Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên học sinh lớp 1, lớp 6 được học gần nhà là nhân văn

Học sinh lớp 1, lớp 6 ở Thành phố Hồ Chí Minh được tạo điều kiện thuận lợi học gần nhà theo diện 'nơi ở hiện tại' nhận được nhiều sự đồng tình của phụ huynh.

Học sinh được học gần nhà là nguyện vọng từ nhiều năm qua. Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Theo đó, từ năm học 2025-2026, các quận/huyện xây dựng kế hoạch tuyển sinh linh hoạt dựa trên ba yếu tố: phân bố trường lớp tại địa phương; số lượng trẻ em trong độ tuổi tuyển sinh; thông tin "nơi ở hiện tại" của học sinh từ cơ sở dữ liệu ngành.

Sử dụng hệ thống bản đồ số GIS để tính khoảng cách di chuyển của học sinh, không phân bổ theo ranh giới hành chính phường, nhằm tạo điều kiện cho học sinh học gần nơi ở hiện tại và phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Việc Thành phố Hồ Chí Minh chính thức bỏ địa giới hành chính xã, phường trong tuyển sinh lớp 1 và tuyển sinh lớp 6 nhận được nhiều sự đồng tình của phụ huynh vì một số lí do sau đây.

Thứ nhất, từ nhiều năm qua, nhà học sinh ở gần trường nhưng các em vẫn không được học vì trường nằm ở phường khác. Vậy nên, nhiều học sinh phải đi học xa nhà hàng chục cây số khiến bản thân các em và phụ huynh rất vất vả trong việc đưa đón.

Chị Lê ở Quận 3, có con đang học lớp 6 chia sẻ: "Nhà tôi ở phường Võ Thị Sáu. Phường có đến 4 trường trung học cơ sở, đi bộ chỉ mất chưa đầy 10 phút. Thế nhưng, Phòng Giáo dục và Đào tạo không xếp được chỗ cho con tôi vào học các trường ở cạnh nhà mà xếp qua phường khác đi bộ cả 30 phút".

Thứ hai, hầu hết học sinh lớp 1 (6 tuổi), lớp 6 (12 tuổi) ở Thành phố Hồ Chí Minh không thể tự đi học mà phải có phụ huynh đưa đón. Bởi vì, đường sá chật chội, xe cộ đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, trong khi không phải nhà em nào cũng gần trường.

Cùng với đó, ở địa phương này chỉ có 2 mùa: mùa mưa và mùa khô. Học sinh nhỏ tuổi nếu phải dầm mưa, dãi nắng lâu ngày thì sẽ bị bệnh. Đó cũng là lí do rất hiếm khi nhìn thấy học sinh tiểu học đạp xe đến trường như ở vùng nông thôn.

Thứ ba, việc ngành giáo dục địa phương bỏ địa giới hành chính xã, phường trong tuyển sinh đầu cấp đối với lớp 1, lớp 6 sẽ góp phần giảm thiểu tiêu cực "chạy" trường, "chạy" lớp, được phụ huynh râm ran cho biết đã tồn tại từ hàng chục năm qua.

Anh Minh ở Thủ Đức nói: "Nghịch lý là nhiều phụ huynh phải "chạy" trường cho con dù chỗ học rất xa nhà. Tôi đã từng chứng kiến, có phụ huynh ở Quận 2 cũ nhưng "vẫn" chạy cho con vào một ngôi trường có tiếng ở Quận 1. Bây giờ, con ai học xa nhà cả chục cây số thì những người có trách nhiệm phải đặt nghi vấn với hiệu trưởng".

Hiện tại, những trường hợp học sinh được phân bổ trường xa nhà, không hợp lý thì phụ huynh phải liên hệ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện để được giải quyết rất mất thời gian, công sức. Chưa kể, số lượng học sinh lớp 1, lớp 6 ở Thành phố Hồ Chí Minh rất đông, cơ quan quản lí giáo dục cũng rất khó khi phải giải quyết cho từng trường hợp một vì phải kiểm tra hồ sơ, tìm minh chứng, ra quyết định.

Thứ tư, việc ngành giáo dục tạo điều kiện cho học sinh lớp 1, lớp 6 được học gần nhà theo diện "nơi ở hiện tại" là rất dễ thực hiện. Chỉ cần kiểm tra trên căn cước công dân/căn cước điện tử VNEID là biết được "nơi ở hiện tại" của các em – chứ không phải nơi đăng kí thường trú.

Cùng với đó, hàng năm chính quyền địa phương phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo thống kê số lượng học sinh lên lớp 1, lớp 6 ở từng phường, sau đó phân bổ các em về các trường gần nhà. Như thế, các nhà trường bắt buộc phải nhận chỉ tiêu phân bổ này, nếu phát sinh thiếu chỗ học thì mới tính đến phương án khác.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-uu-tien-hoc-sinh-lop-1-lop-6-duoc-hoc-gan-nha-la-nhan-van-179250402075927481.htm