Thành tựu, cơ hội và thách thức

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội với quy mô, vị thế và điều kiện phát triển mới đã phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển nhanh, toàn diện, bền vững cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Các nguồn lực, thế mạnh của từng địa phương sau khi hợp nhất đã được khai thác, sử dụng có hiệu quả, trong đó nổi bật nhất phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng của lĩnh vực GTVT.

Đổi thay mạnh mẽ

Việc phát triển kết cấu hạ tầng GTVT giữ vai trò quan trọng và là tiền đề để phát triển đô thị cũng như phục vụ nhu cầu sinh sống đi lại của người dân. Các điều kiện về hạ tầng GTVT là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá điều kiện sống của các đô thị hiện đại.

Sau 15 năm hợp nhất tỉnh Hà Tây (cũ), một phần tỉnh Hòa Bình và Vĩnh Phúc, mạng lưới GTVT Thủ đô cũng đã có những đổi thay vô cùng mạnh mẽ.

Hiện cả 7/7 tuyến đường cao tốc hướng tâm (111,32km), 8/8 tuyến quốc lộ (QL) hướng tâm (244,58km) đã được đầu tư hình thành, đưa vào khai thác sử dụng. 7 tuyến đường vành đai đã và đang được đầu tư (hoàn thành 132,26/285,46km); đặc biệt Vành đai 4 với vai trò chiến lược đối với toàn bộ Vùng Thủ đô đã được khởi công vào tháng 6 vừa qua. 4 trục kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh gồm: Hồ Tây - Ba Vì; Tây Thăng Long; Ngọc Hồi - Phú Xuyên; Hà Đông - Xuân Mai cũng đang được khẩn trương đầu tư.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Hải Linh

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Hải Linh

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án giao thông lớn kết nối nội vùng, liên vùng đang được tập trung triển khai như: cải tạo nâng cấp QL6; đường nối Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3; cải tạo nâng cấp QL21; xây dựng tuyến đường trục phía Nam; đường Bái Đính - Ba sao - Mỹ Đình... 9/18 cầu vượt sông Hồng đã hình thành, 6 cầu đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công.

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của Hà Nội đã đạt được mục tiêu “xóa vùng trắng xe buýt” với 154 tuyến buýt tiếp cận 100% số quận, huyện, thị xã, 88,4% số xã phường, thị trấn, tăng 88% so với năm 2008 khi chưa mở rộng địa giới. Toàn mạng lưới hiện có 2.279 xe buýt với gần 14% xe sử dụng năng lượng sạch.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khởi đầu cho kỷ nguyên mới của VTHKCC khối lượng, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường; cùng với đó là tuyến xe buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa. TP đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công tuyến ĐSĐT số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, để đưa vào khai thác vận hành trước đoạn trên cao vào năm 2024; tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến ĐSĐT còn lại.

Những thành tựu và kết quả đạt được nêu trên đã góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn, tăng cường kết nối Thủ đô với các tỉnh, TP trong khu vực. Có thể nói, GTVT đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô, nhất là từ sau khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008.

Một ý nghĩa quan trọng khác là GTVT đã xóa đi khoảng cách địa lý giữa đô thị trung tâm với nông thôn, ngoại thành; giảm thiểu sự khác biệt về chất lượng sống, giúp Nhân dân Thủ đô dù ở bất kỳ địa phương nào cũng được hưởng chính sách, dịch vụ công cộng và có điều kiện phát triển như nhau.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Bên cạnh những thành tựu, cơ hội có được qua 15 năm phát triển, lĩnh vực GTVT của Hà Nội cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Việc hợp nhất và mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đã làm gia tăng nhu cầu đi lại có xu hướng tập trung vào các quận nội thành, gây áp lực lớn cho giao thông nội đô; trong khi phương tiện giao thông không ngừng gia tăng.

Nhu cầu về kinh phí đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông rất lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách. Nguồn vốn ODA khó tiếp cận. Các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho lĩnh vực GTVT vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Quy mô định hướng Quy hoạch GTVT khi thực hiện cần phải điều chỉnh cục bộ cho phù hợp với thực tiễn. Cơ chế, chính sách liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cũng có nhiều thay đổi.

Đối với các dự án công trình lớn, đặc biệt là ĐSĐT, quy trình thủ tục kéo dài, vấn đề kỹ thuật đều phụ thuộc vào tư vấn nước ngoài mà phía Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm.

Nghiên cứu, xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù riêng về huy động nguồn lực cho đầu tư các tuyến ĐSĐT, trong đó có việc triển khai xây dựng cơ chế đầu tư và hình thức đầu tư TOD (Transit Oriented Development) khai thác quỹ đất tại nhà ga của các tuyến ĐSĐT... để tạo nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cũng như quản lý khai thác vận hành các tuyến ĐSĐT.

Các công trình giao thông thường trải dài theo tuyến, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, tác động ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân. Quá trình thi công các dự án ngoài việc phải bảo đảm ATGT đối với đoạn đường đang khai thác còn phải di chuyển bảo vệ hoàn trả nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi đang khai thác.

Theo Quy hoạch GTVT thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ diện tích đất giành cho giao thông phải đạt từ 20 - 26%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3 - 4%; VTHKCC phải đáp ứng được từ 50 - 55% nhu cầu đi lại.

Nhưng các chỉ số này đều còn rất khiêm tốn, chưa đạt được mức kỳ vọng, trong khi đó hàng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4 - 5%, khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch; các trục hướng tâm vẫn chủ yếu khai thác trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ hiện có. Danh mục các dự án đầu tư chưa đáp ứng được tiến độ theo dự kiến quy hoạch; mạng lưới ĐSĐT vẫn đang gặp nhiều khó khăn, tiến độ triển khai chậm.

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều nội dung liên quan đến phát triển Thủ đô Hà Nội đã được đặt ra với những định hướng mới. Trong đó phải kể đến các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị liên quan trực tiếp, gián tiếp đến định hướng, không gian phát triển đô thị của TP. Nhiều vấn đề mới liên quan đến phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị được đặt ra có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực GTVT của Thủ đô.

Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các định hướng đối với Hà Nội đã được đặt trong mối quan hệ liên kết vùng, hướng tới mục tiêu khẳng định vị thế, vai trò hạt nhân trung tâm, đầu tàu phát triển của cả Vùng Thủ đô cũng như cả nước.

Xác định các mục tiêu cụ thể

Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang khẩn trương triển khai các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt hai đồ án quy hoạch quan trọng của TP gồm: rà soát điều chỉnh tổng thể đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ hội, điều kiện quan trọng để Hà Nội triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận nêu trên. Theo đó, ngành GTVT Thủ đô cũng đã xác định rõ các mục tiêu, giải pháp cần tập trung trong thời gian tới.

Thứ nhất là tổ chức rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đồ án Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đánh giá được toàn diện lĩnh vực GTVT hiện nay, nhận định những khó khăn vướng mắc, bất cập, tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời đưa các định hướng phát triển quan trọng vào điều chỉnh tổng thể Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng như Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Hải Linh

Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Hải Linh

Sau khi Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô điều chỉnh, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức triển khai ngay việc lập, trình thẩm định phê duyệt điều chỉnh Đồ án Quy hoạch GTVT Thủ đô bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch và làm cơ sở cho việc định hướng phát triển ngành bền vững, lâu dài.

Sở GTVT đã tham mưu cho UBND TP đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy ban hành chỉ thị về phát triển ĐSĐT trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị. Đồng thời tham mưu cho UBND TP ban hành Kế hoạch thực hiện chỉ thị về phát triển ĐSĐT.

Để thúc đẩy phát triển đồng bộ và bền vững các lĩnh vực Thủ đô đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành trên toàn TP. Trong đó vai trò của ngành GTVT đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, tạo lập không gian sống văn minh ở Hà Nội là rất quan trọng. Ngành GTVT của Thủ đô luôn quán triệt trong toàn ngành những gì đã làm được trong thời gian qua mới chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình còn rất gian nan; đòi hỏi ngành phải nỗ lực không ngừng, phấn đấu liên tục, hy sinh không mệt mỏi mới mong có thể hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề hơn trong những năm tới đây.

Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ nhằm phát triển giao thông đô thị. Ưu tiên phát triển VTHKCC, đặc biệt là các loại hình vận tải nhanh, khối lượng lớn. Xây dựng hệ thống bản đồ số trực tuyến; hệ thống vé thông minh, vé liên phương thức các loại hình VTHKCC. Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý, cập nhật thông tin về VTHKCC nhằm tối ưu hóa từng chuyến đi.

Tổ chức rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm tập trung để tập trung triển khai đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng theo từng giai đoạn đảm bảo tính khả thi. Trong đó xác định rõ hình thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư, tiến độ, thời gian thực hiện và phân kỳ thời gian thực hiện.

Đối với việc phát triển mạng lưới ĐSĐT ưu tiên tập trung đầu tư dứt điểm theo tuyến, bảo đảm tính động bộ trên toàn tuyến và bảo đảm khớp nối với các loại hình VTHKCC khác, phát huy hiệu quả đầu tư với các tuyến đang triển khai.

Trước mắt, tiếp tục tập trung cân đối nguồn lực từ ngân sách TP để đầu tư. Để bảo đảm có đủ nguồn lực đầu tư, cần xây dựng phương án, cơ chế chính sách để đa dạng nguồn vốn phục vụ thực hiện các dự án giao thông khung theo quy hoạch; bao gồm vốn từ ngân sách, vốn vay ODA, vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng như ngân hàng, huy động nguồn bằng việc phát hành trái phiếu, đấu giá đất, cổ phần hóa DN, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc và kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (BT, BOT...), xã hội hóa đầu tư.

Tiếp tục cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính rút ngắn thời gian giải quyết từ khâu quy hoạch, chuẩn bị dự án, thiết kế đến thẩm định, phê duyệt và giải phóng mặt bằng. Xác định rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ tiến độ, rõ hiệu quả của từng cấp, từng ngành, cá nhân, người đứng đầu trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả quản lý, rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Thực hiện nhiều giải pháp trong công tác giải phóng mặt bằng; nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý đất đai, quản lý quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng đầu tư các dự án. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án của các nhà đầu tư để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Rà soát, kiện toàn và nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp, tinh nhuệ của các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thanh-tuu-co-hoi-va-thach-thuc.html