Thành quả ban đầu từ những quyết sách đúng đắn
Dư địa để Việt Nam hoàn thành các mục tiêu chính của năm 2025 là rất lớn, được thể hiện qua những kết quả đáng nghi nhận trong 6 tháng qua như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,52%, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 1.591,9 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư công thực hiện được 291,9 nghìn tỷ đồng, vốn FDI đăng ký đạt 21,52 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 432 tỷ USD, có 152,7 nghìn doanh nghiệp mới gia nhập thị trường…

Dây chuyền sản xuất mô đun camera và linh kiện điện tử xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH MCNEX VINA (100% vốn Hàn Quốc), khu công nghiệp Phúc Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Vũ Sinh/ TTXVN
Những quyết sách lớn ở đầu “năm bản lề”
Năm 2025 là năm có nhiều cột mốc lịch sử quan trọng, năm then chốt để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (2021 – 2025), được kỳ vọng là “năm bản lề” mở ra thời kỳ thịnh vượng của đất nước.
Chính vì vậy mà từ cuối tháng 12/2024 đến hết tháng 6/2025, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ra nhiều quyết sách quan trọng nhằm tạo đà cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trước hết, đó là “Bộ tứ trụ cột” giúp Việt Nam cất cánh do Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.

Dây chuyền sản xuất túi nhựa dùng trong lĩnh vực đóng gói hàng hóa ở nhà máy của Công ty TNHH Malpensa Plant Việt Nam (100% vốn Nhật Bản), khu công nghiệp Chân Mây, thành phố Huế. Ảnh: Vũ Sinh/ TTXVN
Bộ tứ Nghị quyết tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; đưa ra những định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như kinh tế, xã hội, xây dựng thể chế; tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong 6 tháng qua, sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, sự điều hành hiệu quả của Chính phủ, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị về việc tinh gọn bộ máy, “sắp xếp lại giang sơn”, đơn giản các thủ tục hành chính… đã tạo niềm tin cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như người dân.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội (từ ngày 5/5 đến 30/6/2025) đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp cùng với nhiều luật, nghị quyết đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế - xã hội lớn hơn, giao quyền cho các đơn vị trực tiếp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Chính phủ đã phát động và tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện cuộc đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ quyền lợi, củng cố niềm tin người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở. Đây là yếu tố cơ bản giữ vững ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước linh hoạt điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường, với tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn của các tổ chức tín dụng.
Con số ấn tượng bên cạnh mức tăng GDP
Các chuyên gia kinh tế và truyền thông trong và ngoài nước quan tâm nhiều tới mức tăng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, nền kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng 7,52%, cao nhất so với mức tăng cùng kỳ của giai đoạn 2011-2025.
Con số này rất có ý nghĩa bởi mức tăng trưởng GDP phản ánh tình hình sức khỏe của một nền kinh tế, tác động đến mức sống của người dân, tạo ra việc làm và thúc đẩy đầu tư, đổi mới.

Phân loại, chế biến hạt hạnh nhân xuất khẩu ở nhà máy của Công Ty TNHH Gold Tree Food Việt Nam (100% vốn Trung Quốc), khu công nghiệp Tứ Hạ, thành phố Huế. Ảnh: Vũ Sinh/ TTXVN
Mức tăng 7,52% trong nửa đầu năm tạo ra dự địa lớn để nước ta đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào cuối năm.
Con số 8% là mức tối thiểu cần đạt được trong năm nay, tạo tiền đề cho mức tăng GDP 10% hoặc hơn vào các năm sau. Có như vậy, chúng ta mới kịp hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao với thu nhập bình quân đầu người khoảng 15.000 USD vào năm 2045.
Mức tăng trưởng trung bình 5-7%/năm như trong thời gian dài qua không thể giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Vào năm 2024 nước ta đứng thứ 4 ở Đông Nam Á (sau Indonesia với 1.470 tỷ USD, Thái Lan - 548,89 tỷ USD, Singapore - 525,22 tỷ USD), thứ 14 ở châu Á và thứ 33 trên thế giới, có thu nhập trung bình đầu người là 4.700 USD.
Bên cạnh mức tăng GDP khá cao thì trên bức tranh kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm còn có nhiều mảng màu sáng khác rất đáng ghi nhận.
Trong bối cảnh mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 chỉ đạt 2,8%, tăng trưởng thương mại chỉ ở mức 1,7%, bằng một nửa so với mức tăng của năm 2024, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thì các chỉ số kinh tế đối ngoại của Việt Nam vẫn tăng trưởng đáng kể, dù bị tác động hết sức mạnh mẽ từ các biến động của thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2025 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó vốn đăng ký điều chỉnh của 826 lượt dự án đã được cấp phép từ những năm trước đạt 8,95 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2024), thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào các chính sách vĩ mô của Chính phủ Việt Nam.

Nhiều giải pháp về công nghệ và nhân lực đã được đề ra để đảm bảo dòng vốn FDI vào Việt Nam thực sự trở thành cú hích mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN
Vốn FDI giải ngân đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1%, mức cao nhất của kỳ 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường nước ta, đồng thời khẳng định năng lực hấp thu và giải ngân vốn FDI của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, số dự án mới đăng ký đạt mức cao với 1.988 dự án được cấp phép, tăng 21,7%.
Dù có nhiều biến động bởi tình hình thế giới, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn đạt 432 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4%.
Kim ngạch xuất khẩu bình quân của từng tháng tăng dần qua các tháng: bình quân 2 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 32,13 tỷ USD/tháng; bình quân 3 tháng đạt 34,26 tỷ USD/tháng; bình quân 6 tháng đạt 36,63 tỷ USD/tháng, tăng 6,9 điểm phần trăm so với bình quân 3 tháng đầu năm 2025.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có 152.700 doanh nghiệp gia nhập thị trường, bình quân mỗi tháng có 25.400 cơ sở, lớn gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Như vậy, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế đã được củng cố mạnh mẽ.
Những thành tựu qua gần 40 năm Đổi mới, đặc biệt là thời gian gần đây đã cho thấy con đường để phát triển đất nước do Đảng ta vạch ra đang ngày càng chứng tỏ tính đúng đắn. Những luận điệu xuyên tạc sẽ không có cơ hội trước những bằng chứng hiển nhiên, khi đời sống nhân dân ngày một tốt hơn. Nhất là trong nửa đầu năm 2025, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không phải là "hình thức", "cản trở" hay "làm mất động lực" phát triển như các thế lực thù địch rêu rao, mà ngược lại đã khẳng định bước đầu về một chính quyền gần dân, sát dân, hiệu lực, hiệu quả.