Tháo 'điểm nghẽn', thúc tiến độ Dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống

'Trượt' mục tiêu đóng điện vào ngày 30/5 vừa qua, Dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống tiếp tục có nguy cơ chậm tiến độ do vướng mắc trong làm đường thi công, thủ tục tận thu lâm sản và bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB).

Dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống đi qua 3 huyện: Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống của tỉnh Thanh Hóa, với chiều dài 52,14km, bao gồm 125 vị trí móng cột và 47 khoảng néo hành lang tuyến.

Dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống đi qua 3 huyện: Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống của tỉnh Thanh Hóa, với chiều dài 52,14km, bao gồm 125 vị trí móng cột và 47 khoảng néo hành lang tuyến.

Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) - chủ đầu tư dự án, một trong những vấn đề “nan giải” hàng đầu hiện nay là việc tổ chức thi công qua 9 vị trí móng cột nằm trong diện tích đất rừng tự nhiên chưa thực hiện được trên địa bàn huyện Như Xuân. Theo đó, mặc dù các thủ tục liên quan đến công tác chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi đất, bồi thường, GPMB đã được thực hiện xong, nhưng các vị trí móng này vẫn chưa thể tiến hành tổ chức thi công do thủ tục liên quan đến công tác xử lý tài sản công trên diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng sang thực hiện dự án.

Về vấn đề này, căn cứ quyết định phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã phối hợp với các chủ rừng lập, trình phương án tận dụng lâm sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt phương án khai thác tận dụng gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên sản xuất để thực hiện dự án tại xã Hóa Quỳ (Như Xuân). UBND huyện Như Xuân đã phê duyệt Phương án khai thác tận dụng gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên sản xuất để thực hiện dự án tại các xã Thanh Phong, Thanh Lâm, Hóa Quỳ và Bình Lương.

Tuy nhiên, dự án vẫn đang phải chờ Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa xem xét, có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục xử lý tài sản công là cây rừng tự nhiên đã được cấp thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Để lên được điểm thi công móng cột trên núi, nhà thầu sẽ phải mượn đường tạm thi công đi qua rừng tự nhiên.

Để lên được điểm thi công móng cột trên núi, nhà thầu sẽ phải mượn đường tạm thi công đi qua rừng tự nhiên.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc Trần Kim Vũ đề xuất: “Để triển khai thi công các vị trí còn lại sớm nhất có thể, trong khi chờ thực hiện các thủ tục tận thu, đấu giá lâm sản, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo, xem xét cho phép chủ đầu tư tổ chức chặt hạ cây theo phương án tận thu được cấp thẩm quyền phê duyệt, tập kết gỗ cây rừng sau chặt hạ tại địa điểm được UBND xã sở tại chỉ định để lấy mặt bằng cho nhà thầu triển khai thi công đào đúc móng. Bởi thực tế, việc thực hiện các thủ tục tận thu, đấu giá lâm sản cần thực hiện theo đúng quy trình, nếu chờ đợi sẽ không bảo đảm tiến độ cấp bách của dự án hiện nay”.

Lắp giàn giáo thi công kéo dây tại xã Mậu Lâm (Như Thanh).

Lắp giàn giáo thi công kéo dây tại xã Mậu Lâm (Như Thanh).

Với khó khăn về việc sử dụng đường tạm thi công, theo hướng dẫn của Nghị định 27/2024/NĐ-CP ngày 6/3/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (Nghị định 27) quy định việc làm đường tạm qua rừng tự nhiên, đối với cây có đường kính trên 20cm thì không được chặt hạ nên đã làm thay đổi hướng tuyến về đường tạm thi công ban đầu. Chủ đầu tư đã tiến hành khảo sát lại và ngày 5/6 đã trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt phương án mới, bảo đảm không ảnh hưởng đến cây rừng.

Các vị trí thi công trên núi đều có địa hình hiểm trở, phải đào ủi, san lấp mới có thể vận chuyển phương tiện và vật liệu.

Các vị trí thi công trên núi đều có địa hình hiểm trở, phải đào ủi, san lấp mới có thể vận chuyển phương tiện và vật liệu.

“Chúng tôi đề xuất các sở, ngành, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư và nhà thầu trong công tác kiểm tra, trình phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng ngay khi gửi hồ sơ. Cùng với đó, xem xét, hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể về phương pháp thi công đường tạm, do trong điểm e, mục 1, khoản 2 điều 1 Nghị định 27 nêu “...không xây dựng, đào bới... làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên...”. Trong khi đó, khảo sát thực tế cho thấy các tuyến đường tạm đều cần phải được san, ủi mới có thể đưa máy móc, vận chuyển vật liệu lên vị trí thi công”, ông Trần Kim Vũ nói.

Khảo sát đường thi công lên các vị trí móng cột trên núi thuộc xã Bình Lương (Như Xuân).

Khảo sát đường thi công lên các vị trí móng cột trên núi thuộc xã Bình Lương (Như Xuân).

Cùng với đó, mặc dù các cấp, ngành liên quan đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tuy nhiên hiện nay vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong công tác GPMB tại các huyện Như Thanh và Như Xuân.

Tại huyện Như Thanh, tính đến ngày 7/6 vẫn còn 3/20 khoảng néo chưa bàn giao được mặt bằng, liên quan đến 34 hộ dân có cây trồng trên đất UBND xã quản lý vừa được phê duyệt phương án bồi thường ngày 5/6 và đang chờ chủ đầu tư chuyển tiền để chi trả; 1 hộ dân có đất ở trong hành lang an toàn chưa được phê duyệt phương án bồi thường.

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo UBND hai huyện Như Thanh, Như Xuân giải quyết dứt điểm các vướng mắc; tuyên truyền người dân đồng thuận nhận tiền bồi thường, GPMB theo phương án đã được duyệt. Trường hợp các hộ không nhận tiền bồi thường, EVN đề nghị địa phương tổ chức lực lượng bảo vệ thi công để chủ đầu tư triển khai các hạng mục cuối cùng, nỗ lực hoàn thành dự án trong tháng 6/2024.

Cùng với đó, một số hộ dân trên địa bàn 2 huyện nêu trên dù đã nhận tiền bồi thường đối với diện tích rừng sản xuất bị ảnh hưởng bởi hành lang tuyến, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện việc chặt hạ cây, phát quang hành lang tuyến để chủ đầu tư tiến hành kéo dây.

Một vị trí người dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa chặt hạ cây trong hành lang tại xã Xuân Khang (Như Thanh).

Một vị trí người dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa chặt hạ cây trong hành lang tại xã Xuân Khang (Như Thanh).

Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh Hàn Văn Huyên cho biết: “Huyện đang tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về ý nghĩa dự án, nguồn gốc đất, cơ chế chính sách bồi thường GPMB đối với các công trình, dự án do Nhà nước thu hồi đất đề người dân đồng thuận, tự nguyện bàn giao mặt bằng. Qua công tác vận động những ngày qua, 7 hộ gia đình mặc dù chưa đồng thuận với phương án bồi thường nhưng đã đồng ý bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công kịp thời. Ngày 8/6, huyện tổ chức đối thoại lần ba với 1 hộ gia đình còn lại. Nếu hộ dân này vẫn cố tình không chấp hành, chúng tôi sẽ tổ chức bảo vệ để nhà thầu thi công”.

Đối với huyện Như Xuân, đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống đi qua địa bàn huyện có chiều dài 28,5km với 70 vị trí móng cột và 19 khoảng néo, diện tích bị ảnh hưởng là 2,53ha đất ở và 51,7ha đất sản xuất của 3 tổ chức và 213 hộ dân. Mặc dù đã đồng thuận nhận tiền bồi thường, GPMB, tuy nhiên nhiều hộ gia đình vì điều kiện nhân lực khó khăn nên vẫn chưa tổ chức được việc chặt hạ cây cối.

Đại diện UBND huyện Như Xuân, lãnh đạo xã Bình Lương cùng chủ đầu tư, nhà thầu và các lực lượng bàn phương án bảo đảm an ninh - trật tự, hỗ trợ thi công.

Đại diện UBND huyện Như Xuân, lãnh đạo xã Bình Lương cùng chủ đầu tư, nhà thầu và các lực lượng bàn phương án bảo đảm an ninh - trật tự, hỗ trợ thi công.

Cùng với đó, việc tổ chức thi công ở vị trí móng cột số 233 trên địa bàn xã Bình Lương (Như Xuân) còn tồn tại vướng mắc liên quan đến vấn đề an ninh - trật tự, do con của 1 chủ hộ đã nhận tiền bồi thường nhưng cản trở thi công. UBND huyện đã và đang chỉ đạo xã Bình Lương, lực lượng Công an giải quyết sự việc để chủ đầu tư thuận lợi thi công trong những ngày tới.

“Với các diện tích cây cối dưới hành lang chưa được chặt hạ, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân giải tỏa hành lang. Cùng với đó, huyện huy động lực lượng, các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia hỗ trợ các gia đình khó khăn về nhân lực, phấn đấu đến ngày 20/6 sẽ làm sạch hành lang để chủ đầu tư kéo dây dự án”, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân Nguyễn Đức Đồng cho biết.

Về vấn đề giải tỏa cây cối trong hành lang điện, chủ đầu tư cũng đề xuất phương án tổ chức hỗ trợ người dân chặt hạ cây cối và áp dụng điều khoản “hỗ trợ khác” được đưa vào chi phí của dự án.

Dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống dài khoảng 130km, gồm 2 mạch, từ điểm đấu nối G1 (tại biên giới Việt Nam - Lào) đến Trạm biến áp 220kV Nông Cống, gồm 299 vị trí móng cột và 99 khoảng néo hành lang tuyến, đi qua 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

Trên địa bàn Thanh Hóa, dự án đi qua 3 huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống, với chiều dài 52,14km, bao gồm 125 vị trí móng cột và 47 khoảng néo hành lang tuyến.

Ngoài mục tiêu đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện khu vực miền Bắc, đây còn là dự án nhằm hiện thực hóa chủ trương hợp tác năng lượng giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thao-diem-nghen-thuc-tien-do-du-an-duong-day-220kv-nam-sum-nong-cong-216186.htm