Thành phố Nam Định nâng cao năng lực quản lý đô thị
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, thành phố Nam Định có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo các điều kiện đô thị trung tâm vùng theo tinh thần của Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, UBND thành phố xác định đi đôi với đầu tư xây dựng là phải nâng cao năng lực quản lý... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, thành phố Nam Định có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo các điều kiện đô thị trung tâm vùng theo tinh thần của Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, UBND thành phố xác định đi đôi với đầu tư xây dựng là phải nâng cao năng lực quản lý và phát triển đô thị. Vì thế, UBND thành phố Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 24-8-2021 về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025.
UBND thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển thành phố Nam Định nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng; là trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, văn hóa và thể thao, giáo dục và đào tạo, y tế; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, ngang tầm với các thành phố loại I của cả nước; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc; năm 2030, thành phố Nam Định là đô thị thông minh, hiện đại, cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Một số chỉ tiêu cụ thể: đến năm 2025, giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, thu ngân sách Nhà nước đạt trên 4.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 150 triệu đồng/năm; sớm hoàn thành mở rộng địa giới hành chính theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 17-9-2020; nâng cấp ít nhất 2 xã thành phường, đảm bảo quy mô, không gian và các điều kiện đô thị cấp phường. Để hoàn thành được các mục tiêu trên, thành phố đã đề ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm, đồng bộ: huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng thành phố trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng”, trọng tâm là xây dựng nếp sống “văn minh đô thị”, “văn hóa giao thông” thường xuyên liên tục; phát huy vai trò của người dân là chủ thể xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp - văn minh, tiến tới hiện đại. Cùng với đó, UBND thành phố chủ trương tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, mở rộng phát triển không gian thành phố Nam Định. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. UBND thành phố giao Phòng Quản lý đô thị chủ động phối hợp với các phòng chức năng; các sở, ngành chức năng của tỉnh tổ chức lập, điều chỉnh và công khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố (bao gồm cả địa giới hành chính thành phố sau khi mở rộng); quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phân khu phía Nam sông Đào; tổ chức triển khai, thực hiện tốt “Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt, “Quy chế quản lý kiến trúc đô thị” theo Quy hoạch chung được phê duyệt nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố. Trong năm 2021, thành phố Nam Định đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 14-1-2021 phê duyệt kế hoạch lập điều chỉnh quy hoạch phân khu trên địa bàn theo Quyết định số 1422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định số 119/QĐ-UBND trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2024, thành phố Nam Định sẽ chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc lập, xin ý kiến các sở, ngành thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt 5 đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu. Trong đó đồ án quy hoạch phân khu I gồm 13 phường khu trung tâm thành phố (Trần Tế Xương, Vị Xuyên, Quang Trung, Nguyễn Du, Vị Hoàng, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Trần Đăng Ninh, Bà Triệu, Năng Tĩnh, Trường Thi, Cửa Bắc) với diện tích khoảng 635ha. Quy hoạch phân khu II gồm 4 phường Hạ Long, Lộc Hạ, Thống Nhất, Lộc Vượng với diện tích khoảng 914ha. Quy hoạch phân khu III gồm 2 phường Lộc Hòa, Mỹ Xá với diện tích khoảng 1.265ha. Quy hoạch phân khu IV gồm các phường Trần Quang Khải, Văn Miếu và xã Lộc An với diện tích khoảng 467ha. Quy hoạch phân khu V gồm các xã Nam Vân, Nam Phong và phường Cửa Nam với diện tích khoảng 1.361ha. Phối hợp với các đơn vị để xây dựng đề án mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập 5 xã của huyện Nam Trực, 3 xã của huyện Vụ Bản và toàn bộ huyện Mỹ Lộc về thành phố Nam Định theo Quyết định số 1422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở quy hoạch địa giới hành chính mở rộng, tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng. Phát huy, khai thác có hiệu quả lợi thế khu vực hai bên Đại lộ Thiên Trường, đường Lê Đức Thọ, tuyến đường dẫn cầu Tân Phong và đường trục phía Nam sông Đào...
Cùng với nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về xây dựng mà trọng tâm là hoạt động lập và thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, trong giai đoạn 2021-2025 thành phố Nam Định chủ trương tập trung các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ, là cơ sở để thành phố Nam Định phát huy vai trò trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh và của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, thành phố đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm tạo điểm nhấn về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố Nam Định như: Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, đường trục trung tâm phía Nam thành phố, các tuyến đường gom dọc Quốc lộ 10, chỉnh trang mở rộng đường dẫn cầu Tân Phong, nâng cấp hệ thống công trình phòng chống lụt bão hữu sông Hồng và tả sông Đào, Khu thiết chế công đoàn... Khởi công, phấn đấu hoàn thành các dự án: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, Dự án xây dựng đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Nam Định... Đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp, cải tạo chỉnh trang hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống giao thông đô thị, cấp điện và chiếu sáng, công viên, cây xanh, thể dục, thể thao công cộng và các công trình công cộng. Khuyến khích đầu tư xây dựng mới các cụm sân chơi, bãi tập, công trình thể thao tại các khu công cộng, công viên… và các công trình kiến trúc tạo điểm nhấn của đô thị, nhằm xây dựng cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Việc triển khai thực hiện đúng các quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị là một cách thiết thực khẳng định vị thế của đô thị trăm năm tuổi bên bờ sông Đào./.
Bài và ảnh: Thành Trung