Hà Nội sẽ kêu gọi doanh nghiệp bán xe xanh với giá hỗ trợ cho người dân

Thành phố Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện chạy xăng, dầu trong khu vực phát thải thấp, trước mắt là Vành đai 1 khu vực trung tâm Thủ đô.

Chiều 15-7, tại tọa đàm “Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô” do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức, nhiều chuyên gia và lãnh đạo bộ, ngành, địa phương khẳng định việc triển khai các chỉ đạo trong Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ là cấp thiết, toàn diện và có lộ trình cụ thể nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường đang gia tăng ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội.

Hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: TP đang xây dựng cơ chế, chính sách nhằm kiểm soát phát thải, thúc đẩy chuyển đổi phương tiện giao thông xanh, đồng thời sẽ hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi phương tiện cá nhân.

Theo ông Tuấn, từ cuối năm 2024, Hà Nội đã ban hành nghị quyết về thiết lập vùng phát thải thấp, với lộ trình chuẩn hóa trong quý III-2025. Trước mắt, vùng Vành đai 1 – có diện tích khoảng 31 km², dân số khoảng 600.000 người – sẽ là khu vực trọng tâm để kiểm soát nghiêm ngặt phát thải, sau đó mở rộng dần ra các vùng vành đai 2, 3, đồng bộ với tinh thần của Chỉ thị 20.

 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ảnh: VGP

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ảnh: VGP

“Phương tiện giao thông là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất, chiếm 54 – 75% tổng lượng phát thải. Chúng tôi đang xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát xe cũ, đánh giá điều kiện phát thải theo từng ngưỡng phù hợp” - ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ kiểm soát toàn diện các nguồn phát thải khác như sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, chất thải rắn nguy hại, ô nhiễm nước tại sông, hồ và vệ sinh môi trường đô thị.

Đề cập đến hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thành phố sẽ có chính sách kêu gọi doanh nghiệp cung ứng phương tiện phối hợp cùng chính quyền để đưa ra chế độ ưu đãi nhất.

“Có thể hỗ trợ cả vào giá thành phương tiện để người dân dễ dàng tiếp cận, đảm bảo chất lượng phương tiện và quyền lợi khi sử dụng” - ông Tuấn nói thêm.

Với người dân đang sử dụng phương tiện chạy xăng, dầu tại khu vực nội đô, ông Tuấn khẳng định thành phố sẽ xây dựng chính sách chuyển đổi “hết sức hài hòa”, đảm bảo quyền lợi, tính khả thi và sự đồng thuận xã hội.

“Chính quyền sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để đưa ra mức hỗ trợ hợp lý, không chỉ khuyến khích mà còn chia sẻ chi phí cùng người dân. Việc này cần sự đồng lòng của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để có thể triển khai hiệu quả” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Phải chuyển đổi xanh vì không còn đường lùi

Tại tọa đàm, ông Hoàng Văn Thức – Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường – thông tin: Chỉ thị 20 giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành và địa phương, trong đó Hà Nội là địa phương trọng điểm.

Bộ đang khẩn trương hoàn thiện kế hoạch triển khai trong tuần tới với năm nhóm nhiệm vụ lớn, bao gồm cả rà soát và ban hành mới các quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.

“Ví dụ, quy chuẩn khí thải đối với ô tô đang lưu hành đã được ban hành, sắp tới sẽ có quy chuẩn khí thải với mô tô, xe gắn máy mới. Từ 1-7-2027, xe máy sẽ phải kiểm chuẩn khí thải. Muốn làm được, các địa phương như Hà Nội phải đầu tư cơ sở vật chất như điểm kiểm chuẩn khí thải, cùng với cơ chế chính sách hỗ trợ người dân” - ông Thức nói.

 Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho hay phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất trong khu vực Hà Nội. Ảnh: Phi Hùng

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho hay phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất trong khu vực Hà Nội. Ảnh: Phi Hùng

Từ góc độ chuyên gia, TS. Hoàng Dương Tùng– Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam– nhận định việc chuyển đổi phương tiện xanh là xu thế tất yếu, không thể trì hoãn.

Theo ông Tùng, Hà Nội nên tham khảo mô hình Bắc Kinh (Trung Quốc), nơi từng bị ô nhiễm nặng nhưng đã cải thiện chất lượng không khí nhờ những quyết sách táo bạo và mạnh mẽ, trong đó nổi bật là chuyển đổi hoàn toàn xe buýt sang xe điện.

“Tôi hy vọng Hà Nội sẽ triển khai nhanh các biện pháp như vậy. Người dân rất ủng hộ, nhưng cũng cần được hỗ trợ. Chúng ta cần hệ thống trạm sạc, phương tiện giao thông công cộng tiện lợi, chính sách rõ ràng và lộ trình minh bạch để tạo thuận lợi cho người dân” - ông Tùng nói.

Theo ông, khi chính quyền hành động quyết liệt, người dân sẽ đồng hành, chỉ cần các chính sách đủ rõ ràng, minh bạch và công bằng.

“Mỗi người đều có thể góp phần bảo vệ không khí bằng hành động nhỏ như tắt máy xe khi dừng lâu, chuyển sang dùng xe điện… Chúng ta không còn đường lùi trước vấn đề ô nhiễm không khí” - TS. Hoàng Dương Tùng nói.

Trọng Phú

Nguồn PLO: https://plo.vn/ha-noi-se-keu-goi-doanh-nghiep-ban-xe-xanh-voi-gia-ho-tro-cho-nguoi-dan-post860559.html