Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất chủ trương xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh vừa có kết luận về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Theo đó, cơ bản thống nhất chủ trương theo báo cáo, đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố.
Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hồ Chí Minh lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu kỹ, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh Đề án, bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, có cơ sở thực tiễn và khoa học, có tính thuyết phục cao, phù hợp quy hoạch, định hướng của Trung ương và thành phố.
Mục tiêu để đề án phát huy hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững, song song với tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ sau cảng; lưu ý bổ sung các căn cứ, yếu tố lịch sử, dự báo khả năng có thể xảy ra và chủ động có phương án hạn chế tối đa các tác động tiêu cực (môi trường sinh thái, đời sống dân cư...) khi triển khai thực hiện.
Trên cơ sở đó, UBND thành phố sớm báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy trình, quy định.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến được xây tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, giữa 2 luồng đường thủy vào hệ thống cảng lớn nhất nước là Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh) và Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Dự kiến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xây dựng với quy mô tổng chiều dài cầu cảng khoảng 7 km; bến sà lan dự kiến khoảng 2 km. Tổng diện tích xây dựng cảng khoảng 571 ha, trong đó hơn 100 ha là vùng nước hoạt động cảng.
Cảng có thể khai thác tàu có trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay, lên đến 250.000DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 - 65.000 tấn (750 - 5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 tấn (356 Teu). Khi đi vào hoạt động, cảng dự kiến đóng góp cho ngân sách 34.000 đến 40.000 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, phát huy vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực.
Hiện một số ý kiến lo ngại việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể gây tổn hại đến môi trường Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Tuy nhiên, theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, khu vực dự kiến xây cảng nằm trong vùng đệm, không ảnh hưởng đến vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Ngoài ra, khu vực này không nằm trong các khu vực bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước của thành phố.