Thanh Miện tiến nhanh về đích nông thôn mới
Huyện Thanh Miện có diện tích tự nhiên 123,5 km2, dân số 136.104 người. Đa phần người dân địa phương làm nông nghiệp nên kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Năm 2010, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn huyện chỉ đạt từ 5-6 tiêu chí/xã, phần lớn các tiêu chí chưa đạt thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ nghèo cao, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên thấp...
Để tháo gỡ những khó khăn trên, huyện Thanh Miện đã nỗ lực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực hướng dẫn, đôn đốc các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Chủ động lập quy hoạch, đề án, huy động nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, phát triển sản xuất, thanh quyết toán nguồn vốn xây dựng NTM.
Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện tổ chức các cuộc họp định kỳ nhằm đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục và đề ra phương hướng cụ thể. Qua đó công tác kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc và giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn địa phương, tạo ra các bước đột phá trong xây dựng NTM.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhất là xây dựng Thanh Miện trở thành huyện NTM, Đảng bộ, chính quyền huyện đã huy động nhiều nguồn lực. Từ năm 2010 đến hết tháng 8.2019, toàn huyện đã huy động hơn 2.822 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã 384,12 tỷ đồng, người dân đóng góp 436 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp, HTX trên địa bàn 151 tỷ đồng... Trong 10 năm qua, nhân dân các xã, thị trấn đã đóng góp ngày công lao động, hiến đất để làm đường nông thôn, nội đồng, các công trình văn hóa, thể thao, chỉnh trang đồng ruộng với tổng trị giá hơn 436 tỷ đồng.
Đến nay, hầu hết công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã đều được đầu tư xây dựng, sửa chữa khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng lòng của người dân, đến nay không chỉ hạ tầng cơ sở được đầu tư chỉnh trang mà tổ chức bộ máy của hệ thống chính quyền, các đoàn thể chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động. Huyện đã quy hoạch được 3 cụm công nghiệp gồm: Đoàn Tùng, Ngũ Hùng - Thanh Giang và Cao Thắng với tổng diện tích khoảng 131,66 ha, hiện có 15 dự án phát triển sản xuất công nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho 32.790 lao động.
Những nhóm ngành sản xuất chủ yếu của huyện như may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất đồ mộc... tăng trưởng khá. Số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn khá ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động và góp phần phát triển kinh tế của huyện. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng đạt 286,2 tỷ đồng/năm; giá trị sản xuất ngành dịch vụ, thương mại đạt 1.170 tỷ đồng/năm.
Huyện đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất lúa tập trung “một vùng, một giống, một thời gian” với quy mô 30 ha/vùng trở lên. Năng suất lúa đạt từ 110-120 tạ/ha/năm. Hình thành được vùng nuôi thủy sản tập trung tại các xã Đoàn Kết, Ngũ Hùng, vùng rau màu tập trung tại các xã Phạm Kha, Lam Sơn. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,8 triệu đồng, tăng 33,6 triệu đồng/người so với năm 2011.
Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm đầu tư. Đa số các trường học và trạm y tế trong huyện đạt chuẩn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển, an sinh xã hội được chăm lo. Công tác an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được tăng cường... Cuối năm 2019, toàn bộ các xã, thị trấn của huyện Thanh Miện đã về đích NTM, sớm hơn kế hoạch đề ra 1 năm.
ĐỒNG DŨNG MẠNH, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện