Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp

Bản lĩnh, năng động, sáng tạo, những thanh niên nông thôn của tỉnh không ngại khó khăn, mạnh dạn khởi nghiệp bằng các dự án (DA), mô hình với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Khởi nghiệp phát triển du lịch từ văn hóa bản địa

Nguyễn Thị Kim Phương - cô gái người Tày ở xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) mang trọn tâm huyết, ý chí vào thực hiện DA “Du lịch cộng đồng Tày’s Homestay kết hợp với nghề thủ công đan lát”. DA của Phương xuất sắc vượt qua hàng nghìn DA, mô hình của thanh niên nông thôn trên khắp cả nước và giành giải ba Cuộc thi “DA khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động.

Quyết tâm biến đam mê trở thành hành động, năm 2020, Phương lựa chọn làm homestay và bước đầu kết hợp với việc khôi phục nghề thủ công truyền thống đan lát làm hướng khởi nghiệp ngay tại Làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky. Với số vốn gần 1 tỷ đồng, Phương thuyết phục người thân ủng hộ và mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng Tày’s Homestay trên diện tích 500 m2, gồm 1 nhà sàn cộng đồng 2 tầng, sân sinh hoạt chung với không gian rộng rãi, tổ chức các hoạt động đốt lửa trại, nhảy sạp, giao lưu văn nghệ, hát Then, đàn tính... Nắm bắt được xu thế phát triển của công nghệ thông tin, Phương chủ động quảng bá homestay qua mạng xã hội, đăng ký đặt phòng trên các website Booking.com, Agoda.com. Qua 2 năm đi vào hoạt động, Tày’s Homestay có lượng khách ổn định, trung bình 450 lượt khách/tháng. Năm 2023, homestay mở rộng thêm 1 nhà sàn 2 tầng với 6 phòng nghỉ và phòng tắm lá thuốc. Hiện nay, bà con trong xóm thành lập tổ hợp tác đan lát nón Tày và bện ghế rơm. Sản phẩm từ bàn tay khéo léo của người dân được Phương hỗ trợ giới thiệu, bày bán tại Tày’s Homestay và một số homestay trong bản, nhà hàng tại khu vực thác Bản Giốc. Phương tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đan lát tại các điểm du lịch, cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ và bán online… nhằm mở rộng cánh cửa để giải quyết đầu ra cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Kim Phương (ngoài cùng bên trái) và người dân xóm Khuổi Ky đan lát sản phẩm thủ công truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Kim Phương (ngoài cùng bên trái) và người dân xóm Khuổi Ky đan lát sản phẩm thủ công truyền thống.

Du khách đến với Tày’s Homestay được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của một gia đình truyền thống người Tày như: ăn, ngủ tại nhà sàn, làm việc cùng người dân, leo núi khám phá hệ thống hang động; tự tay bện ghế rơm, đan nón lá và lựa chọn những sản vật của địa phương để làm quà...

Chị Huỳnh Như Ý, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh lưu trú tại Tày’s Homestay cho biết: Đây là chuyến du lịch đầu tiên đem lại cho gia đình tôi nhiều trải nghiệm thú vị như vậy. Chúng tôi cùng hái rau, đạp xe quanh làng, vào bếp nấu ăn cùng các bà, các chị người Tày; tôi rất thích nghe đàn tính. Sau chuyến du lịch này, tôi nhất định sẽ cùng bạn bè quay trở lại đây để tiếp tục khám phá nhiều điều thú vị khác.

Khát vọng khơi dậy và phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, tạo ra nguồn thu nhập ổn định để cải thiện kinh tế gia đình và tạo sinh kế cho cộng đồng, DA “Du lịch cộng đồng Tày’s Homestay kết hợp với nghề thủ công đan lát” của Nguyễn Thị Kim Phương phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch “xanh” bền vững, góp phần bảo tồn không gian văn hóa của người Tày, quảng bá thiên nhiên và văn hóa bản địa đến đông đảo du khách thập phương. Với giải thưởng đạt được từ cuộc thi, Phương được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và được hỗ trợ nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm để tiếp tục mở rộng DA với mức tối đa 300 triệu đồng, đó là tín hiệu tích cực để cô gái Tày tiếp tục hiện thực hóa khát vọng bản thân.

Khai thác hệ sinh thái dược liệu thương phẩm gắn với du lịch

Dù gặp nhiều khó khăn khi mới khởi nghiệp nhưng với tinh thần không ngại đổi mới, đột phá, chị Đinh Thị Minh Thanh, phường Hòa Chung (Thành phố) khởi nghiệp thành công với DA “Hệ sinh thái dược liệu thương phẩm đồng hành phát triển cùng du lịch vùng cao”. Đây là 1 trong 40 DA lọt vòng chung kết Cuộc thi “DA khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023. Với chị Thanh, DA là một hành trình dài gian nan với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đến thăm Tộc Spa - cơ sở dưỡng sinh, trị liệu thảo dược kiêm cửa hàng giới thiệu sản phẩm dược liệu của chị Minh Thanh đúng lúc chị đang hướng dẫn các kỹ thuật cho nhân viên. Chị Thanh cho biết: Năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm việc cho một công ty ở Hà Nội kết hợp bán hàng online các sản phẩm nông sản sạch của Cao Bằng tại Hà Nội. Công việc ổn định, có thu nhập tốt nhưng vì lý do gia đình, đầu năm 2015, tôi quyết định “bỏ phố về quê” và bắt đầu hành trình khởi nghiệp. May mắn cho tôi khi được sinh ra trong gia đình có nghề gia truyền về thuốc dân gian, bà ngoại và mẹ là lương y thuốc Nam. Năm 2015, nhìn quanh vườn nhà đâu đâu cũng là cây thuốc, từ chè đắng, sả, gừng, tía tô, diếp cá, hương nhu, sâm đất… tôi đang nuôi con nhỏ cũng được bà và mẹ tìm các loại cây lợi sữa về tắm cho bé. tôi chợt nghĩ: Tại sao tiềm năng cây dược liệu ở Cao Bằng nhiều vậy mà không phát triển, chia sẻ cho mọi người biết đến và sử dụng thì thật lãng phí. Và ý tưởng khởi nghiệp về chế biến, sản xuất các sản phẩm từ thảo dược được nhen nhóm trong tôi.

