Thành phố Tam Điệp: Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững

Với phương châm phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thời gian qua, thành phố Tam Điệp đã chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại II, gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp một cách bền vững.

Thành phố Tam Điệp hôm nay. Ảnh: Thế Minh

Thành phố Tam Điệp hôm nay. Ảnh: Thế Minh

Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, thành phố Tam Điệp tập trung tái cơ cấu nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng khai thông hiệu quả không gian tăng trưởng mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thành phố quan tâm, ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, cơ khí chính xác. Đồng thời phát triển ổn định ngành công nghiệp khai thác, sản xuất xi măng, thép, ngành may, giầy da, trang thiết bị y tế; tập trung phát triển công nghiệp chế biến rau quả xuất khẩu đi đôi với mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, thành phố tập trung thực hiện tốt các chương trình, chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển; phối hợp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; lãnh đạo UBND thành phố thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi phát triển doanh nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã quy hoạch 2 khu công nghiệp và một cụm công nghiệp, đó là: Khu công nghiệp Tam Điệp I với diện tích 64 ha (có tổng số 15 dự án, 9 doanh nghiệp đang hoạt động với trên 40.000 lao động); khu công nghiệp Tam Điệp II với tổng diện tích 386 ha (đang triển khai và thu hút các nhà đầu tư) và cụm công nghiệp Trung Sơn (cụm công nghiệp được quy hoạch nhằm thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường như: Sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm (từ cây trồng); Sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các ngành: Chế biến nông sản thực phẩm (từ cây trồng), ngành công nghiệp điện tử và công nghiệp công nghệ cao).

Đến nay, toàn bộ diện tích của các khu công nghiệp đã được lấp đầy, tạo việc làm ổn định cho trên 70.000 lao động; thu nhập bình quân từ 5,5-8 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp từng bước thích ứng với cơ chế mới, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh được nâng lên, giữ vững thị trường trong nước và từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Các ngành sản xuất xi măng, thép, may mặc, giầy da, trang thiết bị y tế, nông sản xuất khẩu là những ngành chủ yếu, có giá trị và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Công nghiệp chế biến rau quả trên địa bàn thành phố Tam Điệp ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Thế Minh

Trong nhiều năm qua, thành phố Tam Điệp đã có nhiều giải pháp huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tam Điệp I; kêu gọi thu hút nhà đầu tư có năng lực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Tam Điệp II theo mô hình hệ sinh thái công nghiệp; hoàn thiện thủ tục đầu tư, sớm triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp Trung Sơn thu hút các dự án có giá trị sản xuất lớn, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Đồng thời chú trọng phát triển ổn định ngành công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, ngành may, giầy da; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến rau quả đi đôi với mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm.

Sản xuất công nghiệp ổn định và tiếp tục phát triển. Khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế. Doanh thu công nghiệp năm 2022 ước đạt 10.754,3 tỷ đồng (giá thực tế) tăng 19% so với năm 2020; 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 4.845 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022. Thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công nghiệp thời gian qua đã tạo nền tảng quan trọng để thành phố Tam Điệp đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng công nghiệp theo hướng xanh, bền vững, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thanh-pho-tam-diep-phat-trien-cong-nghiep-theo-huong-ben/d20231023223158737.htm