàn thành năm 1994, ngừng hoạt động năm 2010) và xóm Suối Hang (hoàn thành năm 2007, ngừng hoạt động năm 2015). 2 công trình này có tổng công suất trên 90m3/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho 2 xóm Suối Hang và Suối Bốc, với tổng mức đầu tư trên 1 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo UBND xã Yên Ninh, các công trình này khi mới đưa vào sử dụng hoạt động rất hiệu quả, người dân được dùng nguồn nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, người dân ngày càng mở rộng diện tích rừng, trồng cây lâm nghiệp với mật độ cao khiến cho nguồn nước tự chảy cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt vào mùa khô hầu như người dân không có nước sử dụng. Chính vì thế nên người dân cũng dần chuyển sang các phương án khác để có nước sinh hoạt ổn định như đào giếng khơi, khoan giếng. Trước thực tế đó, UBND xã đã báo cáo UBND huyện và làm tờ trình đề nghị thanh lý 2 công trình này theo quy định.

Đến cuối năm 2023, số hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung trong toàn huyện Phú Lương là gần 3.500 hộ, tương ứng 12,52%. Toàn huyện có trên 30 công trình nước sinh hoạt tập trung, trong đó có 9 công trình nằm trong diện cần phải thanh lý do đã được đầu tư từ lâu, hiện trạng xuống cấp không thể sửa chữa, khôi phục. Việc thanh lý các công trình này là cần thiết, tránh để các hạng mục còn lại tiếp tục bị hư hỏng.

Bà Hoàng Thị Ngân, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, cho biết: Việc thanh lý không chỉ giúp hoàn thành chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, mà còn là căn cứ để huyện đề nghị đơn vị chức năng khảo sát, đánh giá nhu cầu sử dụng nước, từ đó xây dựng kế hoạch xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung theo nhu cầu của người dân. Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ và tham mưu cho UBND huyện có tờ trình với cơ quan có thẩm quyền để thanh lý các công trình nêu trên.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202406/thanh-ly-cac-cong-trinh-nuoc-sinh-hoat-tap-trung-khong-hieu-qua-1400331/