Thanh mát bánh gio Đình Lập

Bánh gio là loại bánh truyền thống thường được người dân huyện Đình Lập làm vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) hằng năm. Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện đã sản xuất bánh để bán ra thị trường quanh năm. Bánh gio Đình Lập có màu vàng cánh dán, khi ăn vị thanh mát hòa quyện với mật mía ngọt thanh khiến nhiều thực khách nhớ mãi không quên.

Người dân thôn Pò Tấu, xã Đình Lập gói bánh gio truyền thống (ảnh chụp tháng 5/2025)

Người dân thôn Pò Tấu, xã Đình Lập gói bánh gio truyền thống (ảnh chụp tháng 5/2025)

Là một trong những hộ chuyên sản xuất bánh gio truyền thống, chị Nịnh Thị Điền, thôn Pò Tấu, xã Đình Lập cho biết: Ngày trước cứ đến ngày 5/5 âm lịch, bà con nơi đây mới làm bánh để cúng ông bà, tổ tiên. Với hương vị bánh thơm ngon, hấp dẫn, rất nhiều khách hàng tìm mua bánh gio để thưởng thức nên từ năm 2022 gia đình tôi đã bắt đầu làm bánh hằng ngày để bán. Bình quân mỗi tháng, gia đình tôi gói từ 1.500 đến 2.000 chiếc bánh gio. Vào những tháng cao điểm (tháng 4, tháng 5 âm lịch) hằng năm, có những ngày gia đình gói gần 1.000 chiếc bánh, bán với giá 20.000 đồng/bánh. Từ nghề làm bánh gio truyền thống, gia đình có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Cũng như gia đình chị Điền, nhận thấy nhu cầu của nhiều thực khách muốn thưởng thức món bánh gio truyền thống của huyện, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Đình Lập và các xã: Đình Lập, Cường Lợi, Thái Bình đã sản xuất bánh gio hằng ngày để bán lẻ và bán sỉ cho các khách hàng. Toàn huyện hiện có khoảng 10 gia đình chuyên sản xuất và bán bánh gio truyền thống. Khách hàng chủ yếu là người dân trong tỉnh và du khách, khách mua sỉ tại các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh…

Theo các hộ dân chuyên sản xuất bán gio, để làm được mẻ bánh ngon, dền và có màu đẹp mắt thì khâu chọn gạo là yếu tố quan trọng, tiếp đến là nước gio để ngâm gạo và lá để gói bánh. Theo đó, gạo để gói bánh là gạo nếp nương; gio để chắt lọc lấy nước ngâm gạo phải là gio đốt từ một số loại cây rừng như: cây núc nác, cây thành ngạnh, cây mạy mạ, cây tắp tấu. Gạo được vò qua để ráo và ngâm với nước gio trong. Sau 8 đến 10 giờ ngâm, người dân vớt gạo để tiến hành gói bánh. Nét đặc trưng của chiếc bánh gio Đình Lập là bánh to (trọng lượng từ 4 đến 5 lạng/cái), được gói bằng lá mùa đông (lá nhỏ dạng lá cỏ tranh được hái ở đồi cao). Người gói phải khéo léo xếp từng chiếc lá nhỏ đan chéo vào nhau căn cho đủ gói 1 bát gạo, sau đó dùng 6 chiếc lạt buộc chặt 2 đầu và ở giữa chiếc bánh. Lạt càng được buộc chặt thì chiếc bánh khi luộc sẽ càng dền, không bị nhão.

Khi luộc bánh, người dân sẽ dùng nước gio nhạt để luộc. Thời gian luộc bánh kéo dài từ 10 đến 12 tiếng. Bánh gio ngon là khi bóc ra bánh có màu vàng cánh dán, khi ăn cảm nhận đầu tiên là vị hơi nồng mà thanh mát, rồi đến vị ngọt của mật quyện cùng vị dẻo của gạo nếp.

Chị Hoàng Thị Thuận, phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Năm 2023, qua một lần sang nhà bạn chơi, tôi được thưởng thức món bánh gio truyền thống của huyện Đình Lập. Ấn tượng ban đầu của tôi là bánh to, được gói bằng lá nhỏ như lá tranh, mềm dẻo, có màu cánh dán rất đẹp mắt. Khi ăn chấm cùng mật mía sóng sánh thơm ngọt, tạo nên món ăn thanh mát, bổ dưỡng cho sức khỏe. Từ đó đến nay tôi thường xuyên đặt mua bánh để gia đình thưởng thức, mời bạn bè và làm quà biếu tặng người thân.

Bà Vũ Thị Hương, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đình Lập cho biết: Bánh gio là sản phẩm truyền thống của người dân địa phương. Những năm gần đây, một số hộ dân đã làm bánh quanh năm để bán góp phần gìn giữ nghề truyền thống và nâng cao thu nhập cho gia đình. Thời gian tới, phòng sẽ định hướng, hướng dẫn người dân xây dựng, phát triển sản phẩm bánh gio truyền thống của huyện thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện đưa sản phẩm tham gia trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, sự kiện triển lãm trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần lan tỏa, phát triển sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập từ nghề truyền thống.

Có thể thấy, từ nghề làm bánh gio truyền thống, bà con không chỉ bảo tồn phương thức làm bánh truyền thống của quê hương mà còn giúp người dân nơi đây tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Nam Khánh

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/thanh-mat-huong-vi-banh-gio-dinh-lap-5046154.html