Thanh niên khởi nghiệp bằng mô hình nuôi lợn bản theo hướng hữu cơ

Từng đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, tuy nhiên do ảnh hưởng của COVID-19, công việc bấp bênh, anh Lê Văn Hóa, ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa phải về nước trước thời hạn. Dù gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm 'đã không làm thuê xứ người thì về làm chủ ở quê mình', anh Hóa đã xây dựng thành công trang trại nuôi lợn bản theo hướng hữu cơ, khép kín.

 Anh Lê Văn Hóa chăm sóc đàn lợn giống tại khu trang trại của mình -Ảnh: B.L

Anh Lê Văn Hóa chăm sóc đàn lợn giống tại khu trang trại của mình -Ảnh: B.L

Hóa sinh năm 1992. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Huế, ngành điện tử viễn thông, nhận thấy khó có thể tìm được một công việc phù hợp, lương ổn định tại quê hương, anh quyết định làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Sau 3 năm hết hạn hợp đồng, công việc tại Nhật khá thuận lợi, anh tiếp tục gia hạn thêm 2 năm hợp đồng. Nếu mọi việc thuận lợi, năm 2022, anh sẽ về nước sau khi hoàn thành hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2020, COVID-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp mà anh trực tiếp làm việc tại Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, công việc nơi xứ người bấp bênh không ổn định, chàng thanh niên trẻ quyết định trở về quê lập nghiệp và khởi nghiệp bằng mô hình nuôi lợn bản theo hướng hữu cơ, khép kín.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu trang trại rộng hơn 500 m2 được đầu tư khá quy mô, bài bản, Hóa chia sẻ: “Cuộc sống gia đình khó khăn nên thời gian đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, tôi đã quyết tâm dành dụm tiền để sau khi về nước sẽ khởi nghiệp bằng tiền của mình làm ra và bằng chính kinh nghiệm mình học hỏi được mà không phải phụ thuộc vào ba mẹ. Từ quyết tâm đó, thời gian 3 năm làm việc ổn định tại Nhật Bản, tôi đã tiết kiệm được một khoản tiền, đồng thời thông qua một số kênh thông tin, tôi học hỏi được kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi lợn bản. Mô hình này vừa đem lại thu nhập khá cao, đầu ra cũng ổn định mà lại phù hợp với điều kiện miền núi quê tôi. Vì vậy, khi công việc ở Nhật trở nên bấp bênh, tôi quyết định về quê, bắt tay ngay vào làm trang trại chăn nuôi lợn bản theo hướng hữu cơ, khép kín”.

Nghĩ là làm, từ tháng 11/2020, ngay sau khi trở về nước, Hóa đầu tư tiền thuê nhân công, mua con giống và xây dựng trang trại một cách bài bản, bố trí khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi đàn lợn gồm: Khu xử lý thức ăn, khu nuôi lợn và hầm biogas xử lý phân, nước thải, lắp đặt hệ thống nước uống tự động… Hệ thống chuồng trại được xây dựng cách biệt với khu dân cư, thông thoáng, thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng, cách ly với môi trường xung quanh. Hiện nay, khu trang trại khép kín của Hóa có 20 lợn nái, gần 100 lợn giống, lợn thịt. Mỗi tháng, 20 lợn nái sinh sản khoảng 30 lợn con. Lợn con sẽ được tiếp tục nuôi cho đến khi bán thịt. Mỗi tháng sau khi trừ chi phí, trang trại của Hóa mang lại thu nhập từ 12 triệu - 15 triệu đồng.

Hiện tại, sau khi trang trại đã đi vào hoạt động ổn định, để giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, đồng thời tăng nguồn thu, Hóa lại tiếp tục tìm hiểu để kết hợp xây dựng mô hình nuôi giun quế nhằm xử lý phân lợn thành phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Từ ý tưởng và những ý nghĩa thực tiễn mang lại, mô hình của Lê Văn Hóa đã được Tỉnh đoàn chọn là một trong 10 mô hình sáng kiến về chuyển đổi việc làm, phát triển kinh tế được hỗ trợ kinh phí để xây dựng.

Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa Nguyễn Anh Cư nói rằng: “Có thể khẳng định với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ, anh Hóa đã bước đầu gặt hái được những kết quả tốt đẹp trong quá trình phát triển kinh tế tại địa phương. Đặc biệt, trong thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của nhiều thanh niên, nhiều người rơi vào bế tắc thì anh đã tiên phong vượt khó, thay đổi cách nghĩ, cách làm để khẳng định bản lĩnh của bản thân, của tuổi trẻ bằng việc mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế có nhiều triển vọng. Thông qua cách làm và mô hình của anh Hóa, chúng tôi cũng đã giới thiệu, kết nối để anh nhận được những hỗ trợ cần thiết lập nghiệp. Đặc biệt mới đây, mô hình chăn nuôi giun quế để xử lý, tạo phân hữu cơ vi sinh và làm nguồn thức ăn chăn nuôi của Hóa được kết nối để hỗ trợ với tổng kinh phí 80 triệu đồng. Đây được xem là nguồn hỗ trợ quan trọng, tạo động lực lớn lao để Hóa khởi nghiệp, đồng thời qua đó thúc đẩy quyết tâm lập nghiệp trên quê hương cho thanh niên địa phương”.

Không chỉ nuôi lợn bản đem lại thu nhập ổn định, anh Hóa còn nuôi thêm ngan, gà, bồ câu thịt… để tăng thêm thu nhập. Từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trẻ tại địa phương. Đặc biệt, quyết tâm và tư duy làm kinh tế của anh giúp nhiều thanh niên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn lập nghiệp, làm giàu ngay trên chính quê hương mình.

Bích Liên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=162412&title=thanh-nien-khoi-nghiep-bang-mo-hinh-nuoi-lon-ban-theo-huong-huu-co