Từ cảm nhận của chính bản thân về giá trị các sản phẩm cây thảo dược mang lại và nắm bắt xu hướng tiêu dùng những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn, có lợi cho sức khỏe, chị Thanh hiện thực hóa ý tưởng táo bạo đó. Bắt tay vào làm, chị tỉ mỉ từng công đoạn, tự mình đi nhiều địa phương trong tỉnh để tìm kiếm nguồn nguyên liệu cho đến quá trình chế biến, đóng gói, cho ra thành phẩm cuối cùng. Khách hàng đầu tiên của chị là người thân, bạn bè, đồng nghiệp cũ... Thuốc tốt lành bệnh, tiếng lành đồn xa, dần dần mọi người thấy hiệu quả từ những sản phẩm của chị làm ra nên sự lan tỏa ngày càng nhiều hơn.

Xưởng sản xuất dược liệu Thanh Vân 88 đóng gói sản phẩm cho khách hàng.

Xưởng sản xuất dược liệu Thanh Vân 88 đóng gói sản phẩm cho khách hàng.

Chị Thanh quyết định mở rộng và nâng cấp nhà xưởng, trang bị thêm máy móc, thiết bị và nhân công để hoàn thiện quá trình sản xuất. Ngoài tác dụng điều trị bệnh, các loại dược liệu còn được sản xuất thành thực phẩm dinh dưỡng, đồ uống, mỹ phẩm. Các sản phẩm được tinh chế từ Xưởng sản xuất dược liệu Thanh Vân 88 của chị chủ yếu, gồm: thảo dược ngâm chân, gối chườm thảo dược, cao tắm sau sinh, cao gắm, cao chè đắng, cao chè dây, cao hà thủ ô đỏ, cao giảo cổ lam…, đều đảm bảo quy chuẩn chất lượng do cơ quan có thẩm quyền cấp, mẫu mã đẹp, dễ sử dụng cũng như làm quà tặng cho khách du lịch. Không chỉ sản xuất bán lẻ cho người dân và khách du lịch, xưởng còn đáp ứng tiêu chuẩn gia công dược liệu cho các thương hiệu, đảm bảo tiến độ với nhiều đơn hàng lớn. Để sản phẩm đến gần hơn với khách hàng, chị tối ưu hóa hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Shopee, Tiktok, Facebook và được khách hàng tin tưởng giới thiệu tới nhiều người.

Theo ông Mai Kiên Dũng, 72 tuổi, tổ 1 phường Hòa Chung (Thành phố), trước đây, tôi đi bệnh viện được chẩn đoán một số bệnh về huyết áp cao, máu nhiễm mỡ. Nghe nhiều người giới thiệu, tôi mua cao giảo cổ lam của Xưởng sản xuất dược liệu Thanh Vân 88 về sử dụng, sau gần 4 tháng, khi tái khám thì tỷ lệ mỡ máu và huyết áp đều về mức ổn định, người cảm thấy khỏe mạnh, ngủ ngon hơn. Hiện tôi duy trì uống thường xuyên.

Chủ động học hỏi, nghiên cứu, kết nối với những người có kinh nghiệm để có được bài học bổ ích, tích cực đưa các sản phẩm từ dược liệu vươn xa ra thị trường đến gần hơn với khách hàng, hiện tại, với dịch vụ Tộc Spa, trung bình mỗi tháng thu hút trên 400 lượt khách và Xưởng chế biến dược liệu Thanh Vân 88 giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với thu nhập trung bình từ 5 - 8 triệu đồng/tháng; đồng thời, tiêu thụ lượng lớn nguồn dược liệu do bà con trồng và thu hái. Chị Thanh tự tin và sẵn sàng bước vào quá trình nhượng quyền thương hiệu Tộc.

Với những nỗ lực trong khởi nghiệp, chị Thanh được Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào doanh nhân trẻ tỉnh, giai đoạn 2017 - 2022.

“DA khởi nghiệp thanh niên nông thôn” nhằm cổ vũ, khuyến khích, định hướng và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế khu vực nông thôn của thanh niên và tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Cuộc thi góp phần sàng lọc ra các DA, ý tưởng khởi nghiệp có chất lượng, phù hợp để triển khai trong thực tiễn. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong tư duy và hành động của thế hệ trẻ về chuyển đổi số nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp “xanh” vì sự phát triển bền vững.

Bảo Bình

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thanh-nien-nong-thon-sang-tao-khoi-nghiep-3167270.html