Tháo gỡ ách tắc nông sản tại cửa khẩu
Các bộ, ngành đang thuyết phục phía Trung Quốc thay đổi các biện pháp kiểm soát quá mức cần thiết, gây trở ngại không đáng có cho thương mại song phương
Thông tin cập nhật từ các cửa khẩu Lạng Sơn cho thấy hàng trăm xe chợ hàng hóa, nông sản vẫn ùn ứ các cửa khẩu để chờ xuất sang Trung Quốc. Nguyên nhân là từ ngày 18-8, phía Trung Quốc nâng cấp biện pháp phòng chống dịch, khiến quy trình giao nhận hàng thay đổi đáng kể.
Trung Quốc yêu cầu tuyệt đối không cho tài xế và chủ hàng đưa xe hàng sang mà phải giao xe hàng để tài xế của phía Trung Quốc đưa đến nơi giao hàng tại khu vực cửa khẩu Pò Chài. Sau khi hết hàng trên xe, tài xế Trung Quốc sẽ điều khiển xe không ra bãi trao trả cho tài xế Việt Nam.
Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết với quy trình mới từ phía Trung Quốc đưa ra để phòng chống dịch Covid-19, tình hình thông quan hàng nông sản, trái cây tươi xuất khẩu diễn ra chậm do phải áp dụng nhiều thủ tục, quy trình bảo đảm phòng chống dịch do phía Trung Quốc đưa ra. Từ ngày 18 đến 23-8, Chi cục Hải quan Tân Thanh chỉ làm thủ tục thông quan cho gần 900 xe nông sản.
Tại cửa khẩu Cốc Nam cũng gặp khó khăn tương tự, phía Trung Quốc chỉ nhận hàng chở trên các xe tải không chạy lạnh của phía Việt Nam. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, hoạt động thông quan hàng hóa vẫn diễn ra bình thường nhưng do lượng hàng dồn về cửa khẩu và quy trình kiểm soát phòng chống dịch ở mức rất cao nên số lượng hàng thông quan trong ngày cũng hạn chế.
Một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản cho biết việc xuất hàng sang Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn. DN phát sinh thêm chi phí thuê vận chuyển khi giao xe cho lái xe người Trung Quốc, chi phí bốc xếp hoặc lưu bãi, lưu kho nếu hàng hóa không giao được sớm.
Để kịp thời khơi thông xuất khẩu hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết đã đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp, chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn rà soát để hoàn thiện hơn nữa quy trình giao nhận, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch nhưng không gây trở ngại, gián đoạn quá mức cần thiết cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để trao đổi về tình hình thương mại Việt Nam - Trung Quốc và các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, thông quan các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc và Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan và xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ với bộ trong giao thiệp với phía Trung Quốc, thuyết phục phía bạn thay đổi các biện pháp chặt chẽ quá mức cần thiết, gây trở ngại không đáng có cho thương mại song phương. Với cửa khẩu Tân Thanh, để giảm bớt tình trạng ùn tắc, tồn đọng phương tiện do quy trình giao nhận mới, Bộ Công Thương đề nghị UBND tỉnh cân nhắc, tổ chức phân loại phương tiện ngay tại các bãi tập trung; chỉ cho lên cửa khẩu những xe đã có khách tiêu thụ rõ ràng để hàng không tồn đọng quá lâu bên phía Trung Quốc; yêu cầu lái xe chuyên trách tuyệt đối không nhận ủy quyền "trông nom" và "bán hộ hàng" bên kia biên giới.
Về phía hải quan, ông Nguyên Hữu Vượng, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, cho biết trước việc thông quan hàng hóa gặp khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cục đã yêu cầu các chi cục hải quan cửa khẩu ưu tiên bố trí khung giờ vào buổi sáng cho xe chở trái cây tươi làm thủ tục thông quan. Cụ thể, các Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh triển khai tiếp nhận và xử lý hồ sơ thông quan nhanh các lô hàng, đặc biệt là mặt hàng nông sản, trái cây tươi. "Việc ưu tiên và xử lý hồ sơ nhanh nhằm tránh phát sinh thời gian, chi phí và hạn chế tối đa thiệt hại cho DN. Hải quan cũng phối hợp với lực lượng liên ngành khác để phân luồng từ xa, điều tiết xe hàng vào khu vực cửa khẩu, tránh ùn tắc" - ông Vượng nhấn mạnh.
Khuyến khích xuất khẩu chính ngạch
Về lâu dài, Bộ Công Thương khuyến khích các DN chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch và chỉ vận chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận với khách mua hàng. Đối với nông sản, cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại khâu sản xuất, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng để giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/thao-go-ach-tac-nong-san-tai-cua-khau-20210825202834036.htm