Thanh toán không tiền mặt tăng tốc
Thanh toán không tiền mặt đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Từ chỗ người dân còn e ngại với phương thức thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, thì đến nay phương thức thanh toán này đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Việt Nam trong top đầu thế giới về thanh toán số
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến cuối năm 2024, tổng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 17,7 tỷ giao dịch với giá trị 295 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 56% về số lượng và 32% về giá trị so với cuối năm 2023.

Ảnh minh họa
Giao dịch bình quân trên đầu người của Việt Nam đã tiệm cận với Thái Lan, Ấn Độ và gần đuổi kịp Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hưng Nguyên - Phó Tổng Giám đốc NAPAS - cho biết thực tế thanh toán tài khoản đến tài khoản thuộc top đầu, khoảng vị trí thứ 5 - 7 thế giới nhờ lối sống mới trên môi trường số của người Việt.
Các phương thức thanh toán hiện đại như mobile banking, internet banking, ví điện tử và đặc biệt là QR code đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 40% đến hơn 100% về số lượng và giá trị giao dịch.
6 tháng đầu năm 2025, thanh toán không tiền mặt ở nhiều lĩnh vực vẫn tiếp tục chiều hướng tăng trưởng tốt ở khối dịch vụ công lẫn tư nhân, cho thấy sự tiện lợi, trải nghiệm trong thanh toán ngày càng được ưu tiên.
Ở khối dịch vụ công, đáp ứng chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực công của Chính phủ, nhiều cơ quan nhà nước và đơn vị công lập đã chuyển sang thanh toán không tiền mặt. Các loại phí, lệ phí hành chính tại UBND, sở, ban, ngành đều đã được tích hợp thanh toán trực tuyến.
Đặc biệt, tại các TP lớn, phương tiện công cộng như metro, xe buýt nhanh đã ứng dụng thanh toán không tiền mặt.
Ở khối doanh nghiệp tư nhân, tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu về thanh toán điện tử, nhờ việc các chuỗi cửa hàng ngày càng phổ cập hình thức không dùng tiền mặt, đồng thời được thúc đẩy bởi loạt ưu đãi từ ngân hàng và tổ chức thẻ. Một số lĩnh vực khác như bán lẻ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, nhờ nhu cầu chi tiêu thiết yếu của người dân vẫn ở mức cao.
Trước đây nếu chúng ta ra ngoài mà không mang tiền mặt theo thì không thể thanh toán được. Còn giai đoạn hiện nay và tương lai, tất cả các dịch vụ ngân hàng đều được cung cấp trên môi trường số.
Giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ là hình thức thanh toán rẻ, nhanh, không phụ thuộc khoảng cách địa lý, mà còn giúp số hóa dòng tiền và quản lý tài chính thông minh; thúc đẩy phát triển mobile Banking, ví điện tử, thẻ, mã QR code, Vn Pay, thanh toán qua điện thoại.
Các nền tảng thanh toán trực tuyến như ngân hàng số và ví điện tử hiện nay đang được người dùng ưa chuộng hơn so với thẻ vật lý. Kết quả khảo sát cho thấy 62% thanh toán bằng ứng dụng website, ngân hàng; 48% ví điện tử (Momo, ShopeePay,...)/nền tảng thanh toán trực tuyến (VNpay, Onepay,...); 38% thẻ ngân hàng (thẻ cứng/thẻ vật lý) như thẻ ATM, thẻ tín dụng...
100% nghiệp vụ cơ bản được số hóa hoàn toàn
Rất nhiều công nghệ mới được áp dụng. Nhiều ngân hàng đã triển khai dịch vụ Apple Pay, Google pay… Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dùng, ngành ngân hàng nỗ lực cải tiến sản phẩm dịch vụ. Các nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% như gửi tiền tiết kiệm, mở tài khoản, mở thẻ, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...
Năm 2025 được xem là một dấu mốc quan trọng trong phát triển kinh tế số. Đây là thời điểm tổng kết Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, cũng là thời điểm nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ sang mô hình kinh tế số toàn diện.
“Việt Nam đang có tiềm năng phát triển nền kinh tế số đáng kể. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm 45%, mục tiêu 97% giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt có thể đạt được vào năm 2030 nếu vượt qua được các rào cản về cơ sở hạ tầng và an ninh mạng, theo định hướng mà Chính phủ đề ra”- ông Sapan Shah - Phó Chủ tịch cấp cao, phụ trách mạng lưới chấp nhận thanh toán khu vực Châu Á-Thái Bình Dương Mastercard nhận định.
Tuy nhiên, thanh toán không dùng tiền mặt vẫn tồn tại điểm yếu như thói quen dùng tiền mặt còn phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi và vùng nông thôn, cùng với chi phí đầu tư hạ tầng cao và lo ngại về bảo mật thông tin. Đặc biệt, tội phạm mạng ngày càng gia tăng với diễn biến khó lường khi sử dụng cả trí tuệ nhân tạo, các công nghệ để ứng dụng vào các chiêu trò, lừa đảo.
Theo ông Sapan Shah, muốn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trước tiên Việt Nam cần xây dựng một nền tảng thanh toán kỹ thuật số mạnh mẽ và có thể truy cập rộng rãi đòi hỏi phải đầu tư vào các mạng internet tốc độ cao để đảm bảo quyền truy cập công nghệ, kể cả ở các vùng xa xôi. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên được khuyến khích phát triển các giải pháp thanh toán kỹ thuật số đơn giản, tiết kiệm chi phí và thân thiện với người dùng, cho phép mọi tầng lớp xã hội tham gia. Song song với đó, chú trọng đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trở nên phổ biến và mở rộng quyền truy cập cho người dân đối với những hình thức thanh toán hiện đại.
NHNN cho biết, cả nước có khoảng 200 triệu tài khoản ngân hàng cá nhân đã được mở, tuy nhiên chỉ 113 triệu trong số đó đã được xác thực danh tính bằng sinh trắc học. Con số hơn 86 triệu tài khoản còn lại, vốn không phát sinh giao dịch trong thời gian dài, được xem là tiềm ẩn nhiều rủi ro và sẽ bị loại bỏ. Trên thực tế, nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Techcombank đã chủ động rà soát và khóa các tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ trước khi quy định được áp dụng đồng bộ. Đây được xem là biện pháp mạnh nhằm làm sạch hệ thống tài khoản ngân hàng, đồng thời ngăn chặn tình trạng tội phạm công nghệ cao, gian lận tài chính trên môi trường số.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thanh-toan-khong-tien-mat-tang-toc.771389.html